Các đỉnh núi cao nhất Việt Nam phần lớn thuộc địa phận dãy Hoàng Liên Sơn phía Bắc, sở hữu địa hình hiểm trở khiến các nhà chinh phục phải mất từ 2 – 3 ngày mới hoàn thành hết chặng.
1 Fansipan – Đỉnh núi cao nhất Việt Nam
Độ cao so với mực nước biển: 3.147m
Vị trí: Sapa, Lào Cai
Không chỉ là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Fansipan còn là đỉnh núi cao nhất khu vực Đông Dương. “Nóc nhà Đông Dương” này nằm trong khuôn viên vườn Quốc gia Hoàng Liên, cách trung tâm Sapa, Lào Cai khoảng 10km. Theo kinh nghiệm du lịch của các nhà leo núi thường xuyên, khoảng thời gian thích hợp để chinh phục Fansipan là khoảng tháng 9 – tháng 4 năm sau nhờ tiết trời khô ráo và không quá lạnh.
Có 3 tuyến đường bộ leo núi Fansipan, trong đó tuyến Trạm Tôn được biết đến nhiều nhất nhờ có chiều dài ngắn nhất nhưng vẫn có địa hình đa dạng, thuận lợi. Dự kiến thời gian di chuyển sẽ mất 2 ngày 1 đêm, điểm nghỉ phổ biến là 2.200m vào buổi trưa và 2.800m vào buổi tối.
Nóc nhà Đông Dương là mệnh danh của đỉnh núi cao nhất Việt Nam Fansipan
2 Đỉnh Pu Si Lung
Độ cao so với mực nước biển: 3.083m
Vị trí: Mường Tè, Lai Châu
Trong số các đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Pu Si Lung chiếm vị trí thứ hai và nằm giáp với biên giới Trung Quốc. Nhìn chung độ khó các đỉnh núi Việt Nam khá tương đồng nhau, nhưng cung leo ở núi Pu Si Lung sẽ có độ thách thức cao hơn vì thời gian 3 ngày 2 đêm cùng tổng chiều dài hơn 60km khá tốn sức. Chặng đường này được khuyến nghị cho những ai đã có kinh nghiệm leo núi, có thể chịu đựng điều kiện khắc nghiệt núi rừng Tây Bắc. Để tới đỉnh chúng ta sẽ phải vượt qua khoảng 11 con suối nhỏ, những cánh rừng nguyên sinh còn hoang sơ…
Cảnh sắc thiên nhiên của suốt hành trình leo núi Pu Si Lung thật đẹp
3 Núi Pu Ta Leng
Độ cao so với mực nước biển: 3.049m
Vị trí: Tam Đường, Lai Châu
Cung leo Pu Ta Leng dài với địa hình dốc dựng đứng, bạn cần khoảng 2 ngày 1 đêm để chinh phục một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam này. Đường đến Pu Ta Leng sẽ đi qua suối Thầu êm đềm, có nhiều đoạn đá lớn tạo thành các hồ chứa nước nhỏ mát lành. Đoạn thách thức các nhà leo núi nhất có lẽ là ba ngọn núi dốc dựng đứng, không có đoạn bằng phẳng, thậm chí ta còn phải đu mình trên những nhánh cây rừng hay bò bằng 4 chi… để vượt qua.
Những dãy núi trùng trùng điệp điệp trước tầm mắt. Ảnh: vnexpress
4 Ky Quan San
Độ cao so với mực nước biển: 3.046m
Vị trí: Bát Xát, Lào Cai
Có thể thấy các đỉnh núi cao nhất Việt Nam phần lớn đều thuộc khu vực Hoàng Liên Sơn. Ky Quan San (hay Bạch Mộc Lương Tử) được biết đến là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Các nhà leo núi có thể xuất phát từ một trong hai tỉnh, nhưng cung được biết đến nhiều nhất có lẽ là cung xuất phát từ xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Khung cảnh biển mây cùng bình minh ấn tượng nơi đây chính là điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách, đặc biệt Blogdulich.edu.vn mách bạn có thể ghé thăm vào khoảng tháng 5 để ngắm những thửa ruộng bậc thang của người Mông đang vào mùa nước đổ.
Thiên đường trên mây Ky Quan San
5 Khang Su Văn (Phàn Liên San)
Độ cao so với mực nước biển: 3.012m
Vị trí: Phong Thổ, Lai Châu
Cung đường chinh phục đỉnh Khang Su Văn có tổng chiều dài khoảng 20km và được chinh phục lần đầu tiên vào giữa năm 2015. Kể từ đó một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam này được biết đến rộng rãi và yêu thích nhờ đi qua rừng nguyên sinh, nơi có những thân cây khổng lồ phủ kín rêu phong. Hành trình 2 ngày 1 đêm tới Khang Su Văn còn qua biên giới 79, là cột mốc cao nhất toàn tuyến biên giới nước ta.
Thảm thực vật ấn tượng trên đường chinh phục Khang Su Văn. Ảnh: Hằng Bắp
6 Tả Liên Sơn
Độ cao so với mực nước biển: 2.996m
Vị trí: Tam Đường, Lai Châu
Tả Liên Sơn cũng là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, sở hữu khung cảnh hùng vĩ cùng thảm thực vật rừng nguyên sinh ấn tượng, với dây leo quấn quanh cùng những cây đại thụ lớn. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền núi Tây Bắc thì có thể bắt đầu từ bản Tả Lèng và tốn khoảng 4 tiếng leo lên độ cao 1900m, sau đó tiếp tục đi tới hang đá dừng chân nghỉ ngơi qua đêm. Hôm sau chúng ta sẽ tiếp tục hành trình chinh phục điểm mốc.
Chuyến trekking Tả Liên Sơn Lai Châu phải diễn ra trong vòng 3 ngày
7 Phú Lương (Pú Luông, Phu Song Sung, Chung Chua Nhà, Tà Chì Nhù)
Độ cao so với mực nước biển: 2.985
Vị trí: Trạm Tấu, Yên Bái
Nóc nhà của tỉnh Yên Bái được chinh phục lần đầu năm 2013 và đến nay vẫn được đông đảo nhà leo núi ưa thích, với mệnh danh “thiên đường mây nơi hạ giới”. Đặc biệt nếu tham gia hành trình vào những ngày cuối thu bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng sắc tím hoa chi pâu độc đáo.
Tà Chì Nhù mùa hoa tím ghé thăm
8 Pờ Ma Lung (Bạch Mộc Lương)
Độ cao so với mực nước biển: 2.967m
Vị trí: Phong Thổ, Lai Châu
Đỉnh Pờ Ma Lung được cộng đồng đam mê trekking biết đến từ năm 2017. Dù chỉ đứng thứ 8 trong top các đỉnh núi cao nhất Việt Nam nhưng hành trình hơn 40km đường rừng núi trong 3 ngày 2 đêm cũng có sức thách thức vô cùng lớn.
Ảnh: Nguyễn Thị Huyền
9 Nhìu Cồ San
Độ cao so với mực nước biển: 2.965m
Vị trí: Bát Xát, Lào Cai
Theo tiếng người Mông, Nhìu Cồ San có nghĩa là Sừng Trâu. Lý do cho cái tên này là bởi dãy núi sở hữu 2 đỉnh chỉa ra giữa trời và uốn cong trông như chiếc sừng. Trên cung đường trekking bạn sẽ được băng qua đường đá cổ Pavi từ thời Pháp thuộc, nếu may mắn ghé thăm vào mùa hoa đỗ quyên tháng 3 – tháng 4 chúng ta còn được ngắm sắc đỏ tím ấn tượng, cuối tháng 12 – đầu tháng 1 thì lại có tuyết phủ trên đỉnh núi.
Dừng chân nghỉ mệt trên đỉnh Nhìu Cồ San và tranh thủ cho ra lò những tấm ảnh check-in cực chất. Ảnh: Mạnh Chiến
10 Chung Nhía Vũ
Độ cao so với mực nước biển: 2.918m
Vị trí: Phong Thổ, Lai Châu
Dãy núi này là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, gần với các mốc giới 83, 84 và chân núi gần mốc 85. Khách du lịch từ Hà Nội có thể di chuyển lên Sapa, qua Y Tý rồi sang Nậm Xe. Đường lên Chung Nhía Vũ chủ yếu men theo suối, sở hữu khung cảnh những khu rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn với cây to thân gỗ cao 50m.
Dãy núi Chung Nhía Vũ là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc
11 Lùng Cúng
Độ cao so với mực nước biển: 2.913m
Vị trí: Mù Cang Chải, Yên Bái
Khách du lịch muốn đến với một trong các đỉnh núi cao nhất Việt Nam ở Yên Bái này sẽ phải mất 45 phút đi xe máy từ bản Lùng Cúng, sau đó lại tốn thêm 11km quãng đường leo dốc lên đỉnh. Bù lại thứ chúng ta nhận được chính là khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ cùng nhiều loại thảo dược quý hiếm. Trên đỉnh cao nhất của Lùng Cúng còn có một bãi đất phẳng 1ha với view siêu đẹp nhìn ra cảnh thung lũng Lùng Cúng, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải)…
Đại dương mây trên đỉnh Lùng Cúng
12 Nam Kang Ho Tao
Độ cao so với mực nước biển: 2.881m
Vị trí: Văn Bàn, Lào Cai
Cung trekking tại đây được đánh giá là gian nan bậc nhất Tây Bắc bởi địa hình phức tạp và cần vượt qua nhiều vách đá trơn trượt, dựng đứng. Thậm chí nhiều chỗ còn không có dây bảo hiểm, phải trườn cả người và bám bằng tứ chi mới vượt qua đường. Đoạn băng rừng trên núi Nam Kang Ho Tao được đánh giá mất sức và “hành xác” nhất khi khung cảnh giống như mê cung không lối ra, đường mòn na ná nhau không rõ rệt.
Nam Kang Ho Tao là một trong các đỉnh núi cao nhất Việt Nam và hiểm địa hàng đầuTây Bắc. Ảnh: Nguyễn Hạnh Hà My
Trong số các đỉnh núi cao nhất Việt Nam có những đỉnh dễ leo, những cung thì khó nhằn không nên thử sức khi mới bắt đầu. Bạn nhớ tìm hiểu thật kỹ thông tin và lượng sức để có được trải nghiệm an toàn, hấp dẫn nhất nhé.