Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, trong đó có tòa thành cổ Sơn Tây với lối kiến trúc cổ kính độc đáo. Đây là thành trì lớn nhất còn tồn tại ở Hà Nội, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan và khám phá vẻ đẹp lịch sử lâu đời tại đây.
1 Vị trí của Thành cổ Sơn Tây
Từ thủ đô đi theo Quốc lộ 32 khoảng 45km về phía tây, bạn sẽ đến địa phận thị xã Sơn Tây, nơi có một khu vực thành cổ kiên cố có niên đại lên đến gần 200 năm với kiến trúc độc đáo, đó là Thành cổ Sơn Tây. Thành thuộc địa phận của cả hai làng cổ là Thuận Nghệ và Mai Trai thuộc thị xã Sơn Tây.
Với kiến trúc được xây dựng từ đá ong hiếm có tại Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây là công trình được vua Minh Mạng cho xây dựng đồng thời là một trong những cứ điểm quân sự quan trọng, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long. Ngày nay, thành đã trở thành một khu di tích quốc gia với kiến trúc độc đáo và vững chắc.
Toàn cảnh Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao
2 Kiến trúc của tòa thành đá ong duy nhất còn lại của Việt Nam
2.1 Kiến trúc tổng quan của thành
Qua gần hai thế kỷ với nhiều cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thời gian, thành cổ Sơn Tây đã bị phá hủy phần lớn. Hiện nay, chỉ còn lại dấu tích của một số đoạn tường, cổng thành và một số công trình còn sót lại trong khu vực của thành cổ như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước và hai khẩu súng thần công…
Thành được xây dựng theo hình dạng tứ giác, mỗi cạnh dài khoảng 40m, tường thành cao khoảng 5m, rộng 4m chủ yếu được xây bằng đá ong xếp chồng lên nhau. Có bốn cổng ở các hướng Nam, Bắc, Đông và Tây, lần lượt là các cổng Tiền, Hậu, Tả và Hữu.
Cửa Hữu (cửa Tây) của thành được một cây cổ thụ ôm trọn
Trên mỗi cổng thành có một lầu canh gác (hay còn gọi là vọng lâu) với cầu thang dẫn lên lầu canh ở hai bên. Phía trước mỗi cổng có hai khẩu súng thần công để bảo vệ thành. Hiện nay, chỉ có hai khẩu thần công còn lại ở cổng phía Bắc của thành.
Xung quanh thành cổ Sơn Tây cũng kênh hào bảo vệ như nhiều thành trì khác. Hào có độ sâu khoảng 3m, rộng khoảng 20m và tổng chiều dài khoảng 2km. Hào nối với sông Tích ở phía Tây Nam của thành. Bên ngoài thành còn có La thành được đắp đất theo bốn hướng để bảo vệ thành.
Hào nước rộng bao phủ thành cổ Sơn Tây
Các công trình chính của thành được xây dựng theo trục chính hướng Nam – Bắc với hai cửa trước và sau, gồm các di tích như cột cờ, vọng cung, Đoan môn, hành dinh Kính Thiên và Võ miếu.
2.2 Hành trình khám phá thành cổ
Blogdulich.edu.vn gợi ý bạn nên tham quan thành theo hướng Nam – Bắc, bạn sẽ được trải nghiệm cổng Tiền được bao quanh bởi rễ cây cổ thụ, tỏa bóng mát cả một vùng.
Cổng Tiền cũng được bao phủ bởi rễ cây cổ thụ
Bước vào bên trong thành, bạn sẽ thấy ngay cột cờ cao khoảng 18m, được xây dựng trên hai tầng bệ đá ong vững chắc, có rào chắn xung quanh bệ. Trên thân cột cờ có các lỗ được khắc hình hoa thị và dải quạt để soi sáng bên trong cột cờ. Bên trong là cầu thang xoắn dẫn lên đỉnh cột cờ, từ đây bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực của thành cổ Sơn Tây.
Đoan môn của thành cổ, ngay phía sau là cột cờ của thành
Tiếp theo là Đoan môn nằm thẳng với cột cờ và có 3 cửa: cửa chính lớn ở giữa và hai cửa nhỏ ở hai bên. Đi qua Đoan môn bạn sẽ bắt gặp một khoảng sân rộng được lát gạch sạch sẽ dẫn đến hành dinh Kính Thiên. Đây là địa điểm quan trọng nhất của thành, là nơi vua tiến hành nghị sự với quan lại.
Hành dinh Kính Thiên bên trong thành cổ
Sau đó từ hành dinh Kính Thiên nhìn về hướng Đông là khu trại giam và kho lương của thành. Phía Tây là Võ miếu, nơi ghi danh những anh hùng đã hi sinh để bảo vệ thành. Bên cạnh đó là dinh thự của các quan tỉnh.
3 Những trải nghiệm đặc biệt chỉ có ở Thành cổ Sơn Tây
Ghé thăm địa điểm du lịch nổi tiếng này, bạn sẽ được trải nghiệm một không gian đầy cổ kính và trầm mặc. Bốn mùa tại thành cổ đều xanh mẻ trong lành với những thảm cỏ xanh mát. Mùa xuân những hàng cây cơm nguội thay lá mới và hoa gạo thì rực rỡ sắc đỏ ở khắp nơi. Mùa hè nổi bật với những chùm phượng đỏ rực. Mùa thu thì những tán bồ kết tỏa sắc vàng.
Đặc biệt khi đến thành cổ Sơn Tây vào những ngày đầu xuân với không khí se lạnh, bạn còn có cơ hội ngắm nhìn các loại hoa xuân khoe sắc quanh các bờ hào thành cổ với đủ màu, từ hoa mai, hoa đào, quất cảnh, hoa hồng, hoa lan, ly, đến hoa huệ… tô điểm rực rỡ cả một góc trời.
Nếu bạn muốn trải nghiệm không gian yên bình, cổ kính rêu phong và hoà mình vào thiên nhiên, hãy đến những cây cổ thụ lâu năm với tán lá rộng và rễ cây vươn dài ôm trọn cả tường và cổng thành. Điều này không những mang đến những khoảnh khắc thoải mái tuyệt vời mà còn cho bạn những bức ảnh tuyệt đẹp.
Không gian bên trong thành cổ rêu phong cổ kính, rợp bóng cây xanh, không khí luôn mát mẻ và trong lành
Kết thúc hành trình tham quan thành cổ Sơn Tây, hình ảnh những cây cổ thụ trăm năm tuổi với hàng rễ dài ôm trọn cổng thành rêu phong cổ kính và kiến trúc kiên cố vĩ đại của tòa thành chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng khó quên trong bạn. Đừng quên lưu lại những kỉ niệm đặc biệt tại đây trong chuyến du lịch Hà Nội này bạn nhé!