Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến như một nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa dân tộc kể từ thời vua Hùng cho đến nay, được đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế yêu thích. Không chỉ ngắm nhìn các hiện vật và hiểu thêm về lịch sử, địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn này còn hứa hẹn sẽ mang đến những phút giây chiêm nghiệm ý nghĩa.
1 Lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: 8h00 – 11h30 AM, 1h00 – 5h00 PM từ thứ Ba đến Chủ nhật hằng tuần
Điện thoại liên hệ: 028 3829 0268
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thành lập năm 1929 là một bảo tàng đầu tiên của miền Nam. Trước đây bảo tàng chính là Bảo tàng Blanchard de la Brosse (tên của viên thống đốc Nam Kỳ), đến năm 1956 đổi tên thành Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam và trưng bày mỹ thuật cổ một số nước ở châu Á.
Ngày 23/8/1979 đánh dấu mốc quyết định trong lịch sử hình thành và phát triển bảo tàng khi chính thức được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 235QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, tòa nhà bên trong khuôn viên bảo tàng được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu khoảng 40.000 hiện vật độc đáo và quý báu, giới thiệu về lịch sử – văn hóa nước ta từ thời nguyên thủy cho đến năm 1945. Nơi đây cũng là địa điểm công tác của nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thành lập năm 1929. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng vẫn thường tiến hành bảo trì các hiện vật. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
2 Hướng dẫn di chuyển đến Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Bởi Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nằm ngay trung tâm thành phố nên việc tìm đường di chuyển đến đây cũng khá dễ dàng. Cụ thể chúng ta có thể di chuyển bằng xe máy theo tuyến đường Hàm Nghi, tới bến Bạch Đằng thì rẽ trái về Tôn Đức Thắng. Chạy theo đường Tôn Đức Thắng, đến ngã tư Lê Duẩn thì rẽ phải, tiếp tục chạy thẳng Lê Duẩn đến đoạn giao nhau với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sẽ thấy bảo tàng nằm sát bên Thảo Cầm Viên. Nếu đi bằng xe bus thì có những chuyến số 52, 06, 14, 19, 45, 30, 56… có trạm dừng gần bảo tàng.
Khách tham quan thích thú khám phá những hiện vật lịch sử. Ảnh: Mèo Du Ký
Ánh sáng được bố trí tốt trong bảo tàng. Ảnh: Mèo Du Ký
3 Giá vé tham quan và nội quy tại bảo tàng
3.1 Giá vé Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Giá vé vào cổng thông thường: 30.000đ/người.
Trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt, người có sổ hộ nghèo: Miễn phí vé.
Trẻ em dưới 16 tuổi, học sinh – sinh viên, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, trường hợp đặc biệt (anh hùng lao động, người có công với cách mạng…): Giảm 50% vé.
Ngoài ra, nếu bạn muốn đăng ký thuyết minh thì Blogdulich.edu.vn mách nhỏ hãy gọi điện về số 028 3829 0268 để biết thêm chi tiết nhé.
Bản đồ các khu vực bên trong Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Chú thích chi tiết của các khu vực trưng bày. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
3.2 Nội quy tham quan tại bảo tàng
– Ăn mặc chỉnh tề và lịch sự khi đến Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tham quan.
– Không mang theo đồ dễ cháy nổ, vũ khí, không xả rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
– Không mang theo đồ ăn, thức uống vào bên trong, giữ gìn vệ sinh và không gây tiếng ồn lớn.
– Không chạm vào hiện vật hay những thiết bị lịch sử, không tự ý vào những phòng không được phép tham quan.
4 Không gian trưng bày thường xuyên trong Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
4.1 Lịch sử Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn
Phòng 1 – Thời Nguyên thủy (Cách nay khoảng 500.000 năm – 2.879 Tr. CN): Trưng bày những phát hiện khảo cổ về răng người tại các hang ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), công cụ thô sơ bằng đá với vết chế tác của người nguyên thủy tại núi Nuông (Thanh Hóa), núi Đất (Đồng Nai)… đều chứng tỏ sự sinh sống của loài người trên sắp cả nước từ cách đây 500.000 năm.
Các công cụ đá mài, những mảnh gốm thô cho thấy cư dân cổ Việt Nam đang chuyển từ cuộc sống thu lượm sang sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Phòng 2 – Thời Dựng nước và Giữ nước (2.879 Tr. CN – 938): Đây là thời kỳ hình thành nền tảng văn hóa của Việt Nam. Từ cuối thời đại đồng thau – cuối thời đại đồ sắt (thế kỷ VIII TCN – thế kỷ II) nước ta đã lần lượt xuất hiện 3 nền văn hóa với những nhà nước sớm là: Văn Lang – Âu Lạc (văn hóa Đông Sơn), nước Lâm Ấp tiền thân của Champa (văn hóa Sa Huỳnh) và vương quốc Phù Nam (văn hóa Óc Eo).
Phòng 3 – Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê (939 – 1009): Sau trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền lên ngôi và lập ra triều Ngô. Sau khi Ngô Quyền mất nước ta lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân, được Đinh Bộ Lĩnh tái thống nhất năm 968.
Tiếp nối triều Đinh, Lê Hoàn lên ngôi vua và lập ra triều Tiền Lê năm 981. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Phòng 4 – Thời Lý (1009 – 1225): Không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tái hiện lại một triều đại thịnh vượng với nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực như văn hóa, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị. Những món đồ như đĩa, ấm, khối hoa sen, liễn… mang những chi tiết đậm nét thời nhà Lý từng tồn tại 200 năm trong lịch sử.
Phòng 5 – Thời Trần – Hồ (1226 – 1407): Phòng thuyết minh về thời nhà Trần phát triển mạnh mẽ và tiếp thu giá trị từ nhà Lý, phát triển nghệ thuật mạnh và chữ Nôm bắt đầu được sử dụng trong văn học.
Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 chấn động thế giới. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Phòng 9 – Thời Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng (1428 – 1788): Đại Việt rơi vào tay thống trị của phương Bắc sau sự thất bại của Hồ Quý Ly trước quân Minh. Tuy nhiên sức mạnh của khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã giành lại chủ quyền cho dân tộc. Thời nhà Lê diễn ra nhiều cuộc khẩn hoang, ban hành chính sách kinh tế – xã hội mới… Đến năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt ngôi gây khủng hoảng chia cắt khắp cả nước. Thời gian này ghi dấu ấn chữ Quốc ngữ ra đời.
Phòng 10 – Thời Tây Sơn (1771 – 1802): Khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771 huy động đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, lật đổ chúa Nguyễn, đánh đuổi quân Xiêm, chấn hung văn hóa và cải cách đất nước. Một số đồng tiền bạn có thể tìm thấy tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh trong không gian trưng bày này là: Tiền ”Cảnh Thịnh Thông Bảo”, tiền ”Thái Đức Thông Bảo” và tiền ”Quang Trung Thông Bảo”.
Phòng 12 – Thời Nguyễn (1802 – 1945): Không gian trưng bày thời Nguyễn thuyết minh cho một triều đại có nỗ lực củng cố chính quyền thống nhất, đẩy mạnh khẩn hoang, phát triển văn hóa nhưng không duy tân được đất nước, nhanh chóng đầu hang khi bị thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1883 nhân dân ta đã tiến hành đấu tranh nhiều mặt để đánh đuổi ngoại xâm. Năm 1930 thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương và thực hiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Hộp đựng sắc phong làm bằng gỗ phủ sơn thời Nguyễn. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
4.2 Văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam và một số nước Châu Á
Phòng 6 – Văn hóa Champa (Thế kỷ 2 – 17): Hiện tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Chăm Pa lớn nhất trên thế giới. Nổi bật nhất chính là bức tượng Devi Hương Quế.
Tượng người múa từ thế kỷ thứ 10. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Phòng 7 – Văn hóa Óc Eo (Thế kỷ 1 – 7): Nghệ thuật nền văn hóa Óc Eo đạt tới trình độ tinh tế với nhiều đồ trang sức làm bằng vàng, đồng, thiếc, đá bán quý và hạt thủy tinh.
Phòng 8 – Điêu khắc đá Campuchia (Thế kỷ 9 – 13): Thế kỷ 10 đến 13 là thời kỳ thịnh vượng của Campuchia, chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc đá của họ trong Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh bạn sẽ thấy được sự kết hợp giữa Phật giáo, Bà la môn giáo.
Phòng 13 – Sưu tập Dương Hà: Bộ sưu tập lớn do hai vợ chồng Giáo sư Dương Minh Thới và bà Hà Thị Ngọc dày công sưu tầm vào những năm 30-40 của thế kỷ 20.
Hộp đựng đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng xuất hiện từ Đầu thế kỷ 20
Phòng 14 – Gốm một số nước Châu Á: Những hiện vật gốm của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh được trưng bày bao gồm những loại gốm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Phòng 16 – Sưu tập Vương Hồng Sển: Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (1902 – 1996) rất nổi tiếng ở miền Nam với hơn 800 cổ vật được phát hiện dưới tay ông. Phòng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu các loại hiện vật bằng nhiều chất liệu của Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp sản xuất từ thế kỷ 10 – 14.
Bộ sưu tập giá trị của Vương Hồng Sển. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
4.3 Súng thần công ở khu vực ngoài trời
Khẩu súng thần công ra đời vào khoảng thế kỷ 18 – 19 nằm ở khuôn viên ngoài trời Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Loại súng này có kích thước lớn, đúc bằng đồng, sắt hoặc gang và sử dụng đạn là những quả cầu đặc làm bằng gang hoặc sắt, có hiệu quả sát thương cao.
Khẩu thần công được trưng bày ngoài trời. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Một ngày dạo quanh Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa chúng ta đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá khứ, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa, nghệ thuật và khoa học – kỹ thuật. Đừng bỏ qua điểm đến này trong cẩm nang du lịch của mình nếu bạn muốn có được một ngày tận hưởng trọn vẹn những món quà tri thức lịch sử – văn hóa vô giá.