Nằm yên bình nơi dãy Trường Yên, chùa Bích Động là một trong những danh thắng nổi tiếng mà Ninh Bình may mắn sở hữu. Nổi tiếng với cảnh sắc nguyên sơ và có chút trầm lắng, chùa là điểm đến hoàn hảo dành cho những ai muốn tạm xa sự náo nhiệt của cuộc sống đô thị thường ngày. Bạn ơi, nếu đã có những tháng ngày mệt nhoài vì những gánh gồng lo toan, hôm nay hãy bỏ lại hết tất cả phía sau và cùng Blogdulich.edu.vn vãn cảnh chùa Bích Động nhé.
Bạn đang đọc: Oai linh chùa Bích Động – Ngôi chùa cổ cheo leo trên dãy Trường Yên
1 Bạn có biết chính xác địa chỉ của chùa Bích Động chưa?
Địa chỉ: thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Là ngôi chùa cổ được xây dựng trên triền dãy núi đá vôi Trường Yên, chùa Bích Động thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, đồng thời là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình được nhiều người biết đến. Với không gian phảng phất dư vị hoài cổ cùng lối kiến trúc truyền thống xưa cũ, chùa là một trong những nơi linh thiêng được mọi người tìm về vãn cảnh, cúng Phật trong suốt hành trình khám phá Ninh Bình.
Vị thế tọa lạc cực kỳ lý tưởng nơi chùa Bích Động với bốn bề là núi non trùng điệp
2 Bạn có thể ghé đến vãn cảnh chùa Bích Động bằng những loại phương tiện nào?
Chùa Bích Động nằm trong cụm di tích Tam Cốc Bích Động, thế nên nếu muốn vãn cảnh chùa, bạn có thể kết hợp tham quan cả Tam Cốc nữa. Hiện nay, có duy nhất một con đường thủy để đến được Tam Cốc mà thôi. Nếu muốn đến đây, bạn sẽ phải di chuyển bằng thuyền dọc dòng Ngô Đồng. Bạn có thể xuất phát từ khu vực đình Các thuộc thôn Văn Lâm là tiện lợi hơn cả nhé. Sau đó, từ Tam Cốc, bạn tiếp tục di chuyển đến chùa bằng xe đạp, xe máy, taxi hoặc đi bộ ngắm cảnh hai bên đường đều được.
3 Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về lịch sử chùa Bích Động
Tương truyền rằng, chùa Bích Động được xây dựng dưới thời vua Lê Dụ Tông, khoảng năm 1705. Ngày ấy, có hai vị hòa thượng pháp danh là Trí Kiên, Trí Thể, một người quê Vọng Doanh, một người quê Nam Định. Hai người có duyên gặp gỡ và kết thành anh em, cùng nhau đi khắp nơi để truyền đạo và xây chùa.
Đến vùng đất Ninh Bình, nhìn thấy núi Bích Động có địa thế đắc địa nên đã quyết định dừng chân tại đây, cùng quyên giáo sửa sang nền ngôi chùa cũ thành ba ngôi chùa mới như hiện tại, gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng để tu hành.
Tới năm 1707, hai nhà sư đã cho đúc một chiếc chuông lớn, ngày nay vẫn còn treo ở động Tối. Hai năm sau đó, họ lại tiếp tục làm bài minh bia chùa Bích Động bằng chữ Hán. Bởi vì tọa lạc nơi núi non trùng điệp nên ngày trước, chùa được gọi với cái tên ‘Bạch Ngọc Thạc Sơn Đồng’. Đến năm 1774, chúa Trịnh Sâm có dịp đến đây vãn cảnh đã bị ấn tượng bởi cảnh sắc nơi này với nào núi non, hang động, sông nước, đồng ruộng và cây cối xanh tươi nên đã quyết định đổi tên chùa thành chùa Bích Động, có nghĩa là ‘động xanh’, và giữ cho đến tận ngày nay.
Chiếc cổng chùa vẫn giữ được trọn vẹn kiến trúc xưa cũ. Ảnh: genevievefields
Khung cảnh thanh tịnh, yên bình nơi chùa Bích Động khiến bao người nhớ mãi chẳng quên. Ảnh: genevievefields
Dọc khắp khuôn viên chùa là những bia đá đã phủ một lớp bụi mờ thời gian. Ảnh: genevievefields
Những bức tượng sư tử đá vẫn oai vệ ngày đêm cần mẫn bảo vệ sự bình yên của chùa. Ảnh: genevievefields
Tầm nhìn lý tưởng từ chùa Bích Động. Ảnh: genevievefields
Những gian hàng của các bà, các cô bày bán nào trái cây, vật dụng giản đơn trong khuôn viên chùa. Ảnh: genevievefields
4 Kiến trúc độc đáo nơi chùa Bích Động
Quả không sai khi nói rằng chùa Bích Động là một trong những ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc đậm chất chùa cổ Việt Nam. Chùa là một quần thể gồm ba ngôi chùa được xây dựng với hướng tựa lưng vào triền núi đá vôi, cùng hệ thống 3 hang động với 2 động khô, gồm Bích Động và Động Tối ở nơi lưng chừng núi và 1 động nước là Xuyên Thủy Động dưới đất.
Điểm nhấn đặc biệt của chùa chính là kết cấu chữ Tam theo kiểu chữ Hán. Trái ngược với những ngôi chùa chữ Công có gian thiêu hương nối liền, ba tòa nhà của chùa được xây dựng tách rời hoàn toàn. Cả ba ngôi chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng đều được xếp dọc theo sườn núi từ thế núi cao tới thấp, tạo thành cảnh sắc ấn tượng và đặc biệt khiến ai có dịp đến đây cũng thật sự ấn tượng.
Tìm hiểu thêm: Trekking Bù Gia Mập trải nghiệm thú vị giữa phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên
Chùa Bích Động sở hữu kiến trúc đặc biệt với ba ngôi chùa nằm nơi lưng chừng núi từ thấp đến cao
5 Những điểm tham quan tại chùa Bích Động bạn không nên bỏ lỡ
5.1 Con đường dẫn vào chùa Bích Động
Chùa Bích Động được ví như viên ngọc quý nằm yên bình giữa lòng núi non đại ngàn. Chính cảnh sắc thiên nhiên bốn bề ôm trọn đã góp phần tôn lên cái vẻ cũ kỹ, hoài cổ của chùa hơn cả. Rảo bước trên con đường bậc thang đá dẫn vào chùa, bạn sẽ được ngắm nhìn những hàng đại thụ mọc tươi tốt hai bên đường, thấp thoáng phía dưới là những đóa hoa dại nở vội. Chính điều này đã góp phần tô đậm thêm sự cổ kính, thanh tịnh và có chút gì đó huyền bí nơi chùa Bích Động thoắt ẩn thoắt hiện giữa đại ngàn xanh tươi.
Những con đường với hai bên là cây cối tươi tốt dẫn vào chùa Bích Động. Ảnh: genevievefields
5.2 Chùa Hạ
Để đến được chùa Hạ, bạn sẽ phải đi qua một con đường bên chân núi, có lát gạch dài khoảng 55m dẫn vào cổng Tam Quan. Đây là con đường duy nhất đưa bạn đến được ngôi chùa đầu tiên trong quần thể ba chùa nơi chùa Bích Động.
Chùa Hạ được xây dựng theo lối chữ Đinh cơ bản trong kiến trúc của chùa Việt, trên một nền đá cao phía dưới chân núi Phần mái chùa được chia làm hai tầng uốn cong với hệ thống 8 mái. Phần mặt tiền của chùa Hạ được chia thành 5 gian, trong đó phần thượng điện đã chiếm trọn hai gian, được chống bằng những cột gỗ, cột đà lớn được đẽo từ đá liền khối, không chấp nối và cao hơn 4m. Đặc biệt hơn, những chiếc kèo, xà ngang và xà dọc của chùa cũng hoàn toàn được làm từ gỗ lim, cốt để tạo sự chắc chắn.
Bước vào khu vực chính điện, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ở trên cao của gian giữa Tiền Đường được treo một bức đại tự viết bằng chữ Hán: ‘Mạo cổ thần thanh’. Đây là câu cốt để nói dáng dấp ngôi chùa xưa này thật sự linh thiêng quá đỗi. Phía trong thượng điện chính là khu vực thờ phượng đức Phật, sau đó là những bệ theo thứ tự từ trên cao xuống thấp, đặt lần lượt những bức tượng Phật khác nhau cùng các đồ thờ như đèn, đỉnh hương, v.v.
Câu đối đằng sau chùa Hạ vẫn giữ nguyên được đường chạm khắc tỉ mẩn
Bức tượng con rồng nơi chùa Hạ
5.3 Chùa Trung
Sau khi đã vãn cảnh chùa Hạ, khi trở ra sân, quay đầu về hướng Bắc, bạn sẽ bắt gặp một lối đi với 80 bậc đá men quanh sườn núi. Đây là con đường duy nhất dẫn đến nơi lưng chừng núi và cũng là nơi ngôi chùa Trung đang tọa lạc. Chùa tọa lạc trên vách đá có hình dáng như một con rồng có miệng đang há to khiến mọi người cũng thích thú hơn cả.
Chùa Trung được xây dựng theo lối kiến trúc tương đối độc đáo, với phần cửa và mái chùa lộ thiên, còn các công trình khác nằm gọn trong một hang động sâu phía trong núi. Chùa Trung có ba gian, phía trên mái có khắc hai chữ Hán tự ‘Bích Động’ theo ý chúa Trịnh Sâm ngày trước. Phía bên trái của chùa là nơi đặt gian thờ Thánh Mẫu.
Một góc chùa Hạ và chùa Trung
5.4 Chùa Thượng
Là ngôi chùa tọa lạc ở vị thế cao nhất trong quần thể ba ngôi chùa nơi Bích Động, chùa Thượng nằm ở vị trí gần đỉnh núi. Con đường dẫn lên chùa nằm dọc theo sườn núi và có hơn 40 bậc đá. Chùa cao hơn sân gạch khoảng tầm 60 mét, được xây dựng theo hướng Đông Nam và là nơi thờ Phật Bà Quan Âm.
Chùa Thượng được chia làm hai gian kiểu nhà dọc với các cột, vỉ, kèo được làm hoàn toàn từ gỗ lim, trong khi phần mái đao cong vút tựa hình dáng của một chú chim phụng đang kiêu hãnh vươn mình. Hai bên chùa là hai miếu thờ quay về hướng Bắc và hướng Nam, là nơi thờ phượng Sơn Thần và Thổ Địa.
Đứng từ khu vực hai miếu thờ, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy phía xa xa là 5 ngọn núi đứng độc lập tựa cánh hoa sen chầu về phía núi Bích Động. Bởi thế nên 5 ngọn núi đá này được đặt tên là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, Gia Định, Con Lợn, Đầu Cầu và Hang Dựa.
Đặc biệt hơn, khi đứng từ vị trí cao nhất nơi chùa Thượng, bạn sẽ có thể nhìn thấy núi Chồng Sách, núi Voi nằm yên bình giữa cảnh đồng Ngũ Môn. Chùa Thượng cũng là nơi ở của loài hoa quý sơn kim cúc – một loại hoa dáng nhỏ, có màu vàng và tốt cho mắt.
Chùa Thượng được xây dựng trên một dải đất cao hơn nền tầm 60 mét
Gian điện thờ chính nơi chùa Thượng
5.5 Động Tối
Từ khu vực chùa Trung, bạn đi thêm khoảng độ 21 bậc thang là sẽ đến được Động Tối. Ngày nay, trong động vẫn còn treo một chiếc chuông đồng lớn được hai vị hòa thượng Trí Kiên, Trí Thể cho đúc vào năm 1707. Đi thêm một đoạn, bạn sẽ nhìn thấy những bức tranh lớn với hình ảnh chạm nổi hiện ra dưới ánh sáng le lói của ánh đèn điện nơi đây với nào hình tiên ông, tiên nữ, tiểu đồng, rồng bay, rùa, voi, hổ, kho của cải, v.v.
Ở phần cửa Động Tối, bạn sẽ được chiêm bái bức tượng Đức Phật Di Đà, Văn Thù Bồ Tất với phía trên trái là bức tượng Quan Âm Thị Kính. Ngoài ra, ở khu vực gần cửa động hướng tay trái còn có một hang nhỏ thờ phượng Quan Thế Âm với ở giữa các khối nhũ đá dưới nền hang có hai khối gõ như tiếng mõ, 1 thanh 1 trầm cực đặc biệt.
>>>>>Xem thêm: Biển vô cực Thái Bình, vẻ đẹp siêu thực như chỉ có trong tranh
Chiếc chuông đồng do hai vị hòa thượng Trí Kiên, Trí Thể cho đúc vào năm 1707 vẫn còn được treo nơi cửa Động Tối
Là ngôi chùa cổ tọa lạc nơi vị thế đặc biệt, quả không ngạc nhiên khi chùa Bích Động luôn là một trong những điểm đến tâm linh được bao người ưu ái. Nếu có dịp về với vùng Tràng An, Ninh Bình, đừng bỏ lỡ cơ hội được ghé đến vãn cảnh, viếng Phật nơi ngôi chùa nằm yên bình giữa trùng điệp núi non bạn nhé.