Huyện Bình Đại Bến Tre từ lâu đã gây ấn tượng với các tín đồ mê xê dịch gần xa bởi những bãi biển tuyệt đẹp, các ngôi đình cổ, vườn cây ăn trái trù phú cùng nền ẩm thực địa phương vô cùng đặc sắc. Chính vì vậy nên nơi đây là một điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành trình du lịch Bến Tre.
Bạn đang đọc: Huyện Bình Đại Bến Tre và các địa danh nức tiếng đất Nam Bộ
1 Giới thiệu vài nét về huyện Bình Đại Bến Tre
Huyện Bình Đại Bến Tre là một trong ba huyện biển nổi tiếng của tỉnh, sở hữu ba vùng sinh thái khác nhau là nước mặn, nước lợ và nước ngọt phù hợp nhiều loại cây trái bốn mùa, cộng thêm nguồn thủy, hải sản cực kỳ phong phú đã tạo nên tiềm năng du lịch vô cùng hấp dẫn. Đến với huyện Bình Đại Bến Tre, bạn không chỉ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ đặc trưng của xứ dừa mà còn có thể thỏa thích tắm biển, vui chơi và hòa mình vào những lễ hội truyền thống nơi đây.
Bên cạnh đó, huyện Bình Đại Bến Tre còn là nơi để bạn khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn kỳ vĩ như rừng bần, rừng đước, rừng phi lao cùng các miệt vườn cây ăn quả, những rẫy dưa hấu, ruộng muối, vuông tôm… và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thường nhật, tìm hiểu bản sắc văn hóa , phong tục tập quán của người dân xứ dừa Bến Tre.
Huyện Bình Đại Bến Tre là một trong những huyện biển nổi tiếng của tỉnh
2 Hướng dẫn đường đi đến huyện Bình Đại Bến Tre
Để đến được huyện Bình Đại Bến Tre từ Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe máy, bạn đi theo tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận về địa phận tỉnh Tiền Giang. Từ đây, bạn tiếp tục đi qua khỏi Cầu Rạch Miễu đến cửa ngõ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre rồi rẽ trái và di chuyển thêm tầm 40km nữa là đến huyện Bình Đại. Hoặc nếu muốn đi xe khách thì bạn có thể tham khảo những nhà xe chạy tuyến bến xe miền Tây đi Bến Tre và về thẳng huyện Bình Đại.
Cung đường dẫn vào địa phận huyện Bình Đại Bến Tre
3 Các địa điểm tham quan nổi tiếng ở huyện Bình Đại
3.1 Bãi biển Thừa Đức – Một trong những bãi biển đẹp nhất tại huyện Bình Đại Bến Tre
Biển Thừa Đức thuộc huyện Bình Đại Bến Tre là một trong những bãi biển tự nhiên vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với bờ cát trắng mịn và hàng dừa xanh ngát rì rào trước gió. Bãi biển này có chiều dài khoảng chừng 8km, nằm cách trung tâm Thành phố Bến Tre hơn 60km đường bộ và sở hữu khí hậu vô cùng trong lành, mát mẻ nên thu hút rất nhiều người đến đây nghỉ dưỡng, tham quan.
Đến với Bãi biển Thừa Đức, bạn không chỉ được tắm mát, vui chơi thỏa thích mà còn có thể thưởng thức vô số hải sản hấp dẫn như nghêu, ốc, sò, cua… và đặc biệt hơn cả là món bánh xèo thơm ngon, đậm đà vị biển. Mặc dù nơi đây không trong vắt, xanh biếc như những bãi biển miền Trung nhưng lại mang một nét đẹp riêng biệt của vùng biển phù sa dễ dàng làm say lòng bất cứ ai.
Bãi biển Thừa Đức với cảnh sắc hoang sơ, yên bình
3.2 Homestay Cồn Bà Tư
Homestay Cồn Bà Tư tọa lạc ở số 85, ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận là một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Bình Đại Bến Tre. Với cảnh quan tự nhiên đặc trưng của vùng rừng sinh thái ven biển cùng vô số hoạt động trải nghiệm dân dã, Homestay Cồn Bà Tư chắc chắn sẽ mang lại cho mọi người nhiều kỷ niệm khó quên.
Đến với Homestay Cồn Bà Tư, bạn sẽ có cơ hội khám phá những con kênh xanh mát bóng cây, các ruộng muối mênh mông, những đập nuôi cá, tôm quảng canh, các bãi nuôi cua, sò huyết, nghêu… Bên cạnh đó, bạn còn được tham gia các hoạt động thường ngày của người dân bản xứ như chèo xuồng ba lá, câu cá, bắt cua, mò nghêu… Đặc biệt, bạn cũng có thể trải nghiệm ngủ qua đêm tại homestay, thưởng thức các món ăn dân dã và nghe kể những câu chuyện thú vị về đất, về người ở vùng quê biển Bình Đại.
Trải nghiệm chèo xuồng ba lá ở Homestay Cồn Bà Tư. Ảnh: Fanpage Homestay Cồn Bà Tư
3.3 Đình Long Phụng
Đình Long Phụng tọa lạc ở địa phận ấp Long Hòa 2 thuộc xã Long Định, huyện Bình Đại Bến Tre. Theo lời người dân địa phương kể lại, ngôi đình này vốn được xây dựng từ năm 1833 tại một vị trí khác và thời bấy giờ nơi đây chỉ được lợp lá rất đơn sơ. Mãi cho đến năm 1913, Đình Long Phụng mới được dời về địa điểm hiện nay và tôn tạo lại với quy mô lớn, khang trang hơn.
Đình Long Phụng được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ “Đinh” cổ truyền với vách tường làm bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, các rường, cột bằng gỗ giáng hương, nền nhà lát gạch tàu và 3 gian Võ ca, Võ quy cùng Chánh điện nối liền nhau. Hiện nay, Đình Long Phụng còn lưu giữ hai sắc phong do vua Tự Đức ban tặng là thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và tứ vị tôn thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải.
Tìm hiểu thêm: Nhà hàng Tâm Đắc Đà Lạt – Nơi tụ họp sang trọng bậc nhất Lâm Đồng
Đình Long Phụng mang vẻ đẹp cổ lão nhuốm màu thời gian
3.4 Đình Long Thạnh
Cùng với Đình Long Phụng, Đình Long Thạnh cũng nằm ở xã Long Định thuộc huyện Bình Đại Bến Tre với diện tích khoảng 2.580m2. Được biết, ngôi đình này đã từng trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu lại các công trình như cổng, bình phong, miếu Ngũ hành, miếu Thổ Thần và các gian chính gồm Võ ca, Võ quy, Tiền điện, Chánh điện cùng với nhà khách, nhà Tiên sư. Kiến trúc chung của Đình Long Thạnh là kết cấu 3 gian – 2 chái với rường, cột, kèo đều làm bằng gỗ, nền lát gạch hoa tàu, mái lợp ngói vảy cá xen kẽ ngói âm dương.
Hiện nay, Đình Long Thạnh vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật điêu khắc gỗ có niên đại hàng trăm năm, điển hình như 4 cuốn thư, 1 cặp long đình, 2 cặp long trụ, 4 đôi liễn áp cột, 10 bức hoành phi, 5 khánh thờ, 6 sắc phong thần, 6 hương án… Trong số đó, các bức hoành phi, liễn áp, câu đối, khánh thờ, cặp long đình, long trụ… đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy và chạm khắc họa tiết cực kỳ công phu, sắc sảo.
Đình Long Thạnh sở hữu khuôn viên rộng lớn và nhiều công trình kiến trúc khang trang
3.5 Cù lao Tam Hiệp
Cù lao Tam Hiệp là một xã cù lao thuộc địa phận huyện Bình Đại Bến Tre, nằm giữa dòng sông Tiền với tổng diện tích khoảng 1.300 hecta cùng 1.000 hộ dân sinh sống. Vùng đất này được mẹ thiên nhiên ưu ái với phong cảnh sông nước thơ mộng, hữu tình, các con đường làng rợp bóng mát và những vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả.
Tại Cù lao Tam Hiệp, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mà còn có thể trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, tham quan các làng nghề truyền thống, chèo xuồng khám phá rạch nước và thưởng thức những món đặc sản trứ danh trên đất cồn.
Cù lao Tam Hiệp với phong cảnh hữu tình cùng những vườn cây trái sum suê. Ảnh: Blueriver
3.6 Chùa Vạn Phước
Chùa Vạn Phước Bến Tre được xây dựng vào năm 2000 tại ấp Bình Chiến, huyện Bình Đại với khuôn viên rộng khoảng 8 hecta. Ngôi chùa này được xem là một trong những đền chùa sở hữu lối kiến trúc độc đáo bậc nhất xứ dừa với cảnh quan đẹp tựa chốn bồng lai.
Kiến trúc của Chùa Vạn Phước gồm cổng tam quan, Chánh điện, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc cây bồ đề, tượng Phật Di Lặc do nhà điêu khắc Thụy Lam tạo tác, nhà khách, nhà làm việc, bàn thờ Tổ… Tất cả những công trình trên đều phối hợp với nhau rất hài hòa tạo thành một tổng thể cực kỳ ấn tượng.
Chùa Vạn Phước đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh
4 Ẩm thực của vùng biển Bình Đại Bến Tre
Đến với huyện Bình Đại Bến Tre, ngoài việc vui chơi tại bãi biển và tham quan các địa danh nổi tiếng, bạn còn được trải nghiệm nền ẩm thực địa phương cực kỳ phong phú. Vì là một huyện biển nên các món ăn tại đây chủ yếu là hải sản như cá, cua, ghẹ, ốc, sò, tôm… với cách chế biến đặc trưng của vùng tạo nên hương vị thơm ngon rất riêng.
Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến món bánh xèo trứ danh của xứ biển Bình Đại. Chiếc bánh xèo ở đây đầy ắp hải sản, được chiên với lửa lớn nên giòn tan, béo ngậy, ăn kèm với đủ loại rau sống và nước chấm chua ngọt hấp dẫn vô cùng. Có thể nói, bánh xèo biển Bình Đại gần như đã trở thành thương hiệu và bất cứ ai khi đến đây dù ít hay nhiều cũng phải một lần nếm thử món ăn này.
>>>>>Xem thêm: Đình Hòa Ninh Quảng Bình trăm năm hoài cổ
Món bánh xèo biển Bình Đại trứ danh
5 Kết luận
Không sang trọng hay hào nhoáng, huyện Bình Đại Bến Tre níu chân khách thập phương bởi vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của một vùng biển phù sa nơi xứ dừa. Nếu bạn đang tìm kiếm một chốn dừng chân để thư giãn và trải nghiệm cuộc sống dân dã miền Tây thì đừng quên lưu lại địa danh này vào cẩm nang du lịch của mình nhé.