Những ai có dịp đến Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo mới có thể cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Nếu muốn hiểu rõ hơn về giai đoạn đầy đau thương, mất mát của dân tộc, đừng bỏ qua cơ hội viếng thăm di tích lịch sử này trong hành trình du lịch Côn Đảo sắp tới.
1 Định vị chính xác vị trí của Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo
Địa chỉ: đường Nguyễn Chí Thanh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần, từ 8h đến 18h
Là một phần của Nhà tù Côn Đảo, Khu di tích chuồng cọp là nơi giam cần, tra tấn tù nhân một cách dã man và bạo tàng bậc nhất tại đây. Chẳng ai có thể đưa ra được con số chính xác bao nhiêu tù nhân đã bị hành hạ bằng những đòn tra tấn dã man, cũng chẳng ai dám ước lượng chính xác bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất Mẹ vì chính các cực hình nơi Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo. Dường như mỗi lần đến đây, nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy toàn đau thương, mất mát…
Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo là một phần trong hệ thống Nhà tù Côn Đảo nổi tiếng là “địa ngục trần gian” thời bấy giờ
2 Thời điểm lý tưởng để bạn ghé thăm Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo
Theo nhiều bạn từng có dịp đến Côn Đảo và chia sẻ cùng chuyên mục Cẩm nang du lịch của Blogdulich.edu.vn, thời điểm lý tưởng nhất để bạn ghé thăm huyện đảo yên bình này rơi vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đây là lúc Côn Đảo bắt đầu bước vào mùa khô, thời tiết trong ngày khá thoáng đãng, không mưa, rất mát mẻ với các cơn gió từ khơi xa thổi vào, mang theo dư vị mặn mòi đặc trưng của biển khơi. Nếu muốn khám phá huyện đảo xinh đẹp này, khoảng thời gian mùa khô sẽ phù hợp hơn.
Ngược lại, nếu đến Côn Đảo vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, bạn sẽ có thể gặp nhiều trở ngại. Đây là thời điểm Côn Đảo bắt đầu bước vào mùa mưa. Mặc dù lượng mưa không quá nhiều, chỉ kéo dài khoảng độ một tiếng, thế nhưng việc mưa liên tục vài ngày liền sẽ khiến mọi người gặp nhiều khó khăn khi đi tham quan, dạo biển. Tuy khí hậu lúc này tương đối thoáng đãng, dễ chịu hơn nhưng phần nào mang theo những bất tiện. Tùy theo nhu cầu và sở thích cá nhân, bạn có thể cân nhắc thời điểm xuất phát thế nào để phù hợp nhất.
3 Phương tiện thích hợp để bạn lựa chọn khi tham quan Nhà tù Côn Đảo
Tọa lạc ngay tại trung tâm huyện, thế nên bạn có thể dễ dàng ghé đến tham quan di tích lịch sử này bằng xe máy, taxi, xe điện hoặc xe đạp đều được cả.
Nếu muốn chủ động trong việc di chuyển và có thể kết hợp tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng khác tại địa phương, đồng thời tiết kiệm chi phí trong việc đi lại, xe máy sẽ là lựa chọn phù hợp. Tại Côn Đảo hiện nay có nhiều các cửa hàng cho thuê xe máy với mức giá phải chăng, dao động từ 120.000 VND đến 150.000 VND / ngày tùy theo loại xe mà bạn chọn, có thể là xe số hoặc tay ga. Nếu muốn tìm một địa điểm thuê xe máy uy tín tại địa phương, bạn có thể tham khảo list mà Blogdulich.edu.vn gợi ý ngay bên dưới nhé:
Cửa hàng thuê xe Mộng Trinh, 36 Nguyễn Huệ, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – SĐT liên hệ: 0915 080 827
Cửa hàng thuê xe Phúc Tường, 34 Tôn Đức Thắng, K4, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – SĐT liên hệ: 0195 643 079
Cửa hàng thuê xe Chị Liên, 03 Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – SĐT liên hệ: 0919 432 559
Có một điều bạn nên lưu ý, nếu muốn thuê xe máy làm phương tiện đồng hành chính, vậy thì bạn nên đổ đầy bình xăng trước khi bắt đầu hành trình khám phá trong ngày mới. Bởi vì hiện tại ở khu vực trung tâm huyện đảo này chỉ có vỏn vẹn 2 cây xăng mà thôi.
Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể đi theo lộ trình như sau: Phan Chu Trinh – Nguyễn Chí Thanh / Võ Thị Sáu là sẽ đến được Khu di tích chuồng cọp nằm ở bên trong Nhà tù Côn Đảo.
Ngoài ra, nếu muốn tiết kiệm thời gian và có thể dễ dàng ngắm nhìn cảnh đẹp dọc hai bên đường, vậy thì taxi hoặc xe điện có thể là phương tiện phù hợp dành cho bạn đó. Những hãng taxi phổ biến nhất tại Côn Đảo có thể kể đến như: taxi Mai Linh Côn Đảo (SĐT liên hệ: 0254 3 850 850), taxi Côn Sơn (SĐT liên hệ: 0254 3 908 908), taxi Thu Tâm Côn Đảo (SĐT liên hệ: 0254 3 630 036), v.v. Lưu ngay những cái tên này vào cuốn sổ tay Cẩm nang du lịch để có cho mình thêm nhiều lựa chọn bạn nhé.
4 Những điều có thể bạn chưa biết về Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo
4.1 Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo kiểu Pháp
Được xây dựng từ năm 1940, Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo được làm hai kiểu, bao gồm chuồng cọp kiểu Pháp và kiểu Mỹ. Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo kiểu Pháp có diện tích 5.477m2 gồm hai khu riêng biệt. Khu đầu tiên gồm 60 phòng với phía trên được lắp đặt một dàn song sắt kiên cố. Tại các khu giam giữ này, ở đâu cũng có gác ngục kiểm soát tù nhân, tránh họ biểu tình hoặc nổi dậy. Trong khi đó, khu còn lại là 60 phòng không có mái che, được chia làm 4 dãy và bố trí đan xen, được gọi là “Phòng tắm nắng”.
Tại Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo không có cổng chính, chỉ có một lối nhỏ thông sang Banh III phụ, hay còn gọi là tại Phú Tường và Banh III, còn có tên khác là trại Phú Thọ. Các lối này thường được che giấu mỗi khi có đoàn khách đến Côn Đảo trong giai đoạn này. Vì lý do này nên Pháp đã có thể giấu kín khu biệt giam này trong suốt 30 năm.
Mỗi buồng giam ở Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo được Thực dân Pháp xây dựng có diện tích 1,5m x 2,7m, hoàn toàn không có giường ngủ. Mỗi buồng có thể giam từ 5 đến 12 người, mỗi người sẽ bị còng chân vào một thanh sắt và việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều diễn ra tại chỗ. Ở phía trên, các cai ngục sẽ mang theo gậy sắt nhọn dài đi dọc khắp hành lang, thấy ai có ý định chống đối sẽ chọc xuống. Ngoài ra, bên trên mỗi buồng đều có một thùng nước bẩn, một thùng vôi bột, nếu tù nhân có ý định phản kháng sẽ rắc vôi bột xuống làm mù mắt. Trong suốt những năm tháng tù đày tại đây, tù nhân phải trải qua nhiều đòn tra tấn tàn khốc như đóng đinh vào tay, chân, đục răng, thậm chí là thiêu sống hoặc chôn sống.
Tàn độc hơn, các cai ngục còn không cho tù nhân ăn muối khiến mắt họ mờ dần, đến khi mù hẳn thì đem giết hoặc úp các thùng phuy lên đầu, gõ mạnh khiến họ đau đầu, thậm chí bị điếc. Ở phòng tắm nắng, người tù sẽ bị phơi nắng, mưa hoặc tra tấn, đánh đập bất kể đêm ngày.
Chuồng cọp kiểu Pháp được xây dựng theo kiểu có song sắt phía trên. Quản ngục sẽ đi trên các dãy hành lang với thanh sắt nhọn, dài để kiểm soát tù nhân không bạo động
Người tù bị giam trong chuồng cọp chỉ có sinh hoạt trong khu vực chật hẹp, bẩn thỉu
Những hình ảnh đau thương nơi chuồng cọp khiến bao người không khỏi bồi hồi
Người tù bị khóa chân vào thanh sắt, mọi sinh hoạt và vệ sinh cá nhân đều diễn ra tại chỗ
4.2 Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo kiểu Mỹ
Khu du tích chuồng cọp kiểu Mỹ được xây dựng vào năm 1971 do các chuyên gia Mỹ thiết kế, hướng đến việc tra tấn tinh thần nhiều hơn. Có diện tích 25.768m2, khu chuồng cọp kiểu Mỹ được chia thành 4 khu với mỗi khu gồm 2 dãy, mỗi dãy là 48 phòng biệt giam. Nếu khu du tích chuồng cọp Côn Đảo kiểu Pháp được xây trong trại Phú Tường thì người Mỹ lại tiến hành xây dựng bên trong khu vực trại giam Phú Bình.
Khác với chuồng cọp kiểu Pháp, phía trên mỗi khu không có hành lang mà được thiết kế mái tôn thấp, trong phòng giam không có bệ nên người tù phải nằm dưới nền nhà. Vào buổi sáng, nắng hắt xuống như thiêu đốt, đêm về lại ẩm ướt, hơi đất xông lên rất bức bối. Những ai không chịu được đòn roi tra tấn của quân thù, khi qua đời sẽ được chôn qua loa tại Nghĩa Trang Hàng Keo Côn Đảo hoặc ở bất kì nơi đâu đó trên chính huyện đảo này. Bấy nhiêu đấy thôi đã đủ nói lên mức độ khốc liệt của chiến tranh trong quá khứ.
Mỹ tiến hành xây dựng chuồng cọp trong Trại giam Phú Bình
Tuy khác chuồng cọp kiểu Pháp, thế nhưng đó chỉ là cách thay đổi để bạo hành, tra tấn người tù cả về mặt thể xác lẫn tinh thần
Khu di tích chuồng cọp Côn Đảo là minh chứng rõ nét nhất cho sự khốc liệt của chiến tranh, đồng thời là bản cáo trạng tội ác của quân thù. Trong hành trình về với huyện đảo xinh đẹp này, phải một lần ghé đến đây bạn mới cảm thấy yêu thêm quê hương và khâm phục ý chí kiên cường, bất khuất của bao thế hệ cha anh. Đừng quên ghé qua thắp một nén hương tưởng nhớ anh linh người anh hùng nơi Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo nữa bạn nhé.