Lễ hội Tràng An không chỉ là một lễ hội địa phương của Ninh Bình, mà còn lan rộng ra và có tầm quan trọng như một Quốc lễ với sự tham gia của các Nguyên thủ Quốc gia, và bạn bè Quốc tế. Cứ đến 18/3 âm lịch hàng năm, mọi người sẽ quy tụ về Ninh Bình để tham dự lễ hội đặc sắc này.
1 Tràng An – Quần thể di sản kép đầu tiên của Đông Nam Á
Tràng An còn được mệnh danh là một Quần thể Di sản do tổng hợp được rất nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình như Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính với nhiều kỷ lục nhất châu Á, Thung Nắng – Thung Nham, động Thiên Hà, Hang Múa và Hành cung Vũ Lâm. Chính vì thế nên Tràng An có diện tích cực kỳ ấn tượng lên đến 6.172ha với địa hình chủ yếu là đồng ruộng và làng mạc. Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó thì nơi này còn là một di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Tính đến năm 2019, quần thể di thắng Tràng An đã thu hút hàng triệu lượt tham quan khám phá, chủ yếu đến từ du khách địa phương, sau đó là khách quốc tế.
Lễ hội thường sẽ tập trung ở quanh khu vực chùa Bái Đính với bao quanh là núi non trùng điệp
2 Độc đáo Lễ hội Tràng An – Nét văn hóa tín ngưỡng của Ninh Bình
2.1 Tổng hợp thông tin về lễ hội tháng 3 Ninh Bình – Tràng An
Lễ hội Tràng An là một chuỗi các hoạt động văn hóa tín ngưỡng kết hợp du lịch gắn liền với các vị thần núi trong Cố đô Hoa Lư. Người dân Việt sống trong quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình rất sùng bái thiên nhiên vì thế hàng năm vào ngày 18/3 âm lịch lễ hội sẽ được diễn ra. Mục đích chính là để tôn vinh các vị thần Quý Minh, thần Cao Sơn, thần Khổng Lồ trấn trạch Hoa Lư tứ trấn, các vua đầu nhà Trần đã lập ra hành cung Vũ Lâm và tướng lĩnh của thời đại triều Đinh đóng quân ở Tràng An. Lễ hội sẽ kéo dài 3 ngày và điểm đặc biệt nhất chính là phần lễ rước được tổ chức ngay trên sông. Du khách sẽ có cơ hội đắm chìm vào không khí sắc màu, sặc sỡ của lễ hội cũng như tham quan các di tích lịch sử và thắng cảnh hang động, rừng núi, sông nước Tràng An.
Những chiếc thuyền sẽ tập trung quanh khu vực hồ để xem nhiều màn biểu diễn độc đáo, màu sắc
2.2 Ý nghĩa lễ hội Tràng An
Lễ hội Tràng An hay được gọi là lễ hội Đức thánh Quý Minh được tổ chức hàng năm nhằm nhằm tưởng nhớ công đức của Đức thánh Quý Minh Đại Vương, hay còn gọi là Thần Quý Minh. Theo lời truyền miệng của người dân qua bao thế hệ, Quý Minh Đại Vương là một vị tướng dưới thời vua Hùng thứ 18, có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ bờ cõi đất nước. Bên cạnh đó còn giúp đỡ dân lành xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vì thế, người dân xưa rất tôn trọng và sùng bái ông. Ghi nhận được công lao quý báu của ông nên vua Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong ông làm vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Nam của Hoa Lư tứ trấn hay ngày nay còn gọi là Cố đô Hoa Lư. Ngoài Đức thánh Quý Minh Đại Vương, cố đô Hoa Lư có 3 vị thần khác trấn giữ 3 hướng Đông, Tây, Bắc lần lượt là Thần Thiên Tôn, Thần Cao Sơn và Thần Khổng Lồ. Lễ hội Tràng An được coi là nét tín ngưỡng quan trọng của cố đô Ninh Bình vốn được biết đến là vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.
Mỗi chiếc thuyền đều mang một màu sắc riêng. Khi thì vàng, thì đỏ, thì hồng, thì xanh
2.3 Hành trình rước hội
Lễ hội Tràng An sẽ bắt đầu bằng lễ khai mạc với màn biểu diễn tái hiện lại những nếp sống và sinh hoạt thường nhật của những con người dân Việt Nam tại kinh đô Hoa Lư xưa tại sân khấu ngoài trời cạnh trung tâm bến thuyền Tràng An. Tiếp đó, du khách sẽ ngồi du thuyền trôi theo dòng chảy của con sông Sào Khê để đi vào vào khu vực trung tâm của quần thể danh thắng Tràng An để chiêm ngưỡng thêm các màn biểu diễn tái hiện lại một số hoạt động của quân và dân nước Đại Cồ Việt thời xưa với góc nhìn và nội tâm của nhân vật vua Đinh Tiên Hoàng. Tiếp theo đoàn rước và du khách sẽ đi thuyền qua các di tích: đền Trình thờ 2 vị tướng nhà Đinh, hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn và kết thúc tại đền suối Tiên.
Lễ hội với những quả bóng bay thả lên không trung
Điểm đặc sắc nhất của phần lễ hội Tràng An đó chính là lễ rước nước, rước kiệu và rồng trên dòng sông. Lúc này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các trang phục, dụng cụ trình diễn đầy màu sắc, lại nhẹ nhàng, bay bổng như lụa. Phần lễ được tổ chức trang trọng và nghiêm chỉnh với nhiều nghi thức truyền thống để tỏ lòng thành và biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công giữ yên bờ cõi, bảo vệ giang sơn. Ngoài ra, lễ hội vì được tổ chức trên con sông Sào Khê nên không cố định tại một chỗ mà sẽ đi qua nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng của Tràng An như hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn vào đền Suối Tiên và thực hiện lễ tế. Chính vì thế, lễ hội Tràng An cũng là một cơ hội để có thể quảng bá màu sắc văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc, lại vừa khéo léo khoe ra những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, khung cảnh núi non bạt ngàn của đất nước đến với du khách quốc tế.
Màn múa rồng trong lễ rước nước cũng là một tiết mục được chờ đón
Bên cạnh phần lễ thì phần hội của Tràng An cũng là một điểm nhấn mà nhiều người mong đợi. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng và hòa mình vào các tiết mục văn nghệ đặc sắc như múa cồng chiêng, hát chèo, hát xẩm ngay trên thuyền. Biểu diễn trên sân khấu là “xoàng” rồi, bây giờ phải biểu diễn trên chiếc thuyền nhỏ, với người lái đó phía sau sẽ cho bạn những trải nghiệm độc đáo, thú vị. Ngoài ra, hai bên của dòng sông sẽ tổ chức các trò chơi dân gian để du khách có thể tham gia chơi đùa, tận hưởng mọi giây phút.
Đoàn thuyền đi theo trật tự, thẳng hàng thẳng lối với đoàn thuyền rồng đi trước
3Linh đình lễ hội Tràng An qua từng năm
3.1 Lễ hội Tràng An năm 2019
Lễ hội Tràng An năm 2019 diễn ra trong 02 ngày – 21 và 22/4/2019 với chủ đề “Tinh hoa hội tụ trên kinh đô đá”. Lễ hội tái hiện lại chân thật lịch sử Việt Nam qua các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần tại mảnh đất Cố đô Hoa Lư – Căn cứ địa chống giặc ngoại xâm có lối kiến trúc độc đáo lạ mắt với thành là núi, đường là sông và cung điện là hang động. Phần lễ được tổ chức quy mô với hoạt động rước rồng, múa rồng đầy màu sắc trên sông Sào Khê, du khách được chở đến các hang động, đến đền Suối Tiên để chiêm ngưỡng các buổi lễ tế, dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương đặc sắc. Ngoài ra, phần hội còn có nhiều hoạt động nghệ thuật nhằm quảng bá Văn hóa và Thiên nhiên trên vùng đất Di sản thông qua các tiết mục Ca trù, hát Văn, hát Chèo…
Thuyền chở các nhà sư của chùa Bái Đính đi xem lễ hội Tràng An
Chuẩn bị cho tiết mục múa rồng. Anh chàng ngồi giữa hai chiếc thuyền kia chắc cũng gan dạ lắm đây. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Sân khấu hoành tráng tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc tại lễ hội Tràng An 2019
3.2 Lễ hội Tràng An năm 2020 & 2021
Lễ hội Tràng An năm 2020 và 2021 đều không được tổ chức vì dịch Covid-19.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm về lễ hội Tràng An – Một trong những lễ hội lớn bậc nhất của dân tộc. Không chỉ nhắc nhớ chúng ta về tinh thần biết ơn, uống nước nhớ nguồn mà lễ hội còn tạo ra nhiều cơ hội để quảng bá du lịch đến các du khách địa phương và quốc tế. Chính vì thế, nếu có lịch trình tham quan Ninh Bình vào khoảng tháng 3 Âm lịch thì nhớ đừng bỏ qua lễ hội Tràng An nhé!