Các lễ hội ở Cà Mau luôn là mối quan tâm hàng đầu của những tín đồ yêu thích du lịch tâm linh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Khi tham gia các lễ hội này trong hành trình du lịch Cà Mau, bạn sẽ được trải nghiệm những nét văn hoá, tín ngưỡng và phong tục tập quán đặc sắc của người dân vùng sông nước.
Không chỉ nổi tiếng với các bãi biển xinh đẹp hay khu rừng ngập mặn kỳ vĩ ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, vùng đất tận cùng phía Nam Tổ quốc còn thu hút các bạn trẻ thập phương bởi những lễ hội dân gian đặc sắc. Hãy cùng Blogdulich.edu.vn điểm danh những lễ hội ở Cà Mau nức tiếng bậc nhất qua bài viết dưới đây để không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm khi có dịp đến với xứ Đất Mũi bạn nhé.
1 Tổng hợp các lễ hội ở Cà Mau đặc sắc nhất
1.1 Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc – Lễ hội ở Cà Mau không thể bỏ qua
Địa điểm: Lăng Ông Nam Hải, cửa biển Sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Thời gian tổ chức lễ hội: Từ ngày 14 – 16 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Trong số các lễ hội ở Cà Mau thì nổi tiếng nhất phải kể đến lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức ở khu vực cửa sông Ông Đốc từ ngày 14 – 16 tháng 2 âm lịch. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có nguồn gốc xuất xứ từ đồng bào người Chăm tại Campuchia. Đây là lễ hội ở Cà Mau tôn thờ tín ngưỡng Cá Ông của các ngư dân đang sinh sống ở vùng ven Sông Đốc và thu hút đông đảo bạn trẻ thập phương tìm đến trải nghiệm mỗi năm.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc thường bắt đầu bằng màn rước Cá Ông xuất phát từ Lăng Ông Nam Hải rồi diễu hành xung quanh khu vực huyện Trần Văn Thời. Điểm nhấn của lễ hội này chính là chiếc thuyền rước Cá Ông đi đầu và ở trong có đặt một lư hương rất lớn. Đi ngay sau thuyền rước Cá Ông là chiếc thuyền chở trống, đội múa lân cùng với tôm cá và được trang trí nhiều màu rực rỡ. Một trong những hoạt động hấp dẫn nhất của lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là các trò chơi dân gian thú vị như múa kiếm, kéo co, đẩy gậy, đánh cờ, múa lân… với bầu không khí tưng bừng, sôi nổi và náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Không khí tưng bừng, náo nhiệt ở Lăng Ông Nam Hải vào những ngày diễn ra lễ hội. Ảnh: Mekong Delta Explorer
Đoàn thuyền tham gia lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc. Ảnh: Mekong Delta Explorer
1.2 Lễ tế Thần Nông
– Địa điểm: Đình Thần Tân Thuộc và Đình Thần Tân Lộc.
– Thời gian tổ chức: Theo thời gian diễn ra lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Tân Lộc và Đình Thần Tân Thuộc.
Nhắc đến các lễ hội ở Cà Mau nổi tiếng thì chắc chắn không thể bỏ qua lễ tế Thần Nông. Đây là một trong những lễ hội rất quan trọng được tổ chức tại địa phận xã Tân Lộc, nơi gắn liền với nghề lúa nước của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lễ tế Thần Nông là dịp để bà con trong vùng cầu cho mưa thuận gió hòa và diệt trừ sâu bệnh, giúp người nông dân có được mùa màng bội thu. Lễ hội ở Cà Mau này thường diễn ra vào thời điểm xuân về, khoảng chừng tháng 2 âm lịch hằng năm. Nghi thức đầu tiên của lễ tế Thần Nông là đọc bài hương văn. Khi bài hương văn đã được tế, những người trong ban tổ chức lễ sẽ bắt đầu cúng bái kết hợp với đôi chân đá theo nhịp điệu tiếng trống. Sau nghi thức tế lễ là phần hội sôi động với các trò chơi kéo co, đẩy gậy và múa lân được tổ chức cực kỳ linh đình.
Lễ tế Thần Nông là một lễ hội ở Cà Mau với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Báo Cần Thơ
1.3 Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau
– Địa điểm: Chùa Bà Thiên Hậu, số 68 đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
– Thời gian tổ chức: Ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu là một trong những lễ hội ở Cà Mau thu hút đông đảo người dân khắp nơi đến tham gia. Chùa Bà Thiên Hậu vốn được cộng đồng người Hoa cư trú tại Cà Mau xây dựng để thờ Bà. Họ tin rằng, Bà Thiên Hậu là một người cứu nhân độ thế và sở hữu những phép thần thông kỳ diệu để giúp đỡ người đời. Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu Cà Mau thường diễn ra vào ngày sinh nhật của Bà Thiên Hậu (ngày 23 tháng 3 âm lịch) với mục đích tưởng nhớ những công lao to lớn của Bà. Hằng năm, lễ hội Vía Bà Thiên Hậu hấp dẫn rất nhiều người dân bản địa và hàng nghìn lượt khách hành hương từ phương xa đến. Lễ vật chính để cúng Bà là 12 con heo trắng và nghi thức rước Bà Thiên Hậu luôn có những người thiếu nữ mặc váy sườn xám Trung Hoa đặc trưng, tay cầm đèn lồng đi theo sau kiệu.
Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu bắt nguồn từ tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Cà Mau. Ảnh: Mekong Delta Explorer
1.4 Lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Tân Hưng
– Địa điểm: Đình Thần Tân Hưng, Quốc lộ 1A, phường Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
– Thời gian: Từ ngày 10 – 11 tháng 5 âm lịch hằng năm.
Một trong những lễ hội ở Cà Mau đặc sắc nhất chính là lễ hội Kỳ Yên được tổ chức ở Đình Thần Tân Hưng. Vào các ngày diễn ra lễ hội, người dân bản xứ và khách thập phương sẽ tập trung tại khu vực đình với bầu không khí vô cùng náo nhiệt. Ngày đầu tiên của lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Tân Hưng là màn rước sắc thần để cầu bình an, may mắn và mùa màng bội thu. Những ngày tiếp theo sẽ thực hiện các nghi thức đọc hương văn và cúng bái. Suốt lễ hội, sôi động nhất phải kể đến các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, múa lân, đẩy gậy, đấu vật, cờ tướng, đờn ca tài tử…
Nghi thức trong lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Tân Hưng. Ảnh: Trần Mỹ Linh
1.5 Lễ Tết Chôl Chnăm Thmây
– Địa điểm: Các ngôi chùa Khmer tại Cà Mau.
– Thời gian tổ chức: Từ ngày 13 – 15 tháng 4 dương lịch (năm thường) hoặc 13 – 16 tháng 4 dương lịch (năm nhuận).
Lễ hội ở Cà Mau này vẫn còn có tên gọi khác là lễ chịu tuổi, được tổ chức ở những ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer vào tháng 4 dương lịch hằng năm. Các hoạt động cúng bái, tế lễ và vui chơi của lễ Tết Chôl Chnăm Thmây đều được gói gọn trong vòng ba ngày, thu hút đông đảo người dân Khmer trên cả nước cũng như những bạn trẻ yêu thích du lịch tâm linh.
Lễ Tết Chôl Chnăm Thmây bao gồm những nghi thức nổi bật như lễ chịu tuổi, lễ cầu siêu, lễ rước Đại lịch, lễ đắp núi cát, lễ dâng cơm và lễ tắm tượng Phật. Vào cuối những nghi thức này, từng thành viên trong gia đình đều sẽ tạ lễ để bỏ qua các thiếu sót, sai lầm của năm cũ cũng như mong muốn năm mới thêm nhiều may mắn, thành công và ấm no. Kết thúc ba ngày lễ Tết Chôl Chnăm Thmây, cộng đồng người dân Khmer tại Cà Mau sẽ trở lại với đời sống sinh hoạt thường nhật.
Lễ Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Báo Lao Động
Các điệu múa cổ truyền đặc sắc trong lễ hội. Ảnh: Báo Lao Động
2 Một số lưu ý khi tham dự các lễ hội ở Cà Mau
Để có được những trải nghiệm thú vị và trọn vẹn nhất khi tham gia những lễ hội ở Cà Mau, bạn nên bỏ túi một vài lưu ý dưới đây:
– Nên mặc những bộ trang phục lịch sự và kín đáo khi tham dự các lễ hội ở Cà Mau.
– Bạn có thể chuẩn bị các lễ vật cúng bái để thắp hương cầu bình an, may mắn và tài lộc.
– Các lễ hội ở Cà Mau luôn tập trung đông đảo người dân, do đó bạn hãy hạn chế mang theo những tài sản giá trị và đặc biệt chú ý giữ gìn tiền bạc phòng trường hợp có kẻ gian.
– Trong suốt quá trình tham gia nghi lễ và hoạt động vui chơi, bạn nên đem theo nước uống và áo khoác, mũ nón để che nắng.
– Ở các lễ hội cũng thường bày bán nhiều loại đặc sản Cà Mau nổi tiếng nên bạn có thể tranh thủ mua về làm quà.
Trên đây cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn đã bật mí những lễ hội ở Cà Mau đặc sắc nhất mà bạn có thể tham khảo. Nếu có dịp về thăm vùng Đất Mũi thân thương, hãy thử một lần tham dự các lễ hội nổi tiếng tại đây để có thêm nhiều trải nghiệm khó quên bạn nhé.