Qua bao thăng trầm, tháp Dương Long đến nay vẫn giữ trọn những nét đặc trưng về vị trí xây dựng, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… của nền văn hóa Champa cổ xưa. Dừng chân nơi đây, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một trong những công trình tôn giáo lâu đời nhất tại vùng đất Bình Định.
1 Tổng quan về tháp Dương Long
1.1 Tháp Dương Long ở đâu? Hướng dẫn di chuyển đến công trình tháp nổi tiếng
Địa chỉ: Xã Tây Bình, Huyện Tây Sơn, Bình Định
Giờ mở cửa: Sáng 7h30 – 11h00, Chiều 14h00 – 16h30 tất cả các ngày trong tuần
Giá vé tham quan (cập nhật tháng 10/2023):
– Người lớn & Trẻ em cao trên 1m2: 15.000 VNĐ/vé
– Trẻ em cao dưới 1m2: Miễn phí
Tháp Dương Long là cụm di tích nằm trên một gò cao giữa hai thôn An Chánh và Vân Tường của huyện Tây Sơn, còn có các tên gọi khác là tháp An Chánh, tháp Bình An hay tháp Vân Tường. Với độ cao lên tới hàng chục mét, công trình kiến trúc đặc sắc này là biểu tượng của sự kiên cường và sức mạnh tâm linh tại vùng đất Bình Định từ trăm năm về trước.
Tháp Dương Long có vị trí cách Thành phố Quy Nhơn khoảng 50km. Để đến đây, bạn có thể sử dụng đa dạng phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy, xe bus, taxi, v.v. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, theo Blogdulich.edu.vn, cung đường thuận tiện nhất dành cho bạn là lái xe theo hướng quốc lộ 1A đến ngã tư thị trấn Gò Găng thì rẽ trái. Sau đó chạy dọc theo tỉnh lộ 636 khoảng 15km, rẽ trái vào xã Tây Bình là đến được công trình tháp đồ sộ này.
Tháp Dương Long tọa lạc ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: @harry.sherry
1.2 Nguồn gốc hình thành nên tháp Dương Long Bình Định
Tháp Dương Long được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỷ XII đến XIII – thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Champa tại Bình Định. Như vậy, công trình kiến trúc Chăm này đã tồn tại cùng với cộng đồng địa phương được 9 thế kỷ.
Lối kiến trúc và vị trí xây dựng tòa tháp cho thấy những nét đặc trưng chỉ có thể tìm thấy trong thời kỳ Vijaya. Khi này cư dân có xu hướng di chuyển vị trí xây dựng từ đồng bằng lên các đồi cao, đồng thời theo đuổi lối kiến trúc khắc họa hoa văn, hình thù độc đáo trực tiếp trên nền gạch.
Chính nhờ những đặc điểm này mà vào năm 1980, tháp Dương Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật và Di tích quốc gia đặc biệt. Điểm du lịch Quy Nhơn này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị văn hóa – tâm linh và kiến trúc cổ xưa đặc sắc của vùng đất này.
Tòa tháp đến nay đã tồn tại được 9 thế kỷ. Ảnh: @aloha.nguyen
2 Điều gì tạo nên nét đặc sắc của tháp Dương Long?
2.1 Hình dáng của tháp Dương Long
Về tổng quan, tháp Dương Long có nhiều điểm tương đồng với các công trình đền thờ truyền thống của người Chăm. Phần mặt đáy của tòa tháp được thiết kế vuông vức, trong khi phần thân có góc nhọn bẻ dần về phía cửa, tạo nên hình dáng như một chiếc búp hướng thẳng lên trời. Đỉnh tháp gồm nhiều tầng thu nhỏ dần lên và kết thúc với phần chóp hình hoa sen độc đáo.
Ba tòa tháp trong quần thể kiến trúc có hình dáng như một chiếc búp. Ảnh: @shige076
Đỉnh tháp gồm nhiều tầng thu nhỏ dần và kết thúc với biểu tượng hình hoa sen. Ảnh: TranNhatDuat
2.2 Vật liệu xây dựng và nghệ thuật điêu khắc
Tháp Dương Long được xây dựng bằng vật liệu chính là gạch và đá. Đây là một trong những nét độc đáo phản ánh rõ nét lối kiến trúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Khmer. Vào đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu H. Parmentier đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng về hình dáng, cấu trúc và họa tiết điêu khắc trên nền gạch và đá dựng nên tòa tháp với kiểu kiến trúc Khmer truyền thống. Từ đó xác định được niên đại của tháp Dương Long là vào khoảng thế kỷ XII đến XIII.
Cụm tháp được làm hoàn toàn bằng gạch và đá
Các hoa văn, họa tiết hay hình tượng nghệ thuật được điêu khắc trực tiếp trên nền gạch và đá. Ảnh: @paworn
2.3 Chức năng tôn giáo
Chức năng tôn giáo được thể hiện thông qua hình tượng ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là Brahma, Vishnu và Shiva, được thờ tự trong quần thể tháp Dương Long. Thông thường, cấu trúc của một ngôi tháp lớn sẽ gồm ba tòa khác nhau, mỗi tòa được dùng để thờ riêng một vị thần. Đối với công trình ở Bình Định, tháp Bắc sẽ là nơi thờ thần Brahma, tháp Giữa thờ thần Shiva, còn tháp Nam dành để thờ thần Vishnu.
Mỗi tòa tháp trong quần thể di tích thờ một vị thần tối cao của Ấn Độ giáo
Lối kiến trúc của tòa tháp có nhiều điểm tương đồng với các ngôi đền thờ Champa truyền thống. Ảnh: @paworn
3 Hành trình khám phá trọn vẹn vẻ đẹp tháp Dương Long
3.1 Tham quan 3 cụm tháp Dương Long
Quần thể tháp Dương Long gồm 3 tòa tháp được xếp thẳng hàng, với chiều cao lần lượt theo từng vị trí Nam – Giữa – Bắc là 33m, 39m và 32m. Về quy mô, không có một ngôi tháp Champa nào có thể sánh ngang với công trình kiến trúc đặc sắc này. Hiện tháp Dương Long là cụm tháp gạch cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Khi đến tham quan tháp Dương Long, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn cận cảnh ba tòa tháp nằm trong quần thể kiến trúc.
Tháp Nam: Đây là tòa tháp nguyên vẹn nhất trong quần thể với chiều cao khoảng 33m. Phần chân đế của tháp có bình đồ hình vuông rộng 14m, phần nhô ra từ cửa có chiều cao 0,76m. Tường của tháp được thiết kế bo góc giật cấp nhô dần về phía trước. Ngay dưới nóc là những đường gờ uốn lượn và loe dần ra để đỡ lấy bộ diềm mái được trang trí đầu voi và mình sư tử. Ở tòa tháp này, khung cửa chính được làm bằng đá sa thạch nhưng vòm cửa chính cùng các cửa giả trên mặt Nam và Tây đã bị sụp.
Tháp Giữa: Tòa tháp này cao 39m, được ví như phần đỉnh của quần thể kiến này, tuy nhiên có họa tiết trang trí không tỉ mỉ bằng hai công trình bên cạnh. Quanh các mặt tường của tháp là những trụ ốp đơn giản. Mỗi mặt như vậy sẽ có tổng cộng 7 trụ. Đầu của các trụ này được thiết kế hơi loe ra ngoài và gắn thêm những khối đá tạo thành nhiều dãi giật cấp. Chân đế hình vuông của tháp thì được ốp kín bằng các khối đá sa thạch.
Tháp Bắc: Theo thời gian, tháp Bắc là công trình bị hư hại nặng nhất trong quần thể kiến trúc. Tòa tháp có chiều cao khoảng 32m với hình dáng và kích thước tương đối giống tháp Nam. Phần viền được chạm khắc hình sư tử và voi trên những khối đá sẽ được sử dụng để ngăn cách thân tháp và chân đế.
Quần thể di tích này gồm ba tòa tháp xếp thẳng hàng nhau theo hướng Bắc – Nam. Ảnh: @myvan__vo
Tháp Dương Long với vẻ ngoài uy nghiêm, cổ kính lưu dấu vết thời gian. Ảnh: @@jessie.phan_
3.2 Chiêm ngưỡng 2 công trình mở
Bên cạnh ba tòa tháp chính thuộc quần thể, điểm di tích này còn bảo tồn thêm hai công trình kiến trúc khác ở phía Tây, được xây bằng gạch.
Công trình thứ nhất là có hình vuông, với mặt Đông – Tây dài 7,88m, mặt Bắc – Nam dài 7,52m, còn phần nhô ra ở mặt trước thì có chiều dài 3,16m. Trục chính của kiến trúc này đi qua hành lang ngăn cách tháp Giữa và tháp Nam.
Công trình thứ hai có hình dáng tương tự với kiến trúc thứ nhất nhưng có kích thước lớn hơn. Mặt Đông Tây – Dài 11,20m, mặt Bắc – Nam dài 9,72m, còn phần nhô phía trước khoảng 1,12m. Trục chính của công trình này hướng vào lối ngăn cách tòa tháp Bắc và tháp Giữa.
Quần thể tháp Dương Long nằm trên một gò đất lớn cùng với những công trình khác
3.3 Dừng chân tại các làng nghề chế tác gốm
Khi tham quan và khám phá tháp Dương, bạn còn có cơ hội ghé thăm những làng nghề chế tác gốm truyền thống trong khu vực như Gò Cây Ké, Gò Hời… Các điểm tham quan này không chỉ cho phép bạn quan sát, tìm hiểu chi tiết hơn về quy trình chế tác gốm mà còn có thể mua những món đồ thủ công đẹp mắt về làm quà du lịch cho gia đình, bạn bè.
Các làng nghề chế tác gốm là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất Bình Định
4 Những lưu ý cần nắm khi đến tháp Dương Long tham quan
Khi dừng chân khám phá tháp Dương Long, bạn cần lưu ý:
– Không đục đẽo, đào bớt, viết bậy, làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng đến kiến trúc của tòa tháp
– Không mang theo các vật dụng dễ gây cháy nổ
– Không vứt rác bừa bãi trong quá trình tham quan, gây ô nhiễm môi trường xung quanh
– Không thực hiện các hoạt động có tính chất mê tín dị đoan
Tháp Dương Long mang đậm nét đặc trưng của nền văn hóa Champa cổ hiện đang được bảo tồn và mở cửa để các bạn gần xa có thể dễ dàng đến tham quan, chiêm ngưỡng. Điểm du lịch này xứng đáng được thêm vào cẩm nang du lịch của riêng bạn trong hành trình xách vali vi vu khám phá “đất võ, trời văn” Bình Định.