Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được mệnh danh là di tích lịch sử văn hóa nổi bật ở vùng đất Tây Nam Bộ. Với kiến trúc độc đáo và những câu chuyện hào hùng, nơi đây hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho chuyến du lịch Vĩnh Long của bạn.
Nhắc đến du lịch Vĩnh Long thì chắc chắn phải kể đến các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Công Thần Miếu Vĩ, Nhà thờ Chính Tòa hay Đình Long Thanh. Bên cạnh đó, có một công trình kiến trúc còn sót lại từ thời Nguyễn sau khi quân Pháp chiếm đóng miền Tây mà bạn nhất định phải ghé thăm, đó chính là Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.
1 Tìm hiểu di tích lịch sử nổi tiếng – Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
1.1 Đôi nét về Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Địa chỉ: Làng Long Hồ, đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Giờ mở cửa: Tất cả các ngày.
Giá vé tham khảo: Miễn phí.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xem như thiết chế văn hóa chính thống của nhà nước phong kiến thời xưa và đồng thời cũng là một công trình đề cao Nho giáo. Khu di tích này tọa lạc ở vị trí đắc địa, mặt tiền tiếp giáp đường giao thông và hướng ra dòng sông Long Hồ, thuận tiện cho việc di chuyển bằng đường sông lẫn đường bộ. Với diện tích 10.322m2, nơi đây được mệnh danh là Quốc Tử Giám ở Nam Bộ và thu hút nhiều tín đồ du lịch đến tham quan. Ngoài Tượng Đài Chiến Thắng Mậu Thân, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long cũng là một tọa độ tham quan đặc sắc cho hành trình khám phá thành phố nằm cạnh dòng sông Cổ Chiên.
Di tích lịch sử Văn Thánh Miếu Vĩnh Long nổi tiếng
1.2 Quá trình xây dựng và gìn giữ Văn Thánh Miếu
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được triều đình lên kế hoạch xây dựng vào năm Tự Đức thứ 14 (năm 1862), bắt đầu khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (năm 1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (năm 1866). Khu vực bên trái Văn Thánh Miếu được kiến tạo một Thơ Lầu để chứa kinh sách thời xưa.
Sau khi Văn Thánh Miếu Vĩnh Long hoàn thiện, triều đình Huế cho người đến để quét dọn hàng ngày, đồng thời nhiều vị quan lại, sĩ phu cũng thành lập Hội Văn Thánh miếu để thực hiện nghi thức cúng tế và quản lý nơi đây. Không lâu sau đó, thực dân Pháp chiếm Vĩnh Long và âm mưu phá bỏ Văn Thánh Miếu để xây dựng dinh tỉnh trưởng. Trước tình hình nguy cấp đó, nhân dân địa phương đã đề cử ông Bá hộ Trương Ngọc Lang đứng ra thương lượng và chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ công trình văn hóa này.
Là Văn Thánh Miếu xuất hiện muộn nhất trong cả nước nhưng Quốc Tử Giám ở phương Nam vẫn luôn được xem như một bảo vật quý giá, là niềm tự hào của người Vĩnh Long nói riêng và dân Nam Bộ nói chung. Trong lịch sử hình thành và phát triển, nơi đây đã trải qua tổng cộng 7 đợt trùng tu lớn nhỏ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994 và gần đây nhất là vào tháng 6/2006. Dù đã có nhiều sự thay đổi theo thời gian nhưng Văn Thánh Miếu vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, quý giá đậm chất riêng biệt. Vào ngày 25/3/1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia.
Nơi đây được chứng nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia
2 Văn Thánh Miếu Vĩnh Long – Nơi lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của dân tộc
2.1 Tham quan Quốc Tử Giám ở phương Nam
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long nổi tiếng với kiến trúc độc đáo thời xưa, mang nét đẹp cổ kính nhưng không kém phần trang nghiêm, hào hùng. Phía trước miếu là cánh cổng tam quan và hai cổng phụ có 3 tầng mái, được xây dựng theo phong cách cổ xưa. Phần mái được trang trí với hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt bằng gốm màu xanh và lợp ngói đại tiểu. Hai bên cột có liễn đối viết bằng chữ Hán và đắp nổi bằng xi măng, ngụ ý đề cao, tôn vinh Đức Khổng Phu tử cũng như Nho giáo.
Từ cổng đi thẳng vào điện Đại Thành là bạn sẽ đến khu vực thần đạo. Dọc hai bên đường là hình ảnh của những hàng sao cao vút, thẳng tắp như đội quân lính áp hầu. Bên trong Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có tất cả 3 tấm bia khắc ghi dấu ấn theo các thời kỳ lịch sử nổi bật của dân tộc. Bia thứ nhất do chính tay cụ Phan Thanh Giản viết trước khi tử tiết, được ông Trương Ngọc Lang lập vào năm 1872. Mặt trước của tấm bia khắc lý do dựng miếu, ca ngợi công đức của các bậc thánh nhân và triều đình, còn mặt sau ghi danh những người có công dựng nước. Tấm bia thứ hai được dựng vào năm 1917, mặt trước là nội dung về sự kiện ông Tống Hữu Định vận động trùng tu Văn Thánh Miếu, mặt sau thì sử dụng cho việc ghi danh các vị thân hào, nhân sĩ có công. Bia đá cuối cùng xuất hiện vào năm 1931, ghi lại sự việc bà Trương Thị Loan – Con gái của ông Trương Ngọc Lang hiến đất và hết lòng thờ cúng cha ruột tại Văn Xương Các.
Văn Xương Các được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc tạo nên nét đặc sắc và diện mạo riêng biệt cho Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Văn Xương Các còn có nhiều tên gọi khác như Thơ lầu, Tân đình hay Tụy Văn lâu, được chia thành 2 tầng riêng biệt. Tầng trên vừa là nơi cất giữ sách vừa là khu vực thờ 3 vị Văn Xương Đế Quân quản lý việc học hành, thi cử văn học. Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi cho dịp lễ cúng tế Đức Khổng Tử và đồng thời trở thành địa điểm bình văn, luận võ của giới quan chức lúc bấy giờ. Phía trước Tụy Văn lâu là khu vực khánh thờ Gia Định xử sĩ Sùng Đức Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản.
Nằm ở phía cuối thần đạo là Văn Miếu, bao gồm Điện Đại Thành, Tả vu và Hữu vu. Quần thể kiến trúc này được xây dựng bằng hàng rào bê tông, cổng vào đồ sộ mang đến một không khí vô cùng long trọng và trang nghiêm. Nội thất điện Đại Thành chia thành nhiều không gian để thờ cúng các vị thánh nhân khác nhau. Gian chính giữa là bàn thờ Đức Khổng Tử còn xung quanh thì thờ cúng thập nhị hiền triết.
Con đường đi vào điện được bao phủ bởi nhiều hàng sao cao vút
Khu vực thần đạo có 3 tấm bia đá trang nghiêm
Khẩu súng thần công được đặt phía trước Văn Xương Các
Văn Xương Các lưu giữ truyền thống hiếu học của dân tộc
Nơi thờ Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản
Phong cảnh xinh đẹp ở hồ Nhật Tinh
Điện Đại Thành mang không khí trang nghiêm
Các gian thờ bên trong điện Đại Thành
2.2 Tham gia nhiều lễ hội đặc sắc ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long thường xuyên tổ chức vô vàn các lễ hội đặc sắc nhộn nhịp, thu hút nhiều tín đồ du lịch thập phương đổ về tham gia hằng năm như:
– Lễ Tế Khổng Tử và các vị Thánh Hiền vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh (nhằm ngày Đinh đầu tháng 2 và ngày Đinh cuối tháng 8 âm lịch).
– Lễ giỗ Phan Thanh Giản (mùng 4 và 5 tháng 7 âm lịch), ngày giỗ các quan đại thần và chiến sĩ trận vong (ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch) được tổ chức tại Văn Xương Các.
Theo kinh nghiệm đi phượt Vĩnh Long của Blogdulich.edu.vn, hầu hết những người dân tham gia lễ hội tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long không phải vì cầu tài lộc, may mắn mà họ đến để thể hiện lòng tri ân, biết ơn đối với các bậc tiền nhân và tìm hiểu thêm về truyền thống hiếu học của dân tộc.
Dòng người nô nức về tham dự lễ hội ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Trải qua thời gian hàng trăm năm và chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều công trình văn hóa lịch sử ở vùng đất Vĩnh Long đã không còn giữ được nét đẹp nguyên sơ thuở ban đầu. Thế nhưng, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn tồn tại và phát triển bền vững theo dòng thời gian, trở thành niềm tự hào đại diện cho tinh hoa giáo dục của người dân Nam Bộ. Nếu bạn vẫn đang phân vân không biết nên đi tham qua ở đâu khi đặt chân đến Vĩnh Long thì Quốc Tử Giám ở phương Nam chính là câu trả lời lý tưởng dành cho bạn. Nhanh tay lưu lại địa chỉ này vào cẩm nang du lịch của mình để đến khám phá bạn nhé!