Nếu ngày lễ 2/9 năm nay chưa biết đi đâu thì các bạn hãy thử ngay chuyến đi tham dự Ngày Tết Độc Lập Mộc Châu rất độc đáo, đông vui của dân tộc Mông. Ngày Lễ này được tổ chức hàng năm nhằm nhớ ơn Chính phủ đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước, và còn là cơ hội để các bạn trẻ gặp nhau, tâm tình nữa đấy.
Bạn đang đọc: Tháng 9 rủ nhau dự Tết Độc Lập Mộc Châu cùng dân tộc Mông
1 Nguồn gốc Tết Độc Lập Mộc Châu
Mùa thu đến, trời cao nguyên Mộc Châu trong và sâu thăm thẳm. Làn gió se lạnh tràn qua đất cao nguyên cũng là lúc bà con nơi đây đã thu hoạch ngô xong vụ ngô xuân hè. Những bắp ngô vàng óng đã chất đầy bồ, dân bản lại tất bật chuẩn bị những đặc sản như gà xương đen, lợn bản, rau cải mèo… cho ngày Tết Độc lập mồng 2 tháng 9.
Theo lời kể của những người cao tuổi ở Mộc Châu, kể từ ngày bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), nên đồng bào người Mông rất coi trọng và chọn đó làm ngày Tết Độc Lập (hay còn gọi là Tết cờ đỏ sao vàng) chào mừng lễ Quốc khánh 2/9 nhằm tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (31/8 – 2/9) đó là thời điểm người Mông tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật náo nhiệt thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Mỗi năm vào dịp này, đồng bào các dân tộc vùng cao đến đây để gặp gỡ, kết giao tình tự và vui chơi thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả,…
Tết Độc Lập Mộc Châu được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao bảo vệ đất nước của chính phủ và quân đội
Tới đây, các bạn được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc và các Lễ hội truyền thống của các dân tộc anh em, thông qua các hoạt động như: Thi trại văn hóa, văn hóa cộng đồng; thi trình bày giới thiệu ẩm thực dân tộc; giã bánh dầy; chợ thổ cẩm; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian. Nổi bật là phần thi trình diễn văn hóa cộng đồng, bằng các trang phục, nhạc cụ, vũ điệu truyền thống, 14 đội thi đã trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ cúng dòng họ, nghệ thuật Khèn của dân tộc Mông, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, nghệ thuật xòe của dân tộc Thái…
2 Có gì tại Tết Độc Lập Mộc Châu?
2.1 Không khí háo hức chuẩn bị Tết Độc Lập
Đã 77 năm qua, người Mông ở Mộc Châu ai cũng mong muốn nấu những món ăn ngon nhất trong dịp Tết Độc Lập để đãi khách. Những nghệ nhân thổi khèn Mông, hạ khèn xuống lau chùi cho cây khen sáng bóng. Các cô gái trong đội văn nghệ của các bản cũng tập tành thật khẩn trương. Tất cả như hối hả, tất cả như xôn xao, náo nức đón chờ ngày Quốc khánh.
Đến cao nguyên vào những ngày này mới cảm nhận rõ nét hơn về sự thay đổi và phát triển của cao nguyên Mộc Châu. Trong mỗi nếp nhà, cái đói, cái nghèo đang dần bị đẩy lùi. Điện, đường, trường, trạm… đã vươn đến tận những bản làng xa xôi nhất. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà con nơi đây cũng luôn nỗ lực phát hoang, cải tạo đất để trồng, cấy.
2.2 Du khách và người dân tộc Mông tề tựu mừng Tết Độc Lập Mộc Châu
Nếu như Tết truyền thống của người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, hoặc giữa các bản làng với nhau thì Tết Độc Lập lại diễn ra rộng rãi hơn bởi có sự liên kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền khác nhau. Khởi đầu, Tết Độc Lập chủ yếu là của người Mông ở Mộc Châu và một vài huyện lân cận, nhưng mấy năm trở lại đây do điều kiện sống của đồng bào ngày càng phát triển, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cũng vì thế được nâng cao, nên họ muốn được nới rộng giao lưu văn hóa với nhiều dân tộc khác. Chính vì vậy, Tết Độc Lập không chỉ thu hút đồng bào Mông ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên… của tỉnh Sơn La, và người Mông ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang,Thanh Hóa, Nghệ An…mà còn thu hút nhiều dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Tày… ở các tỉnh lân cận và cả ở nước bạn Lào cũng về đây vui Tết. Vì thế, mỗi năm Tết Độc Lập không chỉ “giàu” về lượng khách tham gia, mà còn “giàu” cả về nội dung, hình thức và sản vật. Nét văn hóa đẹp này đến nay vẫn được đồng bào Mông ở Mộc Châu nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung gìn giữ và phát huy.
Cùng với mầu cờ đỏ thắm là mầu sắc sặc sỡ của váy áo đồng bào Mông, tạo nên một bức tranh rực rỡ. Đi chơi Tết, thưởng thức ẩm thực người Mông, mua những chiếc váy thổ cẩm, xem cướp vợ… là những hình ảnh quen thuộc không thể quên đối với những ai đã đến tham dự Tết Độc lập cùng đồng bào Mông tại cao nguyên Mộc Châu. Quần áo là những thứ mà phụ nữ Mông phải chuẩn bị cầu kỳ nhất.
Người dân kéo nhau về thị trấn dự Tết độc lập, trong lòng ai cũng vui mừng, anh em lâu ngày được gặp nhau. Người chưa quen, chưa thân, khi gặp nhau ở đây trở nên gần gũi và lại hẹn Tết sau sẽ gặp lại. Người Mông có câu: “Tan chợ không say không phải là người tốt”, ý nói người không uống say là không thật lòng với bạn, hoặc không có bạn. Nói là vậy thôi, chứ đến dự hội Tết độc lập, không ai uống say cả, ai cũng muốn dành cho bạn bè và người thân những lời tốt đẹp nhất, những cuộc chơi say đắm nhất.
Một trong các hoạt động sôi nổi được tổ chức mừng Tết Độc Lập Mộc Châu, mang lại nhiều niềm vui cho người dân nơi đây
Trong những ngày Tết Độc lập còn có nhiều trò chơi dân gian như thi giã bánh dày, thi nấu cơm, tung còn… Tại đây còn có các gian hàng trưng bày ẩm thực, công cụ lao động sản xuất của người Mông. Các hoạt động diễn ra ngay tại thị trấn với sự tham dự của đông đảo đồng bào các dân tộc khác.
Tết Độc Lập cũng như Tết năm mới, người Mông cũng làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Trẻ con thì háo hức trên lưng mẹ xuống chợ. Nhưng chờ đợi ngày Tết Độc lập có lẽ là những chàng trai cô gái Mông. Chàng trai thổi điệu khèn hay nhất, cô gái mặc chiếc váy hoa đẹp nhất, vòng bạc, đôi dép để dành đã lâu cũng mang ra dùng.
Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu cũng là nơi hội tụ, khơi dậy nét đẹp văn hóa, thể thao, gắn với quảng bá phát triển du lịch, giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người Mộc Châu, vùng Tây Bắc của Tổ quốc với các doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài nước; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của các dân tộc vùng Tây Bắc.
2.3 Chợ Tình được các nam thanh nữ tú chờ đợi nhất
Tết Độc lập là thời điểm để người H’Mông tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật thể hiện tình yêu quê hương đất nước, hoạt động thường kéo dài từ 31/8 đến ngày 2/9. Nhưng đông vui nhất là ngày 1/9, vì đây là ngày Mộc Châu tổ chức lễ hội chợ Tình, một lễ hội rất được bà con mong chờ hàng năm. Ngày này, các dân tộc anh em đua nhau đến đây không phải để mua sắm mà để hẹn hò, trao gửi tình cảm yêu thương đến nhau, vui đùa thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả. Các bạn cũng thường đến du lịch Mộc Châu vào thời điểm này để khám phá và tìm hiểu văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu, cũng như tham dự chợ tình.
Tìm hiểu thêm: Đảo Điệp Sơn Nha Trang – Chuỗi 3 hòn đảo với con đường ẩn hiện độc đáo nhất Việt Nam
Chợ Tình là một trong các hoạt động được các bạn trẻ quan tâm và chờ đón
Mỗi khi chợ Tình được tổ chức đều thu hút đông đảo các bạn trẻ đến tìm người yêu, kết bạn, tâm sự
Mọi người đến với chợ tình sẽ có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện với nhau, kết duyên và uống rượu tâm tình… chính những điều tưởng như bình dị trong phiên chợ này, cũng đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể bỏ qua. Tết Độc lập của người Mông cũng nổi tiếng bởi tục cướp vợ. Chàng trai may mắn sẽ cưới được người mình yêu nếu cô gái chịu ở lại nhà mình trong ba ngày.
>>>>>Xem thêm: Sân golf Tam Đảo nơi không gian xanh trải dài bất tận
Người Mông đến nay vẫn còn giữ tập tục cướp vợ để chàng trai có thể cưới được người mình yêu thương
3 Các lưu ý khi di chuyển lên Mộc Châu đón Tết Độc Lập
– Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, cách khoảng Hà Nội 180km, trên đường Quốc lộ số 6 đi Sơn La, Điện Biên. Chạy xe máy mất khoảng từ 4 – 5 tiếng là tới nơi tùy theo tốc độ của bạn nhưng bạn nên chạy tốc độ vừa phải vì quãng đường có dốc đèo rất nguy hiểm.
– Bạn có thể đi phượt Mộc Châu bằng xe máy hoặc ô tô. Thường mọi người thích đi xe máy vì đường cũng không xa. Đi xe máy bạn sẽ thoải mái ngắm nhìn và chụp được những cảnh đẹp ở hai bên đường.
– Các bạn có thể mua đặc sản Mộc Châu như Bê chao Mộc Châu, Thịt trâu gác bếp Mộc Châu, Măng khô Mộc Châu,… tại các điểm dừng chân uy tín.
Có lẽ không ở đâu có sự tụ hội để mừng ngày Tết Độc lập Mộc Châu lại rộn ràng như ở cao nguyên Mộc Châu. Mộc Châu giờ không chỉ là điểm để đồng bào các dân tộc trong tỉnh Sơn La cũng như các tỉnh kề cận đến ngao du thưởng ngoạn, mà còn là nơi để đồng bào dân tộc bên nước bạn Lào tìm đến chung vui, chia sẻ các hoạt động truyền thống của địa phương.