Phủ Khống là một ngôi đền nổi tiếng nằm trong khu du lịch “làm mưa làm gió” Tràng An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Bên trong ngôi đền này thờ thất vị quan trung thần quan trọng của triều Đinh và Đinh Công tiết chế, gắn liền với nhiều giai thoại xoay quanh vua Đinh Tiên Hoàng qua đời. Hôm nay, hãy cùng Blogdulich.edu.vn dạo quanh tìm hiểu Phủ Khống này nhé!
1 Tổng quan sơ lược về Phủ Khống
Ninh Bình hiện đang là điểm đến nổi tiếng của khu vực miền Bắc, thu hút không ít tín đồ xê dịch trong nước và quốc tế ghé đến đây mỗi năm. Những địa điểm du lịch của Ninh Bình không chỉ đẹp mê hoặc lòng người, mà còn được tôn vinh hơn nữa bởicó giá trị về mặt lịch sử khi từng là cố đô của nước ta qua các vương triều Đinh, Tiền Lê và Lý. Du khách khó mà bỏ qua Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Thung Nham, đầm Vân Long, đền vua Đinh và đền vua Lê… đặc biệt phải kể đến Phủ Khống, nằm trong khu du lịch sinh thái Tràng An, một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Phủ Khống là điểm đến mà du khách phải check-in trong khu du lịch Tràng An
Phủ Khống là di tích thờ các vị quan đầu triều của nhà Đinh (không rõ tên húy), hiệu vị là Đinh Công tiết chế, cùng 7 vị trung thần hi sinh vì nghĩa. Khi đến với Phủ Khống, du khách sẽ được chìm đắm trong không gian thờ phượng cổ kính, hay khám phá những giai thoại lịch sử chứa đựng những giá trị văn hóa to lớn. Tọa độ này là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà du khách không thể làm ngơ trong khu du lịch sinh thái Tràng An đó nha!
Các bạn có thể xem video để hiểu thêm về Phủ Khống:
Cùng Blogdulich.edu.vn xem những thước phim tuyệt đẹp về tọa độ du lịch Phủ Khống. Nguồn: Youtube/ Bai Dinh Pagoda
1.1 “Bắt mạch” tọa độ Phủ Khống
Vị trí: nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, có vị trí khá đặc biệt khi lưng tựa vào Hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, còn trước mặt là hồ nước mênh mông.
Trước mặt Phủ Khống là hồ nước phẳng lặng như gương, đầy thơ mộng
1.2 Thời điểm nào lý tưởng du khách nên đến Phủ Khống
Vì nằm trong khu du lịch sinh thái Tràng An nổi tiếng, nên du khách có thể vi vu ngôi đền vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của hội cuồng chân đã đến đây nhiều lần, thời gian “chuẩn” nhất để tham quan Phủ Khống là vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 Âm Lịch. Lúc này là vào mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, thời tiết khá ấm áp và dễ chịu, nhiều người dân còn đến Tràng An để vãn cảnh chùa cầu nguyện một năm mới bình an. Do đó, rất thích hợp để du khách tha hồ ghé thăm Phủ Khống, kết hợp du xuân.
Còn nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền lênh đênh trên sông để chiêm ngưỡng những đồng lúa chín, phủ lên màu vàng óng mượt trù phú, hay đầm sen thơm ngào ngạt thì nên check-in từ tháng 6 đến tháng 8.
1.3 Hướng dẫn cách di chuyển đến Phủ Khống
Trước khi đến được Phủ Khống, việc đầu tiên là du khách cần phải có mặt ở Tràng An. Khoảng cách từ Hà Nội đến Tràng An khoảng chừng 90km, bạn chỉ mất từ 2 – 3 tiếng bằng xe máy, xe khách, ô tô… là tới được thôi.
Sau khi đến được Tràng An, du khách tiếp tục di chuyển đến Phủ Khống bằng thuyền. Ở đây sẽ có 3 tuyến cho bạn lựa chọn, nhưng tham quan ngôi đền thờ này thì nhớ chọn tuyến 1 nhé!
Tuyến 1: Bến thuyền – Đền Trình – Hang Tối – Hang Sáng – Hang Nấu Rượu – Đền Trần – Hang Ba Giọt – Hang Seo – Hang Sơn Dương – Phủ Khống – Chùa Báo Hiếu – Hang Khống – Hang Trần – Hang Quy Hậu – quay về bến thuyền. Để khám phá tuyến này, bạn sẽ mất khoảng 3.5 tiếng đi thuyền.
Trong lúc đợi bạn tham quan Phủ Khống, các cô lái thuyền tán gẫu với nhau
1.4 Giá vé tham quan
Để đến được Phủ Khống, hội cuồng chân cần phải mua vé tham quan vào khu du lịch Tràng An. Bạn có thể tham khảo chi phí dưới đây (đã bao gồm giá thuyền):
– Người lớn: 250.000VNĐ/ người.
– Trẻ em: 120.000VNĐ/ người.
– Trẻ em dưới 1m: miễn phí.
2 Có gì thú vị ở Phủ Khống hấp dẫn du khách ghé thăm?
2.1 Giai thoại lịch sử
Có phải bạn đang tò mò về giai thoại ly kỳ, hấp dẫn của Phủ Khống không?
Qua lời kể của các cụ cao niên sau khi vua Đinh Tiên Hoàng – vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam băng hà, 7 vị quan trung thần đã tự tay khâm liệm rồi chuyển qua cửa cung 100 quan tài bằng đồng, trong đó chỉ có một chiếc là thật chứa thi hài, đem đi chôn cất ở nhiều nơi. Khi an táng vua về, 7 vị đã chung chén rượu độc tuẫn tiết, mang đi bí mật về ngôi mộ thật của vua Đinh Tiên Hoàng về thế giới bên kia.
Lúc bấy giờ, Đinh Công tiết chế đã cảm kích trước nghĩa khí đó của 7 vị, nên đã lập bát nhang thờ cúng tại phủ
Chữ “khống” ở đây mang ý nghĩa bí mật vị trí lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng vẫn được giữ kín và là một bí ẩn cho đến ngày nay
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên ngôi làm hoàng đế khi chỉ mới 6 tuổi. Thấy đất nước đứng trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, đưa ông lên ngôi hoàng đế.
Khi ấy có một số vị quan triều Đinh không khuất phục, đã đem quân chống lại Lê Hoàn, rồi Đinh Công tiết chế bị giam lỏng ở đền Phủ Khống. Khi nghe tin các cánh quân chống lại Lê Hoàn đều bị thất bại, các viên quan bị bắt và sát hại, vị tướng này cũng đã tự sát. Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ các bậc trung thần tại đây.
Du khách có thể ngồi nghỉ chân mà nghe những giai thoại kỳ bí ở Phủ Khống
2.2 Cây thị nghìn năm tuổi ở Phủ Khống
Một trong những điểm thu hút khách du lịch khi tham quan Phủ Khống chính là cây thị cổ thụ ngàn năm tuổi. Cây thị này thân và gốc tuy già xù xì, nhưng cành lá lúc nào cũng xanh tươi, có tán hình con voi bao trùm cả ngôi đền Phủ Khống. Theo như truyền thuyết, 7 vị quan trung thần triều Đinh đã chết cùng nhau dưới cây thị hơn 1.000 năm, sau đó do già cỗi, bão táp thì bị gãy và chết. Lạ thay là ngay dưới gốc cây này, mọc lên một cây thị con (cây thị bây giờ) cho đến nay cũng được khoảng 1.000 năm tuổi luôn.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tới thăm cây thị Phủ Khống
Không chỉ gây ấn tượng bởi số tuổi, cây thị nghìn năm này cũng trở nên kỳ bí do mỗi khi đến mùa ra hoa kết trái vào khoảng trung tuần tháng 8, đúng ngay dịp lễ giỗ vua Đinh Tiên Hoàng, trên các cành cây mọc ra 2 loại quả khác nhau, đó là quả tròn và quả dẹt. Bạn biết không, hiện nay chưa có cây thị nào ở Việt Nam có thể ra cùng một lúc 2 quả đặc biệt như ở Phủ Khống đâu đó. Vậy còn chần chờ gì mà không làm một “pô ảnh” ở cây thị có 1-0-2 để khoe mẽ cùng hội bạn bè?
Theo các “thổ địa” ở đây, vì cây thị đặc biệt và kỳ lạ, lại gắn với lịch sử của Phủ Khống nên người dân thường tới thắp nhang thờ cúng
2.3 Thưởng thức âm nhạc dân gian ở Phủ Khống
Để níu chân hội xê dịch, ngoài nghe những câu chuyện từ người lái đò, hay người thủ đền, du khách đến với Phủ Khống còn được thư giãn, và chìm đắm trong vài trích đoạn làn điệu nhạc mang âm hưởng dân gian, như xẩm, chầu văn, chèo cổ, quan họ… Trong mỗi dịp lễ hội, ngày xuân, ban nhạc sẽ được dịp trổ tài những ngón đàn, điệu hát đặc sắc được đông đảo khán giả tán thưởng rất nồng nhiệt. Có thể nói, sự xuất hiện của ban nhạc tại Phủ Khống đã góp thêm phần phong phú, hấp dẫn đối với những du khách gần xa, hiểu thêm được những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của nước ta.
Bên cạnh Phủ Khống, du khách còn có thể viếng thăm chùa Báo Hiếu gần đó. Khi đến vãn cảnh chùa và đền, bạn nên lựa chọn trang phục kín đáo nhé! Còn chờ gì mà không nhanh tay “save” địa điểm này trong chuyến Ninh Bình sắp tới nào?