Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà là lễ hội được tổ chức hàng năm trên đền Thác Mẫu linh thiêng. Nếu có dịp ghé đến Yên Bái vào dịp đầu xuân, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội hòa mình vào không gian tâm linh này nhé.
Bạn đang đọc: Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà – Chốn linh thiêng trên đỉnh Hoàng Thi
1 Đôi nét về Đền Mẫu Thác Bà
Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà được tổ chức tại Đền Mẫu thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Nhờ có vị trí đắc địa cùng lịch sử lâu đời gắn bó cùng người dân và mảnh đất Yên Bái, nên lễ hội này được đông đảo người dân và cả du khách quan tâm, lựa chọn làm điểm đến mỗi dịp tết đến xuân về.
1.1 Đền Mẫu Thác Bà ở đâu?
Đền Thác Bà hay còn có tên gọi khác là Đền Mẫu Thác Bà, tọa lạc sừng sững trên núi Hoàng Thi. Từ lâu nơi đây đã nổi tiếng là chốn Phật pháp linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách thập phương ghé đến. Đền là một trong số khá ít những ngôi đền được xây bên bờ Sông Chảy mà vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Khuôn viên đền rộng tới 1.800m2, với rất nhiều những công trình đặc sắc phục vụ cho các hoạt động lễ hội, tâm linh tại đây.
Đền Mẫu Thác Bà mang vẻ đẹp tâm linh huyền bí
Để lên đền, bạn cần vượt qua 365 bậc đá, sau đó đến trước cửa sân đền đón từng làn gió mát lành thổi từ biển hồ vào, mang theo cảm giác nhẹ nhàng thanh tịnh và vô cùng thư thái. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ có thể thu hết vào tầm mắt tất cả vẻ đẹp của công trình thủy điện hồ Thác Bà bên dưới, ngắm nhìn màu xanh của bầu trời và mặt nước mênh mông hòa vào nhau. Màu sắc tâm linh tại đây hội tụ và đan xen những nét văn hóa độc đáo của 13 dân tộc sinh sống tại miền đất này như người Dao, Tày, Cao Lan, Phù Lá, Nùng…
Đền Mẫu Thác Bà là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Yên Bái
Đền Mẫu không chỉ gắn với Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà mà còn được biết đến là ngôi đền trấn giữ cho vùng đất châu thổ sông Chảy, giúp nơi đây từ thời xa xưa đã có sự phát triển thịnh vượng về cả kinh tế và văn hoá. Tại đến ngoài thờ mẫu còn thờ các vị thần thánh khác, đồng thời quy tụ những hình thái văn hoá dân gian độc đáo trong lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Xưa kia đền luôn được nhân dân khắp cả vùng Yên Bình xưa (nay là Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái) gửi gắm đức tin cùng những mong ước về cuộc sống đủ đầy, ấm no, bình yên và hạnh phúc. Đến nay sau nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo, ngôi đền này vẫn giữ được dáng vẻ và không khí cổ xưa, toát lên linh khí của chốn Phật pháp linh thiêng, vắng lặng mà không hiu quạnh, ngược lại còn mang đến cho khách thập phương cảm giác thư thái, dễ chịu, an nhiên.
1.2 Kiến trúc Đền Mẫu Thác Bà
Về kiến trúc, Đền Mẫu Thác Bà được phân chia thành 5 gian đại bái, 3 gian trung cung và thêm 3 gian hậu cung. Ở gian Đại bái, chính giữa là bức cuốn thư “Thác Bà linh từ”. Tại đây có ban thờ Tam Phủ bao gồm Đức Ngọc Hoàng, quan Nam Tào (ở bên phải) và quan Bắc Đẩu (ở bên trái). Tiếp đó là đến vị trí thờ Ngũ Vị Tôn Ông bao gồm 5 ông quan lớn có nhiệm vụ trấn giữ 5 phương là Đông, Tây, Nam, Bắc và phương chính giữa, cùng với ông Hoàng Bảy (ở bên phải) và ông Hoàng Mười (ở bên trái), hai bên còn có hai câu đối đẹp mắt.
Kiến trúc đền mang đậm nét truyền thống
Qua cung bên phải bạn sẽ nhìn thấy bàn thờ Ban Trần Triều với tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo còn cung bên trái là phủ “Chúa Sơn Lâm” đặt 2 tượng cô hầu và 12 cô Sơn Trang. Ở gian giữa “Tứ phủ Chầu bà” sẽ thờ 4 vị cai quản 4 phương là Đông, Tây, Nam, Bắc. Còn gian hậu cung để thờ phụng Mẫu Thác Bà và thêm Tam Tòa Thánh Mẫu. Đến hiện nay trong đền vẫn còn khá nhiều những hiện vật quý giá, không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn có ý nghĩa to lớn với văn hoá truyền thống dân tộc.
Đường lên đền Mẫu Thác Bà khá bằng phẳng và dễ đi
2 Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào tháng mấy
Định kỳ hàng năm, Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà sẽ được tổ chức vào đêm ngày 8 và kéo dài đến ngày 9 tháng Giêng Âm lịch, tức là ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng đồng thời là lễ hội mùa xuân của đền Thác Bà, là lễ hội lớn nhất trong năm cùng những nghi thức thờ cúng truyền thống vô cùng trang nghiêm. Nếu đến Yên Bái vào dịp này bạn còn có thể tham gia Lễ hội Hoa Ban hay Lễ Cầu mùa của người Dao đỏ.
3 Diễn biến Lễ hội Đền Mẫu
Tiếp theo hãy cùng theo chân Blogdulich.edu.vn khám phá chi tiết hai phần là Lễ và Hội được tổ chức tại đền Mẫu Thác Bà như thế nào nhé.
3.1 Phần Lễ
Từ đêm ngày mùng 8, người dân và các phật tử đã quy tụ về đây để làm lễ nấu và đánh chè kho với nguyên liệu là đỗ xanh ngâm bỏ vỏ, rồi rang lên vàng thơm, mang nấu với mật mía. Khi nấu chè theo nhịp điệu như đang chèo thuyền, xung quanh mọi người hát các bài hò chèo thuyền tâm tình bên bếp lửa bập bùng.
Tìm hiểu thêm: An Phu Gia Apartment Hotel mang phong cách trẻ trung, năng động
Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà quy tụ rất nhiều Phật tử về đây dâng lễ
Tiếp theo của Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà là đến lễ bắt cá để tế lễ, trước đây lễ được thực hiện tại Soi Do, thuộc suối Do của xã Văn Chính cũ, cách đền 2km, thời gian bắt cá là vào đêm mùng 8 tháng Giêng. Người dân dùng phên nứa úp mặt trắng vào phía trong, quây thành vùng để bắt cá. Loại dụng cụ này khi cá thấy sẽ chui vào rồi luẩn quẩn ở trong, rồi mọi người đốt đuốc sáng rực lên và hò reo, dùng tay để kéo và vây bắt cá. Cá được chọn dâng lên thần linh là 2 con to, đẹp và ngon nhất. Đến sáng ngày mùng 9 sẽ cho cá vào thúng sơn son, rước lên đền để tế thần khi cá vẫn còn sống. Cúng xong thì cá sẽ được làm thịt rồi mọi người hưởng lộc ngay tại đền hoặc xả ra chia nhau mang về.
Ngày nay Yên Bái vẫn giữ những tập tục truyền thống trong Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà
Kiệu rước cá cũng rất trang trọng, là loại kiệu song loan có 4 người khiêng, thời gian rước là từ 7 đến 8 giờ sáng. Sau đó đến lễ chay chỉ cúng bằng chè kho tại đền chính. Còn ở cung ngoài thì cúng lễ mặn bằng xôi nếp loại ngon, gà, vịt, thịt lợn nhưng không dùng thịt trâu, bò.
Khách thập phương đang dâng hương tại đền
Sau lễ rước cá là lễ rước kiệu gồm 3 kiệu: kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát cống (kiệu 8 người khiêng). Kiệu sẽ rước mẫu từ đền Thác Bà về đền Đồng Sủng, quãng đường đi khoảng 3 km, rồi lại vòng trở lại. Tuy nhiên tục rước này hiện nay đã không còn được thực hiện vì Hồ Thác Bà nước dâng cao, đền Đồng Sủng cũng không còn.
3.2 Phần Hội
Khi phần Lễ nghiêm trang đã xong thì đến phần Hội là lúc người dân cùng nhau tham gia các trò chơi thú vị như ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội thi đánh đu, hội đua thuyền, đẩy gậy… Mọi người cùng tham gia nên không khí rất nô nức, vui tươi, không có bất cứ sự phân biệt nào, các dân tộc Tày, Kinh, Nùng, Dao, Cao Lan vùng Thác Bà đều hòa làm một. Thời gian chơi hội với không khí vô cùng sống động, tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, để các cặp đôi trai gái có cơ hội tìm kiếm tình yêu và trao duyên.
>>>>>Xem thêm: Không biết chơi gì thì xem ngay Lịch trình khám phá Cát Bà 3N2Đ
Các tiết mục văn nghệ được biểu diễn trong lễ hội đền Thác Bà
Như vậy đối với đời sống tinh thần của người dân Yên Bái, Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà có ý nghĩa rất to lớn. Dù đã trải qua thăng trầm lịch sử và sự đổi mới của thời đại, những tục lễ này vẫn được người dân Yên Bái gìn giữ và phát huy. Nếu có dịp đến với Tây Bắc, Blogdulich.edu.vn chúc bạn có cơ hội được trải nghiệm những lễ nghi độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời này nhé.