Địa đạo Vịnh Mốc là một công trình quân sự và dân sự nổi tiếng ở Quảng Trị của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm chống lại đế quốc Mỹ. Hãy cùng Blogdulich.edu.vn khám phá giá trị của hệ thống địa đạo này thông qua bài viết sau đây.
1 Địa đạo Vịnh Mốc – Sự tồn tại mang đậm giá trị lịch sử dưới lòng đất
Nhắc đến Quảng Trị là chúng ta sẽ nhớ ngay về mảnh đất đau thương với nhiều bom đạn, đặc biệt là nỗi đau chia cắt dân tộc. Dù những cuộc chiến tranh đã đi qua cả nửa thế kỷ nhưng nỗi đau vẫn luôn còn ở đó, mà minh chứng rõ ràng nhất chính là những di tích lịch sử nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ oanh liệt của Việt Nam. Một trong những địa điểm nổi bật trong số đó có thể kể đến chính là địa đạo Vịnh Mốc của tỉnh Quảng Trị, một công trình kiến trúc kỳ vĩ nằm dưới lòng đất, nơi con dân Vĩnh Linh sinh sống và chiến đấu hết mình chờ đợi ngày thống nhất đất nước.
Địa đạo Vịnh Mốc thuộc địa phận thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng Vịnh Mốc từng bị tàn phá nặng nề dưới sự tấn công của không quân và pháo binh Mỹ, nhưng quân và dân Vĩnh Linh vẫn kiên cường tinh thần giữ nước, quyết tâm chuyển cuộc sống từ trên mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống địa đạo đồ sộ, bám làng để chiến đấu.
Khung cảnh ở dưới hầm của địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: baoquangtri.vn
Khách tham quan đang xuống hầm để ghé thăm địa đạo bên dưới. Ảnh: baoquangtri.vn
Cổng vào bên ngoài của địa đạo tại tỉnh Quảng Trị
Có lẽ chẳng ai ngờ rằng dưới con đường rợp bóng tre xanh mát này là địa đạo đã dung chứa quân dân tại Vịnh Mốc
2 Đặc điểm của địa đạo Vịnh Mốc
2.1 Lịch sử xây dựng địa đạo
Vào những năm 1960, chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã không tiến hành tổng tuyển cử theo như hiệp định Genève, 1954. Mỹ đã ra sức gây chiến với với lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm tấn công các phong trào nổi dậy ở miền Nam. Năm 1965, Mỹ tiến hành sự kiện vịnh Bắc Bộ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, mục tiêu đánh phá chính là Vĩnh Linh. Suốt những năm 1965 – 1972, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với số bom đạn ước tính lên đến nửa triệu tấn, trung bình mỗi người dân địa phương phải gánh chịu đến 7 tấn.
Mô hình căn hộ gia đình có trong địa đạo Vịnh Mốc
2.2 Quá trình xây dựng
Trước đó các địa đạo đã xuất hiện ở vùng Phú Thọ Hòa và Củ Chi. Cuối năm 1963, Vĩnh Linh được Trung ương Cục Đảng Cộng sản Việt Nam gợi ý nên đào địa đạo như Củ Chi để bám đất không rời. Sau đó công trình địa đạo Vịnh Mốc được bắt đầu xây dựng đầu năm 1965 và hoàn thành vào 18/2/1966. Điều đặc biệt mà Blogdulich.edu.vn muốn chỉ ra cho các bạn đọc là vị chỉ huy công trình này lúc bấy giờ học vấn chỉ vừa hết tiểu học.
2.3 Cấu trúc địa đạo Vịnh Mốc
Để đảm bảo ăn ở và sinh hoạt cho hàng trăm con người, dọc theo hai bên đường hầm địa đạo Vịnh Mốc có xây dựng nhiều căn hộ. Ước tính mỗi căn hộ sẽ vừa đủ cho khoảng 3-4 người ở. Trong lòng của địa đạo Vịnh Mốc có tổng cộng 3 giếng nước, 1 hội trường cho 50 người, bệnh xá, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinhm bếp hoàng cầm…
Hai bên trục đường chính cách nhau khoảng 3-5 m được khoét lõm thành một hầm nhỏ để làm nơi sinh hoạt của gia đình. Tổng cộng địa đạo có cấu trúc khoảng 3 tầng. Tầng 1 cách mặt đất từ 12-15 m để làm nơi chiến đấu tạm thời. Tầng 2 sâu 18 m là nơi sinh sống và sinh hoạt của người dân và đóng trụ sở của bộ chỉ huy. Tầng 3 sâu 22 m dùng làm kho chứa hậu cần. Đặc biệt, khách du lịch Quảng Trị khi đến đây có thể thấy ngay cả tầng sâu nhất cũng cao hơn mực nước biển đến đến 3 m nên không phải lo lắng đến vấn đề sinh hoạt vào mùa mưa.
Tổng cộng địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa ra vào, 6 cửa trong số đó thông lên đồi, 7 cửa thông ra biển cùng 3 giếng thông hơi. Bên cạnh đó, các cửa hầm cũng có cột gỗ chống sập, sụt lở và được ngụy trang kín đáo nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề thông thoáng.
Giếng nước sinh hoạt đủ cho tất cả mọi người có thể sinh sống cùng nhau
Một trong số ba giếng nước thông hơi có tại địa đạo này
3 Hành trình khám phá địa đạo Vịnh Mốc
3.1 Tìm hiểu địa đạo Vịnh Mốc
Vừa bước chân vào lòng địa đạo Vịnh Mốc là chúng ta đã có thể cảm nhận được một cảm giác mát lạnh bất ngờ. Hệ thống gió thông thoáng và mát lạnh bên trong đã khiến nhiều khách du lịch Quảng Trị phải ngỡ ngàng. Điều đó cũng có thể hiểu được vì yếu tố thông hơi, thoáng gió đảm bảo an toàn cho hàng trăm người sinh hoạt, chiến đấu phải được đề cao hàng đầu.
Càng đi sâu vào bên trong địa đạo Vịnh Mốc, dưới ánh đèn chiếu sáng bạn có thể thấy được rõ màu đất đỏ huyền thoại nơi đây cũng như sự phân bố chính xác, khoa học của từng khu vực bên trong. Ngoài là một làng hầm chiến đấu đơn thuần thì địa đạo còn đóng vai trò như không gian sống ngầm của dân quân địa phương. Chính tinh thần kiên gan, bất khuất đã khiến họ có khả năng biến lòng đất thành những pháo đài vững chãi có 3 tầng thông nhau.
Theo kinh nghiệm du lịch, địa điểm tham quan này được đánh giá là công trình tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Các địa đạo được bắt đầu từ giếng rồi tỏa ra đường hầm, chạy ngoằn ngoèo theo hình chữ Z để tạo nên những khúc gấp vững chắc, dùng vách đất chặn đường đi của bom đạn nếu chẳng may rơi trúng.
Đường dẫn xuống lòng địa đạo sâu bên dưới
Cửa số 10 ở bên ngoài, một trong những cổng để ra vào di tích
Hầm trú ẩn chữ A đảm bảo an toàn cho người ở bên trong
Giao thông hào của địa đạo Vịnh Mốc
3.2 Ý nghĩa lịch sử của địa đạo
Từ lịch sử chúng ta có thể thấy rõ được thành công của địa đạo Vịnh Mốc, khi mà có đến 17 em bé chào đời và không có ai bị thương trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại. Đây là dấu ấn như một sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người. Ngoài ra trong khoảng thời gian bấy giờ, quân dân Vịnh Mốc đã vừa dùng địa đạo làm nơi trú ẩn, tránh bom; đồng thời cũng sử dụng để đánh địch, cứu chữa thương binh ngay trên quê hương. Đặc biệt còn có đến hàng trăm chiếc thuyền cảm tử đã di chuyển từ Vịnh Mốc ra biển và chi viện cho đảo Cồn Cỏ.
Bằng những giá trị lịch sử to lớn của mình, địa đạo Vịnh Mốc đã được đặc cách công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia bởi Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch). Tiếp đó, đến năm 2014 địa đạo lại được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn thuộc tuyến Quảng Trị DMZ (khu vực phi quân sự) thu hút đông đảo người đến tham quan, tìm hiểu.
Đặc biệt, Blogdulich.edu.vn mách bạn có thể đến bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc thuộc khuôn viên di tích để xem những chứng tích chiến tranh nổi bật. Đặc biệt ở đây còn có bức tranh To Be Or Not To Be (Tồn tại hay không tồn tại) nổi tiếng.
Địa đạo Vịnh Mốc, một công trình độc đáo thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành một địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước sinh động cho các thế hệ trẻ. Nếu chỉ nghe qua những kỳ tích của địa đạo bạn sẽ không thể nào hiểu được hết về cuộc sống gian lao cũng như tấm lòng gian lao của quân dân Vịnh Mốc để giành độc lập tự do cho dân tộc.
Khách tham quan thích thú lắng nghe thuyết minh tại Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Nhà trưng bày nằm cách khu vực địa đạo Vịnh Mốc không xa
Bức tranh nổi tiếng To Be Or Not To Be hiện đang được trưng bày trong bảo tàng
Bom đạn còn sót lại cũng đang được trưng bày tại đây
Hố bom ở khu vực Vịnh Mốc, địa điểm để chúng ta tưởng nhớ về một thời đau thương trong quá khứ
Có thể xem địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là chứng nhân của sức mạnh và tinh thần bất khuất của dân tộc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hy vọng với những thông tin hữu ích đã được Blogdulich.edu.vn cung cấp sẽ giúp bạn chuẩn bị đủ hành trang trong balo để đến với một trong những di tích lịch sử có ý nghĩa tiêu biểu của dân tộc ta này.