Miếu nổi Gò Vấp đến nay đã tồn tại được hơn 300 năm. Nằm giữa dòng sông Vàm Thuật, điểm tâm linh dường như tách biệt hoàn toàn với thành phố xô bồ, tấp nập. Đến miếu tham quan, bạn sẽ có cơ hội nhìn ngắm lối kiến trúc vừa cổ vừa mang nét đẹp giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau.
1 Bạn biết gì về miếu nổi Gò Vấp?
1.1 Miếu nổi Gò Vấp ở đâu?
Địa chỉ: Phường 5, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: 8h00 – 18h00; vào các dịp đại lễ hay Tết Nguyên Đán sẽ mở cửa đến khoảng 20h00
Miếu nổi là địa điểm tâm linh nằm trên sông Vàm Thuật, phường 5, quận Gò Vấp. Nơi đây còn được biết đến với nhiều tên gọi như Phù Châu miếu, chùa miếu nổi Gò Vấp, miếu nổi Phù Châu… Với diện tích bao trùm cả một cồn đất nhỏ rộng 2.500m2, ngôi miếu cổ là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh về cả vị trí xây dựng và lối kiến trúc Việt – Hoa độc đáo.
Miếu nổi Gò Vấp nằm lênh đênh trên sông Vàm Thuật
1.2 Lịch sử hình thành miếu nổi
Về lịch sử hình thành, điểm du lịch Sài Gòn này được xây dựng từ thời vua Gia Long với một bên là bến đò, một bên là phường An Phú Đông của quận 12. Trước năm 1975, đây là điểm hành hương quen thuộc của bà con Phật tử, một thời gian dài sau đó thì bị bỏ hoang. Phải đến năm 1989, ngôi miếu mới được một người Việt gốc Hoa tên Lục Câu bỏ tiền tu sửa và khôi phục lại.
Theo lời kể của người dân địa phương, địa điểm tâm linh này có sự tích gắn liền với câu chuyện về một ngư dân vớt được xác người phụ nữ trong lúc đánh bắt cá. Sau khi đưa lên bờ và chôn cất người này cẩn thận, ông đã dựng nên tại đây một ngôi miếu nhỏ. Từ đó về sau, cuộc sống của những ngư dân nghèo khổ trong vùng bỗng trở nên khấm khá hơn. Nhiều người nghe tiếng cũng kéo đến đây để cầu phúc cho gia đình. Dần dà, ngôi miếu được xây dựng khang trang để thờ Ngũ Hành, Long Mẫu.
Địa điểm tâm linh này đã gắn bó với vùng đất Sài Gòn hơn 300 năm
2 Hướng dẫn cách di chuyển đến Phù Châu miếu
Nhìn chung, đường đi đến miếu nổi Gò Vấp khá đơn giản. Nếu xuất phát từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, bạn chỉ cần lái xe theo hướng đường Nguyễn Thái Sơn, rẽ vào Trần Bá Giao rồi chạy thêm vài trăm mét nữa là tới được bãi đậu xe của bến đò.
Bởi vì Phù Châu miếu nổi lênh đênh giữa sông nên để viếng thăm, bạn sẽ phải di chuyển bằng đò với mức giá khoảng 10.000 VNĐ/lượt/khách. Khoảng cách giữa đất liền và ngôi miếu rất gần, do đó chỉ mất khoảng 5 phút ngồi đò là bạn đã có mặt tại đây. Theo Blogdulich.edu.vn, hành trình đến chùa cũng là một cơ hội để tín đồ xê dịch tận hưởng cảnh sắc sông nước yên bình ngay giữa lòng thành phố lớn.
Bởi vì miếu nổi nằm giữa sông nên phương tiện duy nhất để đến đây là các loại thuyền, đỏ
3 Nét đặc sắc trong không gian tâm linh của Phù Châu miếu
3.1 Lối kiến trúc độc đáo của miếu nổi Gò Vấp
Chùa miếu nổi Gò Vấp được xây theo hình chữ Tam, hướng về phía Nam với diện tích bao trùm cả một cù lao nhỏ nổi giữa sông Vàm Thuật. Tổng thể nơi đây gồm 3 tòa nhà nối liền nhau bởi hai sân thiên tỉnh hẹp.
Mỗi tòa nhà lợp hai tầng mái ngói âm dương tráng men xanh ngọc, trên nóc trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm và rồng chầu cuốn thư. Ở bốn đầu đao cong lên gắn tượng Long, Ly, Quy, Phụng và trang trí thêm họa tiết hoa cúc dây, lá nho, sông nước… Các bức tường được quét vôi màu hồng đậm, còn mí cửa thì sơn đỏ.
Nét kiến trúc đặc sắc của ngôi miếu là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Bạn có thể cảm nhận được điều này thông qua những chi tiết trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng, các mái vòm được khảm sứ và ghép hình tỉ mỉ hay bức tường cẩn sành khắc họa các hình tượng tín ngưỡng xưa.
Cổng miếu được thiết kế bao quanh bởi những con rồng lớn
Vẻ đẹp tinh xảo của cổng miếu thông qua những bức ảnh check-in của khách tham quan
Con đường lớn dẫn vào Chính Điện khang trang, không gian thờ phụng chính của miếu nổi
Các bức tường cẩn sành khắc họa hình tượng tín ngưỡng quen thuộc
Hình ảnh con rồng được chạm trổ, vẽ… ở nhiều vị trí khác nhau trong miếu, trong đó phần mái ngói âm dương
Nét kiến trúc của điểm tâm linh này là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa
3.2 Các khu vực thờ phụng linh thiêng
Không gian Phù Châu Miếu được chia thành 3 khu vực thờ phụng chính là Tiền Điện, Trung Điện và Chính Điện. Mỗi khu sẽ thờ những vị thần khác nhau.
Bước vào khu Tiền Điện, ở ngay vị trí trung tâm sẽ là nơi thờ Phật Di Lặc, hai bên là Địa Mẫu và Phật Tổ Như Lai. Phía trước gian thờ có thêm tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề ngồi trên đài sen lớn, bên cạnh là bức phù La Hán.
Đến với khu Trung Điện, đây là không gian thờ tượng thần Tề Thiên Đại Thánh. Xung quanh là tượng các bao lam bằng gỗ khắc 4 chữ “Thánh Gia Bảo Điện”.
Dừng chân tại khu Chính Điện, bên cạnh bức tượng Ngũ Hành Thánh Mẫu được thờ ở vị trí chính diện, trước gian thờ còn có bàn hương của bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền. Ngoài ra khu vực phía bên phải là nơi thờ phụng Bao Công – Quan Công, Địa Mẫu, Kim Mẫu, Long Thần và Hộ Pháp.
Không gian miếu được chia thành 3 khu vực để thờ những vị thần khác nhau
Khu vực thờ Đức Ngọc Đế
Không gian thờ bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền
Khu vực thờ Phật Di Lặc bên ngoài
Từng chi tiết trong ngôi miếu cổ Phù Châu đều được chăm chút tỉ mỉ
3.3 Khuôn viên rợp bóng cây
Miếu nổi Gò Vấp nằm giữa một khuôn viên rộng lớn trồng nhiều cây xanh. Do đó không gian nơi đây vừa yên bình lại trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, trong khuôn viên miếu còn có một cây si đến nay đã hơn trăm năm tuổi. Với thân to, cành lá vươn rộng, cây cổ thụ giúp tạo bóng mát lớn để người đi viếng ngồi tránh nắng, nghỉ ngơi.
Ngôi miếu cổ nằm trong khuôn viên trồng nhiều cây xanh
3.4 Hồ nước thả rùa ở sân sau
Đi vòng ra sau miếu, bạn sẽ bắt gặp một hồ nước trong xanh hình chữ nhật với kích thước khá lớn. Bên dưới là những chú rùa với nhiều kích thước khác nhau đang bơi lội tung tăng. Để đảm bảo an toàn cho cả khách tham quan và vật nuôi, quanh miệng hồ được rào chắn cẩn thận bằng lưới sắt.
Khu vực phía sau miếu còn có hồ nước thả rùa
4 Những hoạt động nổi bật tại chùa miếu nổi
Vào những dịp đại lễ như rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 hoặc rằm tháng 2, Phù Châu miếu sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – truyền thống đặc sắc thu hút đông đảo người dân đến tham gia, chiêm bái. Đây cũng là địa điểm dâng lễ cúng, cầu tài lộc, tình duyên, công việc được thăng tiến… quen thuộc của các đoàn hành hương. Ngoài ra, mỗi dịp cuối năm hoặc đầu năm mới, tại miếu thường diễn ra các sự kiện trả lễ, khai xuân với không khí rất sôi nổi và nhộn nhịp.
Miếu nổi Gò Vấp là điểm hành hương quen thuộc của các Phật tử
5 Một số điều cần lưu ý khi đến miếu nổi Phù Châu
Trước khi đến với miếu nổi, hãy bỏ túi một số lưu ý sau để hành trình tham quan, chiêm bái của bạn được trọn vẹn hơn:
– Ăn mặc kín đáo, lịch sự để thể hiện sự tôn trọng và kính trọng đối với nơi thờ cúng
– Không chạm hoặc cầm, nắm bất kỳ đồ vật nào trong miếu khi chưa có sự cho phép của sư thầy
– Chú ý giữ trật tự trong suốt quá trình chiêm bái, tránh gây ảnh hưởng đến người xung quanh
– Không chen lấn, xô đẩy hay giẫm lên bậu cửa khi dâng lễ
Nét kiến trúc Việt – Hoa độc đáo kết hợp với không gian thanh bình, yên tĩnh do vị trí địa lý đã biến miếu nổi Gò Vấp trở thành điểm du lịch tâm linh đầy ấn tượng. Không nhất thiết phải đi đến những nơi thật xa để khám phá nét đẹp văn hóa – tín ngưỡng, với cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn, có một ngôi miếu cổ hơn 300 năm tuổi đang chờ bạn đến viếng thăm ngay trong lòng thành phố xô bồ.