Công Thần Miếu Vĩnh Long không những là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại địa phương, mà đây còn là nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong có lịch sử từ thời nhà Nguyễn. Nếu bạn yêu thích tìm hiểu về văn hóa, ngôi miếu này chính là nơi mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình du lịch Vĩnh Long.
1 Tổng quan chung về Công Thần Miếu Vĩnh Long
1.1 Công Thần Miếu Vĩnh Long ở đâu?
Địa chỉ: Đường 14 tháng 9, phường 5, Tp. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
Giờ mở cửa: Cả ngày
Giá vé: Miễn phí
Nằm nép mình bên phía tả ngạn dòng sông Cổ Chiên, Công Thần Miếu Vĩnh Long là nơi thờ cúng các vị Nhân thần có công đi khai hoang, mở cõi và những vị Nhiên thần xuất hiện từ huyền thoại của người Việt cổ, được triều đình nhà Nguyễn sắc phong hợp thức hoá thành hệ thống thờ tự.
Bên cạnh thờ tự, Công Thần Miếu Vĩnh Long cũng là nơi lưu giữ được nhiều đạo sắc phong nhất tại Nam Bộ cùng nhiều hiện vật cổ quý giá. Năm 1998, Công Thần Miếu Vĩnh Long đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia.
Công Thần Miếu Vĩnh Long cũng là nơi lưu giữ được 85 đạo sắc phong tại Nam Bộ
1.2 Lịch sử xây dựng Công Thần Miếu Vĩnh Long
Công Thần Miếu Vĩnh Long có tiền thân là Miếu Hội Đồng, được xây dựng lần đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837). Lúc bấy giờ, trong dân gian còn gọi nơi đây là Đình Khao, tương truyền rằng các quan lớn thời đó thường sử dụng Miếu Hội Đồng làm địa điểm để yến ẩm, khao thưởng. Hằng năm, quan lại địa phương còn thay mặt triều đình nhà Nguyễn tổ chức các buổi lễ tế thần tại đây. Tuy nhiên, ngôi miếu này chỉ tồn tại được 30 năm thì bị thực dân Pháp tháo dỡ để lấy gỗ đem đi cất Tòa bố. May mắn thay, người dân đã gom được tất cả đồ thờ tự, đặc biệt là 85 đạo sắc phong đem về gửi tại đình làng Thiềng Đức.
Mãi đến năm 1918, nhờ sự vận động của bà Trương Thị Loan và bà Lê Thị Danh cùng thân hào nhân sĩ địa phương, chính quyền đô hộ mới cho phép tái lập Miếu Hội Đồng. Ngôi miếu mới được xây dựng nằm cách Chùa Ông Thất Phủ Miếu khoảng 1,5 km, ngoài việc thờ 85 vị công thần triều Gia Long còn thờ thêm những thanh niên Vĩnh Long chết trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất, nhằm để chính quyền thực dân Pháp dễ dàng chấp nhận việc thờ cúng. Sau khi xây dựng lại, ngôi miếu được đổi tên thành Công Thần Linh Miếu và được người dân địa phương quen gọi là Công Thần Miếu Vĩnh Long hay miếu Công Thần. Công Thần Miếu Vĩnh Long hiện tại đã không còn mang tính chính thống của triều đình nhà Nguyễn nữa, mà thiêng về nơi thờ phụng dân gian nhiều hơn.
2 Cách di chuyển đến Công Thần Miếu Vĩnh Long
Vĩnh Long nằm ở khu vực Tây Nam Bộ có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển, bạn có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện di chuyển đến Vĩnh Long khác nhau như đi xe máy, lái ô tô hoặc mua vé xe khách. Nếu bạn sinh sống tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể lên các trang bán vé trực tuyến hoặc đến Bến xe miền Tây mua vé xe đi Vĩnh Long. Sau khi check-in tại trung tâm thành phố, bạn có thể dễ dàng tìm đường đến viếng thăm Công Thần Miếu Vĩnh Long.
Công Thần Miếu Vĩnh Long là một điểm du lịch tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng nằm phía tả ngạn dòng sông Cổ Chiên. Từ trung tâm thành phố, bạn đi dọc theo đường Mậu Thân qua cầu Thiếng Đức khoảng 1km nữa là đến Công Thần Miếu Vĩnh Long. Để thuận tiện cho việc di chuyển, bạn có thể gọi taxi Vĩnh Long hoặc tham khảo lộ trình các tuyến xe bus đi ngang đường này.
Công Thần Miếu Vĩnh Long cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía sông Cổ Chiên
3 Có gì đặc biệt tại Công Thần Miếu Vĩnh Long?
3.1 Kiến trúc Công Thần Miếu Vĩnh Long
Công Thần Miếu Vĩnh Long được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, mang lối kiến trúc đặc trưng của đình làng Nam Bộ như: phần rường rột, rui mè đều làm bằng gỗ; có tường gạch bao quanh; nền lót gạch tàu, mái lợp âm dương; cổng đình gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ, phía trên có gắn tượng Lưỡng long tranh châu bằng sành tráng men v.v…
Công Thần Miếu Vĩnh Long được thiết kế theo kiểu “tứ trụ”, tức là nhà vuông có 4 cột cái, một gian và hai chái. Về cách bày trí, thờ phụng tại Công Thần Miếu Vĩnh Long vẫn mang nét đặc trưng thường thấy tại các ngôi đình làng Nam Bộ, với bốn gian bao gồm chính điện, võ qui (gian giữa), võ ca (gian trước) và nhà khách. Thông thường, tại giữa chính điện Công Thần Miếu Vĩnh Long sẽ là bàn thờ Hội đồng để thờ chung các vị thần linh, phía sát vách hậu là bàn thờ chính có đặt khánh thờ được chạm trổ công phu. Ở gian giữa và gian trước là nơi dùng để tổ chức xây chầu, hát bội vào mỗi dịp Lễ hội kỳ yên ở Vĩnh Long diễn ra. Ngoài ra, Công Thần Miếu Vĩnh Long còn có gian nhà khách, hành lang đông tây, nhà bếp đều được xây dựng hoàn toàn từ các loại gỗ quý. Bên cạnh là nơi thờ tự 85 đạo sắc phong các vị công thần các thời Lê – Nguyễn, bên trong Công Thần Miếu Vĩnh Long còn được đặt nhiều bức hoành phi, câu đối từ các địa phương gần xa tiến cúng.
Khuôn viên Công Thần Miếu Vĩnh Long được lát gạch tàu đặc trưng của kiến trúc đình làng Nam Bộ
Phía bên trong Công Thần Miếu Vĩnh Long là hệ thống rường cột và rui mè được làm từ các loại gỗ quý. Ảnh: Louis Ho
Ở gian giữa và gian trước là nơi dùng để tổ chức xây chầu, hát bội vào mỗi dịp Lễ hội kỳ yên diễn ra. Ảnh: Louis Ho
Gian thờ chánh điện nổi bật với 2 cặp bạch hạc và bức hoành phi đề “Vạn cổ anh linh” (muôn thuở linh thiêng). Ảnh: Louis Ho
3.2 Các lễ hội tại Công Thần Miếu Vĩnh Long
Theo quan niệm dân gian từ xưa đến nay, Công Thần Miếu Vĩnh Long được xem là nơi linh thiêng, lưu truyền nhiều truyền thuyết tâm linh độc đáo. Phần lớn nhằm bày tỏ sự kính trọng đối với các vị nhiên thần cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và tôn vinh công lao của những vị công thần, danh tướng có công khai phá bờ cõi.
Vào khoảng 15-16 âm lịch hằng năm, Công Thần Miếu Vĩnh Long đều diễn ra các ngày lễ lớn như: Lễ Thượng Nguyên và lễ Bầu Ông (tháng giêng), Lễ Hạ Điền (Tháng 5), Lễ Trung Nguyên (Tháng 7), Lễ Thu tế và Trung Thu (Tháng 8), Lễ Thượng Điền và Hạ Nguyên (Tháng 10), Lễ Chạp miếu (Tháng chạp)… Ngoài ra, vào 25 tháng chạp tại Công Thần Miếu Vĩnh Long còn tổ chức Lễ Tất niên và Dựng nêu.
3.3 Ý nghĩa Công Thần Miếu Vĩnh Long trong văn hóa, lịch sử
Công Thần Miếu Vĩnh Long có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, là nơi lưu giữ nguyên vẹn 85 đạo sắc vào phong thời Nguyễn, gần như đầy đủ hệ thống thần linh được triều đình thờ cúng tại Nam bộ lúc bấy giờ. Đây là hệ thống thần linh gồm cả Nhân thần và Nhiên thần, được phân làm các cấp bậc khác nhau tùy thuộc vào công trạng lúc sinh tiền và mức độ ảnh hưởng trong dân gian.
Trong số các Nhân Thần được thờ tại Công Thần Miếu Vĩnh Long, vị thần xa xưa và linh thiêng nhất thì phải kể đến Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục từ thời vua Lê Thánh Tông, tiếp đến là Đô đốc Bùi Tá Hán và Tham tướng Lương Văn Chánh cùng nhiều vị danh thần có công bình loạn, khai hoang mở cõi vùng Nam Bộ như: Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh, Chính thống Nguyễn Cửu Vân, Phụ quốc Đô đốc Trần Thắng Tài… Ngoài ra, trong 85 đạo sắc tại Công Thần Miếu Vĩnh Long còn thờ Nhiên thần là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng mang đầy đủ màu sắc của các dân tộc Việt, Hoa, Chăm trải dài từ 3 miền đất nước.
Bên cạnh đó, trong Công Thần Miếu Vĩnh Long còn lưu giữ nguyên bản giấy phép chấp nhận cho khôi phục lại ngôi miếu do Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 27/04/1918 và được phóng to đem trưng bày ở khu vực võ ca để phục vụ khách tham quan.
Đài Công Thần nằm bên ngoài chính điện, là biểu tượng của Công Thần Miếu Vĩnh Long. Ảnh: Louis Ho
Hình ảnh chụp 85 đạo sắc được trưng bày tạo Công Thần Miếu Vĩnh Long. Ảnh: Louis Ho
Bảng kỷ niệm ngày xây dựng lại Công Thần Miếu Vĩnh Long, được viết bằng 3 ngôn ngữ Việt-Trung-Pháp. Ảnh: Louis Ho
Đến với Công Thần Miếu Vĩnh Long, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc đình chùa truyền thống Nam Bộ, mà còn được hiểu thêm nhiều về các truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Đây chính là một địa điểm trong cẩm nang du lịch Vĩnh Long mà bạn không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng đất xinh đẹp này.