Lễ hội Roóng Poọc Sapa còn gọi là lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Giáy ở Tả Van được tổ chức vào đầu xuân. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc trong kho tàng di sản văn hoá của người Giáy, và nhanh chóng lan rộng cả vùng thung lũng Mường Hoa, thu hút được rất nhiều du khách gần xa tới trẩy hội khi ghé đến thị trấn sương mù. Hãy cùng Blogdulich.edu.vn tìm hiểu xem lễ hội Roóng Poọc Sapa có gì đặc sắc nhé!
1 Câu chuyện về sự ra đời của lễ hội Roóng Poọc Sapa
1.1. Nguồn gốc sự ra đời của lễ hội Roóng Poọc Sapa
Người Giáy, còn được gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Cùi Chu, Xạ, thuộc nhóm các dân tộc Tày – Thái, và là đồng bào dân tộc ít người sống ở bản Tả Van Giáy, Lào Cai. Người Giáy làm ruộng nước là chính, rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm, nhưng thường là nuôi nhiều gia súc như trâu, ngựa, lợn, gà, vịt. Chắc hẳn vì người dân tộc Giáy sống chủ yếu vào nghề nông, nên lễ hội Roóng Poọc Sapa được mọi người nơi đây rất xem trọng.
Người Giáy sống tập trung đông nhất ở những vùng như Bát Xát, và sau đó là các huyện như Mường Khương, Bảo Thắng, thị xã Cam Đường, rồi đến Than Uyên, Sapa, Lào Cai
Trong tiếng Giáy, “Roóng” nghĩa là xuống, còn “Poọc” có nghĩa là đồng ruộng, tuy nhiên theo người dân ở đây thì “Poọc” còn mang ý nghĩa là hội nhiều hơn, bởi vì nói lên được sự đông đúc của nhiều người tham gia
1.2. Ý nghĩa của lễ hội Roóng Poọc Sapa
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (xã Tả Van) ở Sapa tổ chức hằng năm một lần, phản ánh ước nguyện của người dân về một cuộc sống bình an, và mong muốn các gia súc sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh đó, lễ cầu mưa cũng thể hiện khá đậm nét trong hội Xuống đồng, như dán giấy màu vàng hình con rồng trên vòng nhật nguyệt mang ý nghĩa đảm bảo cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Lễ hội Roóng Poọc Sapa là lễ kết thúc sau một tháng Tết vui chơi, và cũng đồng thời mở đầu cho một năm mới chăm chỉ lao động, nâng cao năng suất
2 Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Roóng Poọc Sapa
Đã thành thông lệ, hàng năm, vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch, lễ hội Roóng Poọc Sapa sẽ được tổ chức ở cánh đồng tương đối bằng phẳng phía đầu bản, ngay cạnh làng của người Giáy.
Nếu thời tiết ấm áp, nhiều du khách trong và ngoài nước cũng sẽ hết mình tham gia hội xuống đồng nhộn nhịp này, những người dân trong bản làng cũng nhiệt tình, hiếu khách, chào đón họ niềm nở
Bắt đầu mở màn là tiết mục văn nghệ đặc sắc của cô gái trong bản, nhằm báo hiệu cho mọi người biết lễ hội sắp được bắt đầu
Lễ hội diễn ra trong không khí vui vẻ và đầy màu sắc
3 Lễ hội Roóng Poọc Sapa được diễn ra như thế nào?
3.1. Chuẩn bị lễ hội Roóng Poọc Sapa
Ngay khi trời vừa sáng, các chức sắc trong làng đến nhà chủ làng để chuẩn bị các đồ cúng thần cho lễ hội Roóng Poọc Sapa. Sau đó ở trung tâm dựng cây còn, cao vút bằng cây mai. Trên đầu cây còn treo một vòng mặt trời là vòng được làm từ tre, vót nhọn rồi uốn cong lại thành vòng tròn. Vòng tròn đó một mặt sẽ dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, và một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng.
Mâm cúng của thầy mo sẽ bao gồm những lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như: vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 quả còn của các cô gái chưa chồng. Tất cả các lễ vật đều phải hoàn tất và mang ra vào lúc 7 giờ sáng
Để Blogdulich.edu.vn chia sẻ chi tiết cách sắp xếp mâm cúng cho bạn hiểu thêm nhé! Đầu tiên, trên bàn thờ cúng thần, sẽ bao gồm có một bát gạo lớn được đặt trên tấm vải mộc trắng (do chính người dân trong bản tự dệt); cắm 5 nén hương, trong đó 3 nén sau, 2 nén trước; trước bát hương có 5 chén lớn được úp miệng xuống và 5 chén nhỏ được đặt lên trên 5 chén to đó để rót nước trà hoặc rượu cúng; 2 bên có hai đĩa trứng luộc, đã được nhuộm phẩm đỏ (2 bên 2 trứng nhé!), 1 dĩa đồ trang sức bằng vàng bạc, 1 dĩa cá chiên, hai củ măng vầu, xôi đỏ 7 bát nhỏ, 7 đôi đũa, bỏng ngọt 5 bát, 1 bát nước lã, trong bát ấy có 5 hào bạc trắng để làm phù phép; 6 quả còn của những cô gái chưa chồng, mỗi bên hai quả.
3.2. Phần lễ
Đầu tiên là phần cúng lễ trang nghiêm. Lúc này, mọi người dân trong bản làng đều tập trung nghiêm túc để cầu mong thần linh ban cho gia đạo trong nhà được bình an, các gia súc, gia cầm đều sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi.
Khi cúng tế trong ngày hội Roóng Poọc thì thầy cúng phải mặc áo dài cài khuy nách, nhìn sơ qua, bạn có thể tưởng như áo của người Trung Quốc. Thầy cúng sẽ thắp 3 nén nhang, vái 3 lạy rồi cắm vào nén, và bắt đầu đọc bài tế
Sau đó, thầy cúng sẽ gieo quẻ xin âm dương, nội dung chủ yếu là cầu mong cuộc sống sung túc, ấm no hạnh phúc, bảo vệ xóm làng bình yên, lúa cây tốt tươi, trâu bò lợn gà đầy chuồng, cá đầy sông suối, người dân bản không bệnh tật, ốm đau…
Tiếp theo, thầy cúng sẽ đốt vàng mã. Tất cả các quả còn trong ngày hôm đó được thầy cúng đem vái trước bàn thờ. Thủ tục cúng phần lễ lúc này đã làm xong.
Mâm cúng thần Thổ địa trong lễ hội bao gồm giấy tiền, trái cây, trứng,…
3.3. Phần hội của lễ hội Roóng Poọc Sapa
Sau khi nghi lễ diễn ra nghiêm túc được kết thúc, bắt đầu sẽ là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các trò chơi mang tính nghi lễ của lễ hội Roóng Poọc Sapa sẽ bắt đầu. Bây giờ mới là lúc người dân trong bản làng tha hồ “bung xõa”. Lễ hội có 2 trò chơi chính rất vui nhộn, đó là ném còn và kéo co. Ngoài ra, còn nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác như bịt mắt bắt dê và thi cày ruộng.
Dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè sẽ được tấu lên để bắt đầu các trò chơi đầy vui nhộn sắp tới
Bắt đầu là trò chơi ném còn. Những người cao tuổi sẽ chia ra nam nữ hai bên, sau đó lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng cho 3 lần khai mạc cuộc chơi. Tiếp theo thì mọi người bắt đầu “lăn xả” hết mình vào trò chơi. Đến khi phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tốt tươi
Không khí thật sôi nổi. Mọi người đều hò reo cổ vũ hết mình trong trò chơi ném còn của lễ hội Roóng Poọc Sapa
Sau trò chơi ném còn, là đến trò chơi kéo co. Một tốp nam sẽ đứng phần phía đông cầm gốc dây, còn phía nữ cầm phần ngọn. Sau hồi trống kèn nổi lên, bên nam vì đại diện cho đằng đông, tượng trưng cho mặt trời nên luôn kéo thắng, còn bên nữ giả vờ thua, như vậy thì cuối năm mùa màng sẽ bội thu
Sau phần nghi lễ đó là đến lúc các nam thanh nữ tú trong làng được dịp “thể hiện” bản thân mình. Họ cùng ùa vào chia phe thi kéo. Nếu có cơ hội đứng trong đây, bạn cũng được “một suất” tham gia luôn đó!
Hay thử sức mình với trò vật cây. Người dẫn cỗ vũ đứng chen chúc nhau, ai ai cùng cười tít mắt, chắc bởi vì còn lâu lắm được họp mặt đông vui như thế này
Cũng không kém cạnh với các anh trong làng, mấy em nhỏ cũng hoà mình, chạy nhảy vận động, chơi trò bịt mắt bắt vịt. Những cổ động viên hai bên ra sức chỉ dẫn hướng đi cho các em, trông thiệt là vui nhộn làm sao!
Để chơi được trò đi cà kheo, người chơi đòi hỏi phải có sức khoẻ thật tốt cùng sự khéo léo nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể luôn đó!
Đặc biệt hơn, khách du lịch nước ngoài cũng có được “một phen” cười no bụng khi thử sức mình với trò chơi dân gian đặc sắc bịt mắt bắt dê, mang đến nhiều “trận cười thả ga” cho mọi người
Thanh niên trong bản cố gắng hết sức giành chiến thắng trong cuộc thi cày ruộng
Sau khi các trò chơi kết thúc, các già làng sẽ đứng ra làm lễ khấn, 2 thanh niên khỏe mạnh cùng 2 con trâu xuống đồng kéo 5 đường cày, tượng trưng cho mùa vụ mới bắt đầu.
Lễ hội Roóng Poọc Sapa diễn ra trong bầu không khí rất vui vẻ và nhộn nhịp. Đây là nét đẹp văn hoá bản sắc mà dân tộc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hoá, lối sống của bản địa. Hy vọng với những chia sẻ của Blogdulich.edu.vn, bạn sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị với lễ hội độc đáo xuống đồng khi đến với Sapa, thị trấn sương mù này!