Sân bay Nội Bài là sân bay lớn thứ hai của Việt Nam với quy mô đón hơn chục triệu lượt hành khách mỗi năm chỉ sau sân bay Tân Sơn Nhất. Vào tháng 08/2023, sân bay quốc tế Nội Bài bất ngờ đứng vị trí thứ 11 trong danh sách các cảng hàng không tốt nhất thế giới vì không để hành khách chờ lâu khi làm thủ tục. Trong bài viết này, Blogdulich.edu.vn xin chia sẻ một cách chi tiết thông tin địa điểm, sơ đồ sân bay cùng kinh nghiệm làm thủ tục check-in nhằm giúp bạn có trải nghiệm trọn vẹn khi đến đây.
1 Giới thiệu về sân bay Nội Bài
– Tên đầy đủ: Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.
– Tên tiếng Anh: Noibai International Airport.
– Địa chỉ: xã Phú Minh – huyện Sóc Sơn – Thành phố Hà Nội.
Sân bay Nội Bài ở đâu? Sân bay Nội Bài tọa lạc tại một vị trí chiến lược ở phía Bắc thành phố Hà Nội là một cảng hàng không dân dụng và quân sự. Đây là cảng hàng không duy nhất tại Thủ đô nước ta phục vụ không chỉ các chuyến bay thường lệ mà còn các chuyến bay không thường lệ và tàu bay tư nhân xuyên suốt 24/24 giờ. Với vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông, sân bay Nội Bài đóng góp đáng kể vào việc vận chuyển hành khách và hàng hóa đến và đi từ Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.
Hình ảnh toàn cảnh sân bay Nội Bài nhìn từ xa. Ảnh: VinWonders
Vị trí của sân bay quốc tế Nội Bài cũng rất thuận lợi cho hành khách trong việc di chuyển đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam. Lấy điểm mốc là sân bay Nội Bài, bạn có thể đặt chân đến trung tâm thành phố chỉ khoảng 27km cũng như tiếp cận được với vịnh Hạ Long, cố đô Ninh Bình, Mộc Châu, Hà Giang, Sapa… một cách thuận lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Sân bay Nội Bài hiện có hai đường băng đáp 1A và 1B nằm cách nhau 250m nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không đa dạng cũng như cho phép các máy bay lớn đáp xuống một cách an toàn. Với 47 vị trí đỗ tàu bay tại sân đỗ T1 và T2, sân bay Nội Bài có khả năng tiếp đón nhiều loại máy bay cỡ lớn khác nhau, từ Airbus A340-300/500/600/380 đến Boeing 777-200/300 và các máy bay tầm trung khác.
Toàn cảnh những đường đi vào sân bay Nội Bài. Ảnh: ACV
Điều đặc biệt khác đó là sân bay Nội Bài là nơi hoạt động sôi nổi của các hãng hàng không hàng đầu như Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, và Bamboo Airways. Đồng thời đây còn là nơi đặt trụ sở của một số hãng hàng không quốc tế như Indochina Airlines, Air Mekong. Với sự phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo cho hàng triệu lượt hành khách cùng một lúc, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được Skytrax xếp hạng là 01 trong top 100 sân bay tốt nhất thế giới vào năm 2019.
Những tàu bay của các hãng hàng không đang đậu tại sân đỗ. Ảnh: Báo Nhân dân
2 Sơ đồ nhà ga sân bay Nội Bài
2.1 Sơ đồ nhà ga hành khách T1
Đây là Nhà ga hành khách dành cho các chuyến bay nội địa, được khai thác bởi các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar…Nhà ga hành khách quốc nội T1 có diện tích lên đến 115.000m2, giúp phục vụ cho hơn 25 triệu hành khách mỗi năm.
Một trạm sạc pin miễn phí trong sân bay Nội Bài. Ảnh: AVC
Bên trong Nhà ga hành khách T1 được trang bị rất nhiều dịch vụ cơ bản như:
– Ngân hàng và ATM: Techcombank, VIB, Vietinbank, MB, BIDV.
– Dịch vụ wifi, internet tốc độ cao và hoàn toàn miễn phí.
– Khu sạc pin miễn phí.
– Dịch vụ xe đẩy hành lý.
– Dịch vụ trông coi hành lý.
– Dịch vụ y tế.
– Khu vui chơi, chăm sóc dành cho trẻ em.
– Các nhà hàng, quán cà phê…
– Dịch vụ hộp ngủ để hành khách có thể nghỉ ngơi.
Dưới đây là sơ đồ sân bay Nội Bài ở ga nội địa:
Sơ đồ Nhà ga hành khách quốc nội T1. Ảnh: ACV
2.2 Sơ đồ nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài T2
Nếu bạn muốn bay các chuyến bay quốc tế thì nhà ga này chính là nơi làm thủ tục check-in cũng như có sân đỗ máy bay của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, China Airlines, Korean Airlines, Japan Airlines…Nhà ga quốc tế rộng khoảng 140.000m2 công suất phục vụ lên đến 20 triệu lượt khách hàng năm.
Cũng tương tự như Nhà ga quốc nội, Nhà ga hành khách T2 cũng tích hợp hàng loạt các dịch vụ trên để đảm bảo cho hành khách có những trải nghiệm tốt nhất khi đến đây. Dưới đây là sơ đồ sân bay Nội Bài ở ga quốc tế:
Sơ đồ Nhà ga hành khách quốc tế T2. Ảnh: ACV
3 Hướng dẫn di chuyển đến sân bay
Để di chuyển từ sân bay quốc tế Nội Bài vào trong trung tâm thành phố hoặc ngược lại, bạn có thể lựa chọn đi bằng xe buýt, xe taxi hoặc book các chú xe ôm công nghệ lúc nào cũng túc trực phía trước sân bay.
3.1 Đi bằng xe buýt
Xe buýt tuyến sân bay Nội Bài vào trong trung tâm thủ đô có giá vé dao động từ 9.000 – 50.000 đồng/ khách/ lượt. Nếu bạn đi một mình và mang theo ít hành lý thì xe buýt có thể là phương tiện di chuyển lý tưởng cho bạn đó, vừa đi vừa nhìn ngắm cảnh quan phố thị thay đổi bên ngoài cửa sổ cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Dưới đây là một số tuyến xe buýt sân bay Nội Bài mà bạn có thể tham khảo:
Tuyến xe |
Hành trình |
Giá vé |
Thời gian di chuyển |
Xe 86 |
Sân bay – Ga Hà Nội |
45.000 đồng/ lượt |
30 phút |
Xe 90 |
Sân bay – Ga Cát Linh |
9.000 đồng/ lượt |
40 phút |
Xe 68 |
Sân bay – Metro Hà Đông |
50.000 đồng/ lượt |
1 tiếng 15 phút |
Xe 17 |
Sân bay – Long Biên |
9.000 đồng/ lượt |
1 tiếng 20 phút |
Xe 07 |
Sân bay – Cầu Giấy |
9.000 đồng/ lượt |
50 phút |
Bạn lưu ý là các tuyến xe buýt trên đều dừng tại điểm chờ dành cho xe buýt ở Sảnh tầng 1 Nhà ga quốc nội T1 và Sảnh tầng 1 Nhà ga quốc tế T2 nhé.
Một tuyến xe buýt số 86 đang chờ đón khách tại sân bay. Ảnh: Du lịch hàng không
3.2 Bắt dịch vụ xe taxi Hà Nội
Taxi cũng là phương tiện di chuyển thuận lợi với dịch vụ đưa đón tận nơi, phù hợp với các nhóm bạn đi đông người và có nhiều hành lý. Mức giá cước xe taxi đi từ sân bay vào trong thành phố hơi cao, thường từ 250.000 – 350.000 đồng cho một chuyến đi.
Một số hãng xe taxi Hà Nội hoạt động 24/7 mà bạn có thể tham khảo như:
Hãng xe |
Hotline |
Taxi Nội Bài |
(024) 3886 8888 |
Taxi Thành Công |
(024) 3219 1919 |
Taxi ABC |
(024) 3886 6666 |
Airport Taxi |
(024) 3257 5757 |
3.3 Xe công nghệ
Ngoài taxi và xe buýt, bạn còn có thể book các hãng xe ôm công nghệ như Grab, Gojek, Be, Baemin để di chuyển qua lại giữa sân bay và các địa điểm khác. Thông thường giá một chuyến xe sẽ tùy vào khoảng cách giữa sân bay và nơi mà bạn muốn đến. Nhưng theo ước tính của Blogdulich.edu.vn thì “cái giá phải trả” cho một chuyến xe máy công nghệ là từ 150.000 – 200.000 đồng và 250.000 – 350.000 đồng cho xe ô tô.
Hình ảnh hàng dài xe taxi, xe dịch vụ đang đón chờ khách tại sảnh của nhà ga. Ảnh: Báo Lao động
4 Hướng dẫn di chuyển bên trong nhà ga sân bay
Khi đến nhà ga của sân bay, bạn phải kiểm tra thật kỹ lưỡng thông tin được ghi trên vé máy bay của mình. Trên vé sẽ hiển thị chi tiết những thông tin quan trọng như: số hiệu chuyến bay, giờ boarding gate, giờ khởi hành, số ghế của bạn.
Sau đó, bạn nên xác định nhà ga mà mình cần đến, thông tin và sơ đồ nhà ga sân bay Nội Bài đã được Blogdulich.edu.vn chia sẻ phía trên. Bạn có thể di chuyển bên trong nhà ga bằng các bảng chỉ dẫn. Hệ thống biển chỉ dẫn tại sân bay khá hợp lý và tất cả thông tin trên các bảng chỉ dẫn đều được hiển thị bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để giúp mọi hành khách dễ dàng tìm thấy đường đi đến vị trí mà mình mong muốn.
Đối với các chuyến bay có quá cảnh, bạn hãy luôn kiểm tra thông tin chi tiết tại phòng vé khi bạn mua vé hoặc trên trang web của hãng hàng không. Nếu bạn phát hiện rằng thời gian quá cảnh quá ngắn hoặc nếu đây là lần đầu bạn tới sân bay Nội Bài, bạn có thể chuyển sang một chuyến bay khác để lúc đến đây check-in không bị quá vội vàng nhé.
Một điều mà bạn cần lưu ý khi đến sân bay đó là luôn đặc biệt chú ý đến bảng điện tử để cập nhật thông tin về chuyến bay của mình nhé. Trên bảng hiển thị lúc nào cũng thông báo cho bạn số hiệu chuyến bay, giờ bay, cửa ra máy bay cùng các thông tin quan trọng khác.
Nếu bạn không tìm thấy chuyến bay của mình trên bảng điện tử, có thể bạn đã đi nhầm nhà ga. Trong trường hợp này, hãy bình tĩnh và liên hệ tới quầy giải đáp thông tin để nhận sự hỗ trợ cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo rằng bạn sẽ không gặp rắc rối trong hành trình của mình tại sân bay Nội Bài.
Đối với những hành khách nối chuyến cần di chuyển qua lại giữa hai nhà ga, bạn có thể đi xe dịch vụ miễn phí do sân bay bố trí. Cứ mỗi 15 phút sẽ có một chuyến xe nối chuyến vào ban ngày, ban đêm thì 30 phút có một chuyến. Vị trí đón khách nối chuyến là tại cánh A, tầng 1 của nhà ga T1 và cột 11 – 12 của Nhà ga T2.
Dịch vụ di chuyển miễn phí giữa hai nhà ga. Ảnh: ACV
5 Hướng dẫn làm thủ tục tại sân bay Nội Bài
5.1 Hành khách quốc tế
5.1.1 Đối với chuyến đi
– Bước 1: Tìm quầy check-in: Đầu tiên, hành khách vào sảnh công cộng đi ở tầng 3 của Nhà ga hành khách quốc tế. Tại đây có 04 đảo làm thủ tục gồm A/B, C/D, E/F, G/H với mỗi đảo có 24 quầy, tổng cộng 96 quầy làm thủ tục. Để xác định quầy phù hợp cho chuyến bay của mình, hành khách có thể tra cứu thông tin tại Lịch bay thường lệ.
– Bước 2: Làm thủ tục hàng không: Hành khách xuất trình vé máy bay và các giấy tờ tùy thân tại quầy check-in.
– Bước 3: Xuất trình thẻ lên tàu cùng giấy tờ tùy thân.Tại của vào khu vực hạn chế để làm thủ tục xuất cảnh sẽ có 02 máy đọc thẻ lên tàu bay. Nếu máy báo khách không phải kiểm tra thì bạn có thể vào làm thủ tục xuất cảnh. Còn nếu máy báo phải kiểm tra thì bạn sẽ được nhân viên an ninh hướng dẫn đến phòng kiểm tra trực quan, xong xuôi mới tiếp tục làm thủ tục xuất cảnh.
– Bước 4: Thủ tục xuất cảnh: Hành khách xuất trình hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân liên quan cho cán bộ cửa khẩu kiểm tra và thực hiện các thủ tục xuất cảnh.
– Bước 5: Kiểm tra an ninh và hải quan: Hành khách tiến vào khu vực kiểm tra an ninh hàng không và hải quan. Tại đây, bạn cần tháo bỏ các vật dụng, tư trang cá nhân như thắt lưng, ví, giày, điện thoại…và hành lý xách tay để kiểm tra qua máy soi chiếu. Sau đó, hành khách sẽ bước qua cổng từ để kiểm tra an ninh. Sau khi kiểm tra xong, bạn sẽ được hướng dẫn tiến đến khu vực phòng chờ.
– Bước 6: Vào phòng chờ và ra cửa khởi hành. Các cửa ra tàu bay số 20 – 28 nằm phía tay phải Nhà ga T2. Cửa số 29 – 30 nằm ở khu vực trung tâm và các cửa số 31 – 36 thì nằm phía cánh tây – bên trái của nhà ga.
5.1.2 Đối với chuyến đến
– Bước 1: Vào Nhà ga T2
– Bước 2: Kiểm tra y tế quốc tế tại máy quét tự động đo thân nhiệt tại 02 điểm ngay phía trước khu vực nhập cảnh.
– Bước 3: Làm thủ tục nhập cảnh và đi theo cầu thang cuốn hoặc thang máy để xuống tầng 1 nhận hàng lý đã ký gửi.
– Bước 4: Nhận hành lý ký gửi tại 06 băng tải trả hành lý. Nếu hành lý của bạn có gì bất thường hay bị thất lạc, bạn có thể đến các quầy Lost & Found của hãng hàng không để xử lý.
– Bước 5: Làm thủ tục kiểm tra hải quan
– Bước 6: Ra ngoài khu vực công cộng và rời khỏi sân bay
5.2 Hành khách nội địa
5.2.1 Hành khách nội địa đến
– Bước 1: Xuống máy bay và di chuyển qua cầu ống lồng hoặc đi xe buýt để vào nhà ga.
– Bước 2: Nhận hành lý ký gửi tại 908 bằng tải hành lý.
Cánh A có 03 băng tải: 4, 5, 6
Cánh B có 03 băng tải: 1, 2, 3
Cánh E có 02 băng tải: 7, 8
Tại mỗi băng tải trả hành lý sẽ có màn hình thông báo số hiệu chuyến bay đến. Trong trường hợp bạn có hành lý bị thất lạc hoặc có biểu hiện bất thường, bạn có thể tới các quầy Lost & Found của đại diện các hãng hàng không để được hỗ trợ.
– Bước 3: Rời khỏi sân bay sau khi kiểm tra hành lý ký gửi xong.
Hình ảnh hành khách đang làm thủ tục tại quầy. Ảnh: Taxi Nội Bài
5.2.2 Hành khách nội địa đi
– Bước 1: Vào sảnh công cộng đi – tầng 2 của Nhà Ga Hành Khách Quốc Nội (T1) tại đây có các sảnh như:
Sảnh A (quầy thủ tục từ số 01 đến số 30)
Sảnh B (quầy thủ tục từ số 31 đến số 60)
Sảnh E (quầy thủ tục từ số 101 đến số 138)
– Bước 2: Làm thủ tục hàng không bằng cách xuất trình vé máy bay, giấy tờ tùy thân. Bạn có thể làm thủ tục tại quầy check-in hoặc sử dụng Kiosk check-in tự động.
– Bước 3: Kiểm tra an ninh tại khu vực kiểm tra soi chiếu.
– Bước 4: Vào khu vực phòng chờ rồi ra cửa khởi hành.
– Bước 5: Xuất trình thẻ lên tàu và giấy tờ tùy thân cho nhân viên mặt đất để lên tàu bay.
Một quầy check-in tự động trong sân bay Nội Bài. Ảnh: ACV
Trên đây là bộ cẩm nang check-in cực kỳ chi tiết dành cho bạn khi lựa chọn bay tại sân bay Nội Bài. Hy vọng với những chia sẻ của Blogdulich.edu.vn, các bạn sẽ có thể thuận lợi làm thủ tục check-in mà không gặp bắt kỳ rắc rối nào. Truy cập ngay vào Cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn để có thể bỏ túi ngay những địa điểm du lịch Hà Nội đáng tham quan nhất.