Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép được biết đến là cứ điểm thông tin liên lạc vô cùng quan trọng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khi đi du lịch Cà Mau và ghé thăm nơi này, bạn có thể tận mắt chứng kiến các dấu tích còn sót lại cũng như hiểu hơn về lịch sử của nước nhà.
1 Giới thiệu đôi nét về di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép
1.1 Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép nằm ở đâu?
Mỗi khi nhắc đến các chiến thắng hào hùng của quân và dân tại Cà Mau thì không thể không nhớ tới vai trò thông tin liên lạc của Nhà Dây Thép trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép tọa lạc trên cung đường Lê Lợi, thuộc địa phận khóm 3, phường 2, thành phố Cà Mau. Đây là một trong những địa điểm tham quan tại Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 02/06/2011. Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép là nơi gắn liền với những chiến thắng anh dũng của chiến sĩ và nhân dân tỉnh Cà Mau.
Với nhiều bạn trẻ ngày nay, có lẽ cái tên Nhà Dây Thép khá lạ lẫm nhưng thực ra, đây là một nhà bưu điện do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1910. Ban đầu, di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép vốn được sử dụng để thực hiện các chức năng thông tin liên lạc nhằm phục vụ bộ máy cai trị và khai thác thuộc địa của Pháp. Tận dụng tình hình thời đó, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã biến nơi đây thành đầu mối thông tin liên lạc quan trọng giữa Xứ ủy Nam Kỳ và chi bộ Đảng Cà Mau trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng chính từ cứ điểm liên lạc Nhà Dây Thép, những chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên đều đến được với từng chi bộ, đảng viên nên kịp thời tập trung, chỉ đạo đường lối và phát động các cuộc đấu tranh trong quần chúng nhân dân, giúp đất nước ta giành nhiều thắng lợi lớn.
Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép vốn là bưu điện do thực dân Pháp xây dựng năm 1910 và được quân dân ta tận dụng làm cứ điểm liên lạc quan trọng
1.2 Nên đến tham quan di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép vào thời gian nào?
Không giống các địa điểm tham quan ngoài trời như rừng ngập mặn Cà Mau hay Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, bạn có thể ghé thăm khu di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, bạn nên tránh đi vào những ngày mưa lớn vì địa điểm này có thể sẽ đóng cửa và các hoạt động tham quan, khám phá cũng có ít nhiều bất tiện. Bạn có thể chọn những hôm trời nắng đẹp và các ngày trong tuần để phòng trường hợp chen lấn do quá đông đúc nhé. Blogdulich.edu.vn lưu ý là di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép mở cửa từ 8:00 – 18:00 hằng ngày nên bạn hãy cân nhắc và sắp xếp lịch trình phù hợp nhất.
2 Hướng dẫn đường đi đến di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép
Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép nằm ngay trung tâm thành phố Cà Mau nên bạn có thể dễ dàng di chuyển tới đây bằng nhiều loại phương tiện khác nhau.
– Phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô tự lái): Nếu muốn chủ động và linh hoạt về thời gian đi lại, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân đến di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép. Xuất phát từ thành phố Cà Mau, bạn chỉ cần đi theo hướng đường Hải Thượng Lãn Ông khoảng 16 phút là sẽ đến được khu di tích. Nếu không thông thạo đường đi thì bạn hãy tra cứu trên ứng dụng Google Maps hoặc hỏi thăm người dân quanh vùng.
– Xe khách: Đối với những bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có thể di chuyển bằng xe khách tới bến xe Cà Mau, sau đó đi taxi thêm khoảng 3km nữa là sẽ tới được di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép.
– Máy bay: Đối với các bạn ở xa và di chuyển đến Cà Mau bằng máy bay thì có thể dễ dàng đi bằng taxi hoặc xe ôm từ sân bay tới thẳng khu di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép với quãng đường chỉ 3km.
Khu di tích nằm trên đường Lê Lợi trong trung tâm thành phố Cà Mau nên bạn có thể di chuyển đến đây rất dễ dàng
3 Tham quan và tìm hiểu lịch sử của khu di tích Nhà Dây Thép
3.1 Nhà Dây Thép – Nơi khơi nguồn các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
Vào năm 1930, hệ thống liên lạc ở tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn nên chiến sĩ cách mạng đã tận dụng Nhà Dây Thép do Pháp xây dựng làm nơi tiếp nhận, trao đổi thông tin liên lạc. Khi nguồn thông tin liên lạc được hanh thông đã giúp cho các cơ sở Đảng Cà Mau hoạt động thuận lợi hơn trong cuộc chiến tranh. Vào cuối năm 1939, quân và dân Cà Mau phát triển thêm các chi bộ mới cùng với số lượng Đảng viên cũng được gia tăng. Trong đó phải kể đến Đoàn Thanh niên Tân Tiến, Hội Phụ nữ Dân Chủ cùng các đoàn thợ bạc, thợ may, thợ làm tóc…
Qua sự vận động của tổ chức cách mạng, các cuộc đấu tranh trong quần chúng nhân dân Cà Mau đã diễn ra và giành được thắng lợi. Tháng 04/1937, gần 2.000 người dân ở các xã bị bắt phải xây đường từ Cà Mau đến Năm Căn đã đứng lên đấu tranh đòi bọn chủ thầu tăng tiền công, cấp nước sạch và thuốc trị bệnh. Liên tiếp vào các năm 1936 và 1937, hàng trăm người nông dân đã nổi dậy đấu tranh đòi các địa chủ trả lại đất. Điển hình là cuộc biểu tình ngày 04/10/1938 của hơn 800 người từ các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… tại thị trấn Cà Mau cùng với các xã lân cận đòi được giải quyết công ăn việc làm và bãi bỏ thuế thân đã gây xôn xao, chấn động dư luận trong nước.
Nhà Dây Thép đã hỗ trợ các hoạt động cách mạng được thuận lợi và giúp nhân dân ta giành nhiều chiến thắng
3.2 Điểm xuất phát của ngành thông tin liên lạc tại Cà Mau
Không chỉ là cầu nối của các cuộc đấu tranh trong quần chúng nhân dân, di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép còn là điểm xuất phát của ngành thông tin liên lạc tỉnh Cà Mau. Người có công lao to lớn trong việc tận dụng nơi làm việc của thực dân Pháp thành cứ điểm thông tin liên lạc phục vụ cách mạng chính là đồng chí Lê Tồn Khuyên. Dưới vỏ bọc một nhân viên của Nhà Dây Thép, đồng chí Lê Tồn Khuyên đã đảm bảo thông tin liên lạc giữa những cơ sở Đảng ở Cà Mau với Xứ ủy Nam Kỳ, Đặc ủy Hậu Giang được liên tục và kịp thời chuyển giao các chỉ thị từ cấp trên xuống. Với vai trò đầu mối liên lạc, di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép đã đảm bảo an toàn cho rất nhiều hoạt động, góp phần củng cố, phát triển lực lượng và mở rộng ảnh hưởng chính trị, gây được tiếng vang lớn trong dư luận, tạo tiền đề cho những phong trào cách mạng sau này như Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép hoạt động bí mật nên ở thời điểm hiện tại, rất nhiều hiện vật đã bị thất lạc và không còn được lưu giữ. Bảo tàng tỉnh Cà Mau là nơi còn lưu lại những tài liệu, hình ảnh và hiện vật về khu di tích này. Hiện nay, di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép được giao cho Viễn thông Cà Mau quản lý và đây cũng là nơi tổ chức các buổi lễ kết nạp đoàn viên mới, lễ trưởng thành đoàn viên, ngày Truyền thống Bưu điện… Cùng với Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá Nhà Thể, di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép cũng mở cửa chào đón mọi người đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
Bên trong di tích Nhà Dây Thép tái hiện lại khung cảnh các chiến sĩ cách mạng đang thực hiện hoạt động liên lạc
Hiện nay, di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng và là nơi tổ chức các buổi lễ trang trọng của Đoàn, Đảng Cà Mau
Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép không chỉ chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao mà còn là nơi giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, bạn đừng quên lưu lại vào cẩm nang du lịch và nếu có dịp đến với Cà Mau, hãy một lần ghé thăm khu di tích nổi tiếng này nhé.