Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tọa lạc ở vị trí đắc địa của thành phố Hồ Chí Minh, ngày nay được biết đến như một địa điểm tham quan quen thuộc với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là với các chị em phụ nữ.
1 Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ – Giữ gìn và tôn vinh giá trị của phái đẹp
Địa chỉ: 200-202 Đường Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84.8) 39.327.130 – (84.8) 39.320.785
Email: bt.pnnb.svhtt@tphcm.gov.vn
Website: baotangphunu.com
Giờ tham quan: Mở cửa 07h30 – Đóng cửa 17h00
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra đời ngày 29/04/1985, tiền thân là Nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ được xây dựng với tâm nguyện của những thế hệ phụ nữ đi trước nhằm giữ gìn, giáo dục truyền thống yêu nước, các giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cho những thế hệ sau. Tổng diện tích sàn khối nhà trưng bày lên đến 3.699m2 cùng diện tích sàn kho kiểm kê bảo quản phục vụ nghiên cứu là 2.933,33m2 khá lớn, trưng bày 27 chuyên đề cố định cùng nhiều chuyên đề lưu động khác về lịch sử chống ngoại xâm và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc của phụ nữ miền Nam.
Tính đến tháng 6/2022 bảo tàng đã quản lý đến 44.108 hiện vật và tài liệu khoa học. Bên cạnh đó thư viện của bảo tàng còn chứa hơn 12.000 đầu sách chuyên đề phụ nữ cùng hàng ngàn sách báo, tạp chí. Trung bình mỗi năm, thống kê của bảo tàng ghi nhận được khoảng 100.000 lượt khách tham quan, đông đảo nhất là từ các tỉnh thành phía Nam.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra đời ngày 29/04/1985
Hoa hậu Thùy Tiên trao tặng 4 bộ trang phục từng trình diễn tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 cho bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
2 Hướng dẫn di chuyển đến bảo tàng
Vì tọa lạc ngay trung tâm thành phố nên du khách muốn di chuyển đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng không quá khó khăn. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy, xe ô tô thì bạn hãy chạy về phía cuối đường Võ Thị Sáu, bảo tàng nằm ngay bên đường. Còn nếu đi xe bus thì Blogdulich.edu.vn mách bạn có những tuyến số 04, 30, 54, 91, 150, 152 dừng chân tại bảo tàng.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tọa lạc ngay trung tâm thành phố thu hút đông đảo khách tham quan
3 Nét đặc sắc thu hút khách tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
3.1 Bộ sưu tập áo dài phụ nữ Việt Nam
Áo dài qua suốt nhiều năm phát triển đã trở thành trang phục mang đậm dấu dân văn hóa, cũng như không ngừng cải tiến mang đến một giá trị thẩm mỹ cao. Bộ sưu tập áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có đến 65 hiện vật, giúp khách tham quan có được những thông tin tổng thể, sát sao nhất về tiến trình chuyển mình và biến đổi của áo dài qua các thời kỳ.
Bộ sưu tập áo dài lớn và độc đáo tại Việt Nam
3.2 Bộ sưu tập trang phục phụ nữ các dân tộc ở miền Nam
Mỗi dân tộc ở miền Nam lại mang một quan niệm thẩm mỹ, đặc trưng giao tiếp văn hóa, tâm lý… khác nhau tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Bên cạnh cư dân người Kinh thì ở miền Nam còn có người Hoa, Chăm, Kh’mer, Tà Oâi, BaNa… cùng sinh sống. Tổng cộng 600 hiện vật trong bộ sưu tập “Trang phục phụ nữ các dân tộc ở miền Nam” được giới thiệu vừa giúp đề cao vai trò của người phụ nữ, vừa thẩm định lại những giá trị văn hóa, kỹ thuật và thẩm mỹ trong quá trình chế tác.
3.3 Bộ sưu tập tư liệu và hình ảnh Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam
Ngay từ những năm 1926 – 1927 tại Nam Bộ đã có những cơ sở của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập, với sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ như Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Nhỏ, Thái Thị Nhạn… Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 cũng đã ghi rõ “Nam nữ bình quyền”, phụ nữ là một phần quan trọng của cách mạng.
Bộ sưu tập 1.315 tư liệu và hình ảnh tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ mang đến nhiều dữ liệu phong phú về: phong trào phụ nữ những năm đầu thế kỷ XX, trang bị cán bộ Hội thời kỳ kháng chiến… sẽ giúp các chúng ta dễ mường tượng được quá trình trưởng thành và lớn mạnh của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng những đóng góp vào công cuộc kiến thiết đất nước.
3.4 Bộ sưu tập dụng cụ lao động sản xuất tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Sự phát triển kinh tế – xã hội kéo theo biến đổi trong đời sống sinh hoạt, và dù đang sinh sống ở bất cứ đâu thì loài người chúng ta cũng phải lao động, sản xuất, chế biến thức ăn… để sinh tồn. Đó cũng là lý do mỗi dân tộc Việt Nam sẽ có một công cụ lao động khác nhau, mang yếu tố của vùng miền đó. Việc gìn giữ các công cụ cũng được thể hiện rõ nét thông qua bộ sưu tập 350 hiện vật của các phụ nữ người Hoa, Chăm, Khmer… khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên.
3.5 Bộ sưu tập bình vôi và dụng cụ ăn trầu
Như câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” của ông bà ta, phong tục này từ bao đời đã được xem là một giá trị văn hóa đậm tính triết lý. Miếng trầu giúp mọi người gần gũi và cởi mở với nhau hơn, nhà giàu thời xưa còn có cáp đựng trầu, khay trầu sơn son thiếp vàng. Từ những năm 1988, những hiện vật minh chứng cho phong tục ăn trầu đã được sưu tầm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Với 316 hiện vật hiện tại, chúng ta sẽ được hiểu thêm về chất liệu những bình vôi làm bằng gốm Nam Bộ, bình vôi đồng Chăm Pa, Khmer… âu đựng trầu bằng đồng, dao bổ cau (bằng các chất liệu như sừng, xương, vỏ ốc)…
3.6 Bộ sưu tập nghề và làng nghề truyền thống ở miền Nam
Phụ nữ thường đóng vai trò chủ đạo trong những làng nghề truyền thống như: dệt vải, đan lát, nhuộm vải, làm gốm… Qua nhiều nghiên cứu và sưu tầm, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện đang sở hữu 460 hình ảnh và nhiều phim tư liệu về nghề truyền thống miền Nam do phụ nữ đảm nhiệm.
Nghề dệt và nhuộm vải được tái hiện trong không gian phòng trưng bày
3.7 Bộ sưu tập tiền
Tiền đóng vai trò vô cùng quan trọng ở bất cứ quốc gia nào, và mỗi triều đại phong kiến ở nước ta đều có những đồng tiền khác nhau. Đó là tiền đúc bằng đồng, kẽm, nhôm, sắt, hay tiền giấy xuất hiện trong thời gian ngắn vào thời nhà Hồ. Đến với bộ sưu tập tiền của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ bạn sẽ được chiêm ngưỡng 650 tờ tiền Bác Hồ Nam Bộ và tiền Đông Dương (Pháp) có dấu Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ từ 23 tỉnh thành như Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho… Có tờ bạc chỉ lưu thông trong khu vực hạn chế của những tỉnh Long Châu Sa (hiện không còn tên trên bản đồ hành chính Việt Nam).
3.8 Bộ sưu tập chóe
Chóe rượu là nơi gửi gắm tâm tình, lời thỉnh cầu, ước nguyện… đến các vị thần linh khi nhắm rượu hoặc gieo rượu vào khoảng không ở Tây Nguyên. Hơn nữa đồng bào dân tộc cũng xem chóe là tài sản thể hiện độ sung túc ấm no của mỗi gia đình, và quyền nắm giữ những chiếc chóe ấy cũng rơi vào tay các chị em. Bộ sưu tập 107 chiếc chóe ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hy vọng sẽ mang đến cho khách tham quan một cái nhìn tổng quát về văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk…
3.9 Bộ sưu tập cồng chiêng Tây nguyên
Văn hóa cồng chiêng nổi tiếng bao đời nay và gắn liền với nền văn hóa đồng thau từ cách đây khoảng 3.000 năm. Không chỉ là nhạc cụ mà cồng chiêng còn là loại hình văn hóa – lịch sử đặc sắc của những dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Để hiểu được tầm quan trọng của nó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ giới thiệu đến khách tham quan 144 chiếc cồng, 15 bộ trong số đó đã được các chuyên gia thẩm định và đánh giá là hoàn chỉnh.
Trưng bày “Kỷ vật – Ký ức của chiến tranh” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Chuyên đề “Tiếng nói của đất” giới thiệu đến công chúng về nghề làm gốm truyền thống của người Việt tại các tỉnh miền Nam
Không chỉ mang đến không gian giữ gìn di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn tôn vinh giá trị của phái đẹp qua các thời kỳ, xứng đáng là điểm tham quan góp mặt trong cẩm nang du lịch của chúng ta trong hành trình đến với thành phố mang tên Bác.