Đền Trần Nam Định nổi tiếng với lối kiến trúc cổ kính, đậm chất truyền thống Việt Nam và lễ hội xin Ấn linh thiêng để cầu những điều bình an, may mắn.
1 Giới thiệu về đền Trần Nam Định
Địa chỉ: Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Khu di tích đền Trần Nam Định được xây dựng trên nền một Thái miếu cũ từ khoảng năm 1695, nhưng bị quân Minh tàn phá nên hư hại nghiêm trọng. Về sau, đền mới được khôi phục và tôn tạo lại cho khang trang, chỉnh chu hơn, trở thành nơi thờ tự 14 vị vua của triều Trần và các quan tướng phò tá.
Đền Trần Nam Định xây dựng với kiểu cổng Tam quan quen thuộc của các công trình đền chùa truyền thống Việt Nam
2 Lịch sử đền Trần Nam Định
Theo sử sách ghi lại thì nền Thái miếu cũ tiền thân của đền Trần là Phủ Thiên Trường, được biết đến là “kinh đô thứ 2” của hoàng đế nước Đại Việt, chỉ đứng sau Thăng Long. Năm 1258 khi quân Nguyên Mông tiến vào xâm lược nước ta, quân và dân nhà Trần đã rút khỏi Thăng Long để thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, lui về Phủ Thiên Trường trú ẩn.
Tại đây, vua Trần Thái Tông đã tổ chức tiệc chiêu đãi và phong tước hầu cho những tướng tài có công giết giặc vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch. Đồng thời nghi thức khai ấn được diễn ra để mở đầu cho năm mới, cúng tế các bậc tổ tiên và cầu bình an, may mắn. Vì vậy nên đến tận ngày nay, hàng năm nghi thức Khai ấn đền Trần vẫn được tái hiện lại với những nghi lễ trang trọng, thu hút đông đảo khách thập phương đổ về.
Đền Trần thu hút rất đông khách thập phương đến tham quan, chiêm bái
3 Giờ mở cửa và giá vé vào tham quan đền Trần Nam Định
Giờ mở cửa đền Trần là 06h30 – 18h00 tất cả các ngày trong tuần. Riêng với những ngày lễ hội tại đền thì thời gian mở cửa sẽ có sự thay đổi, thông thường sẽ sớm hơn để đón tiếp khách thập phương một cách chu đáo nhất.
Đền Trần mở cửa đón khách hoàn toàn miễn phí, bạn không cần phải mua vé. Nếu đến đây bằng phương tiện cá nhân thì bạn chỉ mất một khoản từ 10.000đ – 20.000 VND để gửi xe.
Đền Trần Nam Định mở cửa đón khách hoàn toàn miễn phí
4 Hướng dẫn di chuyển đến đền Trần Nam Định
Dưới đây là một số các gợi ý từ Blogdulich.edu.vn để bạn có thể dễ dàng lựa chọn được phương thức di chuyển đến đền Trần Nam Định:
– Máy bay: Với những bạn từ những tỉnh xa (miền Trung, miền Nam) thì bạn nên mua vé máy bay ra sân bay Nội Bài, Hà Nội. Sau đó, bạn có thể tham khảo đi xe khách hoặc thuê xe máy để tới đền Trần.
– Xe khách: Đây là phương tiện rất phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Khoảng cách từ Hà Nội đến thành phố Nam Định khoảng 90km, bạn sẽ mất hơn 2 tiếng di chuyển. Có nhiều nhà xe khai thác tuyến đường này như Đức Mỡi, Việt Linh, Hải Châu…
– Xe máy: Vì vị trí gần Hà Nội nên rất nhiều nhóm bạn trẻ thích đi xe máy đến Nam Định. Đường đi khá dễ nhưng bạn vẫn nên đi nhóm đông người để đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng luật Giao thông Đường bộ.
5 Khám phá nét đẹp kiến trúc cổ kính tại đền Trần Nam Định
Khuôn viên đền Trần bao gồm 3 ngôi đền nhỏ là đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa.
5.1 Đền Thiên Trường
Đền Thiên Trường nằm ở vị trí trung tâm của khu du lịch Đền Trần nên còn được gọi là đền Thượng. Nền móng cũ của công trình này là nơi thờ tự gia tộc, đồng thời cũng là chốn sinh hoạt, làm việc của các Thái thượng hoàng nhà Trần. Vì vậy nên kiến trúc đền Thiên Trường được xây dựng rất cổ kính, trang nghiêm với nền gạch, gỗ lim, phần mái lợp ngói đỏ.
Đền Thiên Trường có 9 toà và 31 gian. Những gian quan trọng nhất trong đó là tiền đường, trung đường, thiêu hương, các dãy tả hữu, dãy giải vũ…
– Tiền đường: Đây là nơi thờ các quan phù tá dưới triều đại nhà Trần bao gồm 5 gian, chiều dài 13m với 12 cột cái, 12 cột quân. Bên trong tiền đường đặt các bệ bằng đá chạm khắc hình cánh sen vô cùng tỉ mỉ và tinh xảo.
– Trung đường: Là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần, trước cửa đặt 3 cỗ ngai biểu tượng cho sức mạnh, vị trí tối thượng của vua chúa thời xưa.
– Chính tẩm 3 gian: Gian chính giữa thờ bốn vị thủy tổ nhà Trần cùng các vị chính thất, hai gian trái, phải thì thờ hoàng phi.
– Toà thiêu hương là nơi đặt các ban thờ riêng, tại đây hương khói cho các công thần, quan văn, quan võ có công dưới triều đại nhà Trần.
Đền Thiên Trường xây dựng với sự cổ kính, trang nghiêm
5.2 Đền Cố Trạch
Đền Cố Trạch nằm ở phía Đông của khu di tích đền Trần Nam Định nên thường được gọi là đền Hạ. Tên gọi đền Cố Trạch được ra đời vì dưới thời vua Tự Đức (1868), ở phía Đông đào lên được một mảnh bia vỡ, bên trên khắc dòng chữ “Hưng Đạo thân vương cố trạch”. Vì vậy nên đến năm 1895, khi xây dựng xong thì tên Cố Trạch Từ đã được đặt là tên cho ngôi đền này.
Không gian đền Cố Trạch rất yên tĩnh, bình lặng
5.3 Đền Trùng Hoa
Đền Trùng Hoa được xây dựng vào năm 2000 trên nền cũ là cung Trùng Hoa ở phía Tây của khu di tích Đền Trần. Tòa trung đường và chính tẩm của đền đặt 14 pho tượng đúc bằng đồng, tượng trưng cho 14 vị hoàng đế của nhà Trần. Còn tòa thiêu hương của đền Trùng Hoa thì đặt ngai vàng và các bài vị thờ quan tướng văn võ.
Đền Trung Hoa đặt các bức tượng đồng của 14 vị hoàng đế của nhà Trần
6 Tham gia các lễ hội tại đền Trần Nam Định
Hàng năm, tại đền Trần Nam Định sẽ tổ chức hai lễ hội lớn để thể hiện lòng biết ơn với công đức và đóng góp to lớn của các vị vua nhà Trần. Lễ khai Ấn được tổ chức vào tháng Giêng và hội đền Trần tổ chức vào tháng Tám.
6.1 Lễ khai Ấn
Lễ khai Ấn được tổ chức vào hai ngày là 14 và 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Tối ngày 14 sẽ diễn ra các nghi thức rước hòm, bên trong chứa Ấn được rước từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường.
Đúng giờ Tý (1h sáng ngày 15) thì Lễ khai Ấn được chính thức diễn ra. Sau khi Ấn đã mở thì mọi người sẽ vào đền để cúng tế, sau đó xin một lá Ấn để cầu nguyện những điều may mắn cho năm mới, công thành danh toại, hạnh phúc bình an.
Lễ Khai Ấn là lễ hội quan trọng bậc nhất tại Nam Định
6.2 Hội đền Trần Nam Định
Hội đền Trần tổ chức trong 5 ngày, từ 15 đến 20 tháng 8 Âm lịch. Khuôn khổ lễ hội sẽ bao gồm các nghi thức như rước kiệu, rước nước, dâng hương… Tới phần Hội sẽ náo nhiệt hơn với các hoạt động văn hóa dân gian như hát văn, chơi cờ thẻ, diễn võ, múa lân, đấu vật, đi cầu kiều…
Hội đền Trần Nam Định với các tiết mục ấn tượng
7 Những lưu ý khi tham quan đền Trần Nam Định
Dưới đây là một số lưu ý khi bạn đến tham quan đền Trần Nam Định:
– Đây là nơi thờ cúng linh thiêng nên bạn cần chọn trang phục lịch sự, chỉn chu, không mặc đồ quá ngắn, hở hang, phản cảm.
– Trong quá trình tham quan, bạn cần giữ thái độ tôn trọng, không cười nói lớn tiếng, không tự ý chạm vào các hiện vật, đồ trưng bày.
– Nếu đến đền Trần Nam Định vào các dịp lễ hội thì bạn cần phải bảo quản kỹ lưỡng tư trang, tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng trộm cắp.
– Ngoài dịp lễ hội thì ngày rằm và mồng 1 Âm lịch, bạn cũng có thể đến đây để dâng hương và cầu an.
Trên đây là những thông tin về đền Trần Nam Định mà cẩm nang du lịch muốn mang đến cho bạn. Chúc bạn có chuyến đi an toàn, thuận lợi, khám phá trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính của di tích này nhé. Đừng quên theo dõi Blogdulich.edu.vn để khám phá thêm nhiều địa danh nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc nhé.