Ít ai ngờ rằng, nơi vốn dĩ là vùng đất hoang ngày trước giờ đây vẫn còn đó một Làng nghề cói Kim Sơn. Vốn nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất những món hàng thủ công mỹ nghệ từ loài cây nói, những người nghệ nhân nơi đây đã luôn sắt son bền bỉ theo đuổi cái nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay. Để rồi giờ đây khi nhắc về Kim Sơn, người ta không chỉ nhắc đến những tô bún mọc hấp dẫn mà vẫn còn đó một cái nghề truyền thống để nhớ về…
1 Định vị chính xác tọa độ của Làng nghề cói Kim Sơn
Địa chỉ: huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Vốn là một làng nghề làm cói truyền thống từ hơn 200 năm qua, Làng nghề cói Kim Sơn nằm yên bình bên cạnh Nhà thờ Phát Diệm, đồng thời là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được nhiều người yêu thích. Làng vốn là nơi có truyền thống trồng cói và làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc từ loài cây này nên càng thu hút nhiều người muốn được một lần ghé đến hơn cả.
Những chiếc mũ được hoàn thiện dưới đôi tay tài hoa của những người thợ nơi Làng nghề cói Kim Sơn
2 Bạn có thể đến tham quan Làng nghề cói Kim Sơn bằng những loại phương tiện nào là hợp lý?
Trong hành trình khám phá Ninh Bình, bạn có thể lựa chọn xe máy hoặc xe taxi làm phương tiện di chuyển chính. Nếu di chuyển bằng xe máy, bạn có thể chủ động về mặt thời gian di chuyển. Hiện nay, trong khu vực trung tâm thành phố có nhiều những cửa hàng chuyên cho thuê xe máy với mức giá dao động từ 120.000 VNĐ / ngày tùy theo loại xe mà bạn chọn, có thể là xe số hoặc xe ga. Bạn có thể search google maps để tìm đường gần nhất dẫn đến Làng nghề cói Kim Sơn nhé.
Hoặc nếu bạn muốn ngắm cảnh chung quanh hai bên đường, vậy thì taxi chính là lựa chọn hoàn hảo nhất. Hiện nay tại thành phố Ninh Bình có nhiều hãng taxi đang hoạt động, chẳng hạn như Taxi Ninh Bình, Taxi Mai Linh, Taxi Minh Long, Taxi Xuân Thành, Thùy Dương, Hoa Lư, v.v. Bạn có thể đặt xe qua số điện thoại của hãng hoặc qua app (tùy hãng) đều được nhé. Giá cho một chiều di chuyển dao động từ 70.000 VNĐ mà thôi, cũng quá là hợp lý đúng không nè? Nếu di chuyển bằng taxi, bạn sẽ có thể tiết kiệm được thời gian di chuyển nữa đó.
3 Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về thời gian đầu hình thành Làng nghề cói Kim Sơn
Theo các bô lão cao niên sinh sống tại vùng đất mở Kim Sơn kể lại rằng, vào năm 1829, chính doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai hoàng vùng đất hoang hóa ven biển này theo lệnh của vua Minh Mạng. Sau đó, ông đã đặt tên cho nơi này là Kim Sơn và giữ cái tên này cho đến tận ngày nay.
Bằng chính kinh nghiệm của mình, ông đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất ven biển này, từ đó biến những lợi thế ấy trở thành một ‘mỏ vàng’ thật sự với nào cây cối, lúa, cói và cả kinh tế biển nữa. Cũng chính từ dạo ấy, vùng đất hoang ngày nào đã thật sự lột xác, vươn mình trở thành một trong những làng nghề truyền thống nổi bật bậc nhất chốn Ninh Bình này. Trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân vùng Kim Sơn đã cùng nhau tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói – nguyên liệu chính của nghề dệt, đồng thời là người bạn đồng hành với người trồng, người thợ suốt cả cuộc đời cần lao.
Cói sau khi được thu hoạch sẽ trải ra sân phơi khô
4 Để làm nên một sản phẩm cói mỹ nghệ cũng đòi hỏi lắm công phu!
4.1 Ấn tượng quy trình làm cói tỉ mẩn của những người thợ nơi Làng nghề cói Kim Sơn
Để làm nên một sản phẩm cói mỹ nghệ thì quả thật người thợ cũng phải dành nhiều thời gian để chăm chút, tỉ mẩn trong từng khâu từ lúc mới trồng cói cho đến khi thu hoạch, chọn cói, chẻ, phơi, nhuộm và khâu cuối cùng là đan, dệt, hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, để có thể làm ra được những sản phẩm đẹp, phù hợp với thị hiếu của mọi người, những người nghệ nhân làm cói còn phải trải qua những công đoạn khác như lên ý tưởng, thiết kế mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt hơn, ngày nay, họ còn ứng dụng cả kỹ thuật sử dụng keo polyascera để phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, giúp định hình ổn định và nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm.
Ngày nay, sau bảy lần mở đất, lấn biển để ‘tranh công cùng tạo hóa’, tại vùng đất Kim Sơn hiện nay đã có khoảng 4000ha trồng cói, gấp 6 lần so với những ngày đầu mới khai hoang. Bởi thế nên, trồng cói và dệt các sản phẩm làm từ loại cây đặc biệt này đã trở thành nghề truyền thống và giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi mảnh đất này. Dẫu không có cội rễ xa xưa như những nghề thủ công lâu đời khác, chẳng hạn như dệt, thêu, chạm kahức đá, nghề mộc, v.v. nhưng cái nghề làm cói mỹ nghệ này cũng đã gắn liền với bao thế hệ người dân của vùng đất mở này.
Người dân nơi đây vốn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hơn 200 năm, thế nên ở nơi họ hội tụ đầy đủ những tố chất của một người thợ thủ công chân chính. Ngoài ra, chính những đôi tay khéo léo cùng sự nhạy bén với tính linh hoạt cao, sự nhanh nhay cùng lòng nhiệt thành, đam mê với nghề, họ đã đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe nhất của nghề làm sản phẩm mỹ nghệ từ cói.
Bởi thế nên vốn chỉ là một vùng đất mở vừa được khai hoang trước kia, nơi này đã trở thành một trong những nơi chuyên trồng và làm những sản phẩm từ cói nổi tiếng bậc nhất chốn cố đô Ninh Bình. Bởi thế nên dẫu trong hành trình về với vùng đất với bề dày lịch sử văn hiến nổi bật, không chỉ những Quần thể danh thắng Tràng An với nào Cố Đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính, Động Am Tiên, v.v. được nhiều người yêu mến, Làng nghề cói Kim Sơn cũng luôn là nơi mà mọi người thường xuyên ghé về.
Những sợi cói sau khi phơi khô sẽ được mang đi ‘nhào nặn’ thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ ấn tượng
Để làm nên một sản phẩm cũng lắm gian truân!
Những sợi cói sau khi được nhuộm màu sẽ mang đi đan
Quá trình đan cói đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo, cẩn thận, bởi ‘sai một ly thì đi một dặm’
4.2 Những sản phẩm đặc biệt làm từ cói của Làng nghề cói Kim Sơn
Nơi vùng đất Kim Sơn này, cây cói tưởng chừng như không có giá trị lại có được độ mềm mải, óng ả lý tưởng, thích hợp để đan, dệt nên thành những sản phẩm mỹ nghệ thủ công khéo léo, tinh xảo. Nổi bật nhất trong số các sản phẩm được hoàn thành dưới đôi bàn tay của những người thợ lành nghề nơi đây phải kể đến chiếu cói.
Quả thật, để dệt nên một tấm chiếu cói quả là một quá trình lao động đầy sáng tạo nhưng cũng rất đỗi vất vả, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chăm chút trong từng khâu, từ chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao để cói có màu đỏ tươi và bền màu, đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu nữa. Người dệt hoa cải đòi hỏi thao tác phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại và mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để khi đan không mắc lỗi.
Ngoài ra, không chỉ có chiếu cói, những người thợ lành nghề nơi Làng nghề cói Kim Sơn còn tạo ra những sản phẩm độc, lạ, có giá trị mà hiếm nơi khác có thể bì được, chẳng hạn như chiếu, mũ, dép, túi sách, hộp, cốc, v.v.
Không còn gói gọn trong tấm chiếu manh, giờ đây các sản phẩm làm từ cói Kim Sơn đã đa dạng hơn về mẫu mã
Từ lâu, người dân nơi vùng đất mở này đã luôn gắn chặt cuộc đời mình với những cây cói – sợi dây kết nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khỏe mạnh với thiên nhiên trù phù, bao la. Không chỉ thế, cây cói còn là biểu tượng của những người dân lấn biển, làm chủ trời đất, làm chủ thiên nhiên. Bạn ơi, trong hành trình khám phá Ninh Bình, nếu có cơ hội hãy thử một lần về với Làng nghề cói Kim Sơn nhé. Blogdulich.edu.vn tin rằng bạn chắc chắn sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ nhất khi đến đây đó.