Chùa Kà Ốt thuộc địa phận xã Tân Đông là một trong số 6 tự viện Phật giáo theo hệ phái Nam tông được nhiều người biết đến. Đây là địa điểm du lịch Tây Ninh gây ấn tượng bởi lối kiến trúc Khmer truyền thống vừa chừng mực lại mang tới cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.
1 Tổng quan về Chùa Kà Ốt
Địa chỉ: Ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh
Bên cạnh Chùa Svay Tây Ninh, Chùa Kà Ốt là một trong những công trình tôn giáo theo hệ phái Nam tông Khmer được nhiều người biết đến tại “vùng đất thánh”. Hoàn thành sau 10 năm ròng rã, chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa nổi trội của cộng đồng người Khmer lưu trú ở xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu.
Không xây dựng nhiều tầng lầu với lối kiến trúc cầu kì, bề thế hay quá đơn sơ, giản dị, nơi đây sở hữu nét đẹp truyền thống dịu dàng, chừng mực khiến ai nấy từng dừng chân đều cảm thấy vô cùng gần gũi, quen thuộc. Điểm đặc sắc này đã góp phần làm nên tên tuổi ngôi Chùa Kà Ốt trên bản đồ du lịch Tây Ninh đồng thời thu hút đông đảo giới mộ đạo cùng tín đồ khám phá thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Chùa Kà Ốt là một trong những công trình chùa Khmer nổi tiếng tại Tây Ninh
2 Hướng dẫn cách di chuyển tới chùa
Thuộc địa phận ấp Kà Ốt, công trình chùa có vị trí cách thị trấn Tân Châu khoảng 22,5km và trung tâm Thành phố Tây Ninh gần 50km. Xuất phát từ thị trấn, bạn cứ đi dọc theo trục lộ 785 đến Chợ Kà Tum rồi rẽ vào chừng 2km là đến nơi.
Thông thường để trải nghiệm trọn vẹn hành trình khám phá tâm linh, hội xê dịch gần xa sẽ đi Tây Ninh bằng xe máy, ô tô hoặc thuê xe du lịch tự túc. Cách di chuyển này vừa giúp mọi người chủ động về mặt thời gian, lịch trình tham quan các điểm khác ngoài Chùa Kà Ốt lại có thể tiết kiệm chi phí so với nhiều loại hình phương tiện đường dài. Một số hãng cho thuê xe du lịch từ 4 tới 45 chỗ chất lượng tốt mà Blogdulich.edu.vn mách bạn nên cân nhắc qua đó là xe Miền Nam (hotline: 0987 019 123), Hoàng Dung (0982 099 329), Thần Tài (0909 855 739)…
3 Chùa Kà Ốt Tây Ninh có gì thú vị?
3.1 Tên gọi độc đáo đến từ công trình chùa
Đi vào xây dựng năm 1980 và hoàn thiện năm 1996, ngôi chùa Khmer ban đầu có tên là Kiri Sattray Menchey Kà Ốp tức “danh thơm của người phụ nữ chiến thắng ở gần núi”. Sau này tuy bỏ đi phần đuôi còn Kiri Sattray Menchey, người dân địa phương vẫn thường gọi quen nơi này là Chùa Kà Ốp, đọc lai lái lâu dần thành Ka Ốt như bây giờ.
Thực chất Kà Ốt là từ vô nghĩa, theo cách đặt tên của người xưa, cụm Kà Ốp “hương thơm” kết hợp cùng Kà Tum “trái cây chín” mới tạo ra ý nghĩa về một hương thơm ngọt ngào. Tên gọi dù đọc trại đi nhưng tính chất lãng mạn vẫn không thay đổi, trái lại còn phủ lên công trình kiến trúc tôn giáo này màu sắc an yên, thanh bình. Tham quan ngôi chùa vào giấc trưa chiều, bức tường ánh sáng xuyên qua tán lá cây hòa cùng không gian im ắng và lối kiến trúc uy nghi của chùa để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng bá tánh Phật tử.
Ban đầu chùa có tên là Kiri Sattray Menchey Kà Ốp
3.2 Lối kiến trúc đầy ấn tượng của Chùa Kà Ốt
Trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 6 ngôi chùa Nam tông Khmer nổi tiếng, riêng huyện Tân Châu sở hữu cho mình một công trình riêng. Quần thể Chùa Kà Ốt tọa lạc trên một khu đất rộng, bao quanh là rừng cây và tre đan xen đẹp mắt. Ngôi chánh điện nơi đây được xây dựng ở một nền cao vuông vức với lớp mái nhọn, lợp ngói và trang trí đầu rồng trang nhã, 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc có bậc cầu thang dẫn lên. Tầm nhìn của chùa nói chung và chánh điện nói riêng đều hướng về phía Đông. Theo triết lý tôn giáo, đây là hướng nhìn về đức Phật.
Dừng chân tại khu vực phía trước chánh điện, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh sống động vẽ cảnh đức Phật đang chuyển pháp luân cho 5 anh em Kiều Trần Như lần đầu tiên. Đi vào bên trong, quy thức bài trí bàn thờ cùng tư thế đặt tượng Thích Ca Mâu Ni được ngôi chùa Khmer tuân thủ rất nghiêm ngặt đúng theo triết lý văn hóa Phật. Vòng ra phía sau khu chánh điện, bá tánh gần xa có thể chiêm ngưỡng bức tranh 5 vị Phật gồm 4 vị đã nhập Niết bàn, một vị chưa đắc quả còn mặc thần phục là Di Lặc.
Bên trái của điện thờ là ngôi tháp lưu giữ tro cốt các nhà sư đã viên tịch cùng cốt của Phật tử. Người Khmer sinh sống tại “vùng đất thánh” Tây Ninh không thực hiện nghi lễ hỏa táng như cộng đồng người xứ Tây Nam, thay vào đó họ chôn người thân theo phong tục của người Kinh rồi mới lấy cốt đưa vào chùa thờ tự.
Hình ảnh khu chánh điện sở hữu lối kiến trúc độc đáo, ấn tượng
Ngoài ra ở chùa còn có khu vực tách biệt bài trí các pho tượng, trong số đó ấn tượng nhất là tượng Phật Thích Ca khổng lồ đang tạo tư thế kết ấn xúc địa trên một bệ cao. Phía bên trên bức tượng là bánh xe pháp luân có 8 nhánh căm đại diện cho “bát chánh đạo”. Phía sau là tượng Chặn cầm chày canh gác như thần hộ pháp uy nghiêm cùng tượng Bà Mẹ Đất vận trang phục truyền thống Khmer.
Công trình tôn giáo hệ Nam tông nơi ấp Kà Ốt với nỗ lực thiết kế, tôn tạo và trùng tu của mình có thể sánh ngang với Chùa Thiền Lâm (Chùa Gò Kén) Bắc Tông, đồng thời mang đến vùng đất này một trung tâm văn hóa tín ngưỡng đầy ấn tượng.
Khu bài trí tượng nằm tách biệt có tượng Phật Thích Ca lớn đang ngồi trên một bệ cao
Vậy là Blogdulich.edu.vn vừa giới thiệu đến bạn Chùa Kà Ốt Tây Ninh nổi danh. Đây là công trình kiến trúc hệ Phật giáo Nam tông đặc sắc tọa lạc tại miền đất Nam Bộ địa linh. Có dịp du lịch Tây Ninh, đừng quên viếng thăm ngôi chùa đầy ấn tượng này trong hành trình khám phá nét đẹp văn hóa tâm linh bạn nhé! Lưu ngay điểm ghé vào Cẩm nang du lịch kẻo lỡ thôi.