Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang vô cùng cầu kỳ và công phu. Chính vì thế mà món đặc sản này mới trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà vang dội ra tận nước ngoài. Đến du lịch An Giang, bạn đừng bỏ qua cơ hội tìm hiểu về làng nghề truyền thống này nhé.
Bạn đang đọc: Khám phá làng nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang vào mùa khô
Nếu những nghề làm đặc sản khác của An Giang trở nên bận rộn và tất bật vào mùa nước nổi thì nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer lại diễn ra vào lúc tiết trời khô hanh. Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang có thể xem như một trong những công việc kỳ công bậc nhất của xứ này. Cùng Blogdulich.edu.vn khám phá từng công đoạn tạo nên những bánh đường thốt nốt thơm ngọt đặc trưng nhé.
1 Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang – Làng nghề truyền thống của người Khmer
1.1 Đôi nét về nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang
Địa chỉ:
Làng nghề đường thốt nốt: xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang
Cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi: xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Làng nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang là điểm đến nhận được sự chú ý của đông đảo bạn bè gần xa bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Vì địa hình và khí hậu đặc thù mà Tịnh Biên và Tri Tôn là hai huyện có nghề nấu đường phát triển nhất tỉnh An Giang. Khác với những điểm tham quan vui chơi như Công viên nước Thanh Long Núi Cấm, khi đến các làng nghề nấu đường thốt nốt An Giang, các bạn sẽ được khám phá và tìm hiểu thực tế từng giai đoạn kỳ công để làm nên thức quà đặc sản của vùng.
Thốt nốt – Nguyên liệu chính làm nên những mẻ đường trứ danh
1.2 Thời điểm vàng tham quan làng nghề nấu đường thốt nốt
Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang không kéo dài quanh năm. Việc chỉ bắt đầu khi tiết trời bắt đầu vào mùa khô và kéo dài khoảng 6 tháng từ tháng 11 âm lịch cho tới khoảng đầu tháng 5 năm sau. Bởi vì khi vào mùa mưa, nước cây thốt nốt tiết ra ít chất ngọt hơn, thân cũng trơn trượt và khó trèo hơn. Vậy nên việc khai thác nước thốt nốt để làm đường gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng đường làm ra vào thời gian này cũng không bằng mùa khô. Năm nào mùa nắng càng kéo dài thì càng có thêm thời gian sản xuất đường. Nắng càng gắt thì càng làm được nhiều mẻ đường hơn. Vì vậy nên bạn hãy đến đây vào mùa khô để có thể trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn không khí nhộn nhịp khi làng trong thời gian sản xuất đường cao điểm nhé.
Những bánh đường tán vàng ươm hấp dẫn
2 Khám phá quá trình làm đường thốt nốt
2.1 Khâu chuẩn bị kỹ lưỡng
Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang đã trải qua nhiều thăng trầm và giờ trở thành một thông lệ gắn liền với đời sống người dân Khmer mỗi khi đến mùa. Nếu đến đây nhằm lúc người dân đang chuẩn bị nấu mẻ đường mới, bạn sẽ được tham quan những dụng cụ được sắm sửa sẵn vô cùng đầy đủ và tươm tất như: tre làm thang để trèo cây, can nhựa đựng nước thốt nốt, trữ sẵn tro trấu để đốt… Ngoài ra, nồi, lò cũng được kiểm tra kỹ càng để chuẩn bị cho việc nấu đường.
Thang tre – Một trong những dụng cụ dùng để leo tại làng nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang
2.2 Quá trình lấy nước cây thốt nốt
Đường thốt nốt được làm từ nước tiết ra từ những vết cắt trên hoa chứ không phải từ nước của trái. Lấy nước cây thốt nốt là một công đoạn đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm lâu năm cũng như người lấy phải có sự khéo léo và vô cùng cẩn thận. Người dân làng nghề dùng những thanh tre dài đã chuẩn bị sẵn để leo lên cây thốt nốt. Sau khi đến ngọn cây, người ta dùng dao cắt ngang ngọn hoa rồi lấy can để hứng nước chảy ra. Nếu cây cho nước tốt thì mẻ đường thốt nốt làm ra sẽ chất lượng, có hương vị ngọt bùi đặc trưng và đổ thành đường tán. Phần nước kém chuẩn hơn sẽ được nấu thành đường chảy. Sau khi đã lấy thu hoạch xong, người thợ sẽ cắt tiếp một khoanh tròn, tạo một đốt mới trên hoa để tiếp tục tích nước thốt nốt.
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn di chuyển bằng xe ô tô cho người đi Mộc Châu lần đầu
Lấy nước hoa thốt nốt là một công đoạn đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao
Vào đến làng nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang thì dĩ nhiên bạn không thể bỏ qua cơ hội được nhìn tận mắt những mẻ đường được làm ra như thế nào rồi đúng không? Từng bước nấu đường sẽ được làm tuần tự và các khâu nối tiếp nhau rất nhịp nhàng. Và cũng như món mắm Châu Đốc, cách làm ra đường thốt nốt không hề dễ dàng.
Nước thốt nốt sau khi đem về sẽ được mang đi lọc qua lớp màng cho sạch bụi bẩn cũng như côn trùng bám vào. Sau đó, nước được đồ vào một chảo to rồi nấu trên lò đất đã được người dân đắp sẵn. Nước thốt nốt sau khi được nấu và đảo đều trong khoảng 4 tiếng thì sẽ thành đường chảy. Đứng nhìn đồng bào Khmer dùng đũa cả khuấy đều chảo đường, lửa của bếp lò lúc nào cũng cháy đượm và đều. Tuy rằng trông rất vất vả nhưng tay thợ nấu không bao giờ dừng và nụ cười luôn trên môi họ sẽ khiến bạn cảm nhận được đây đúng là một niềm vui, là món quà mà đất trời ban cho vùng đất cũng như dân tộc này.
Sau khi điều chỉnh lượng vôi để đường đủ ngọt cũng như đã cô đặc đạt chuẩn thì người ta sẽ nhắc chảo xuống khỏi lò và tiếp tục được đảo đều tay để giữ được màu vàng đặc trưng của đường. Sau khi đường thốt nốt sệt lại thì sẽ được đổ vào chảo thứ 2. Sau đó, thợ lại mang nấu trên lửa đều cho đến khi thành hạt đường thì xem như hoàn thành.
Từng mẻ đường trời ban được nấu một cách cẩn thận
2.3 Thành phẩm đường thốt nốt thơm ngọt ngất ngây
Sau công đoạn nấu đường công phu và cầu kỳ thì bạn sẽ được xem người dân Khmer đổ khuôn từng mẻ đường thốt nốt thơm ngọt chuẩn vị. Đổ đường vào khuôn cũng có công thức riêng. Đường được đổ vào khuôn tròn đều rồi dùng đồ cắt thành từng khoanh có độ dày từ 2 đến 3cm. Rồi từ 10 đến 12 khoanh sẽ được làm thành một cây đường hoàn chỉnh.
Ngoài ra, cũng có một số hộ gia đình làm nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang không cho vào khuôn tiêu chuẩn như ở các cơ sở sản xuất. Thay vào đó họ đổ đường vào từng chén ăn cơm, hủ hay bất kỳ khuôn nào khác có sẵn trong nhà. Đường được làm ở các hộ gia đình trong làng nghề cũng như các cơ sở sản xuất đều không cho thêm bất kỳ chất phụ gia nào. Và khi đến tham quan, chính bạn cũng là người nhìn thấy từng công đoạn làm ra từng bánh đường chất lượng không bị pha thêm bất kỳ thứ gì khác. Vì vậy mà mọi người vô cùng an tâm khi mua đường thốt nốt tại những làng nghề.
Ở những hộ gia đình thường không nhất định sẽ dùng khuôn truyền thống
2.4 Cơ hội tìm hiểu về đời sống người Khmer
Đến với làng nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang, bạn sẽ còn có cơ hội để trò chuyện với người dân Khmer sinh sống tại đây. Không chỉ là những câu chuyện liên quan đến nghề nấu đường mà còn là những điều giản dị trong cuộc sống của họ. Quả là một chuyến du lịch An Giang bổ ích khi không chỉ biết được quy trình làm ra một bánh đường thốt nốt nổi tiếng mà còn có thêm được những kiến thức về đồng bào Khmer sinh sống tại đây đúng không các bạn?
>>>>>Xem thêm: Lucky Villa Đà Lạt, tìm về nơi chốn bình yên
Đến làng nghề, bạn không chỉ tìm hiểu về cách làm đường thốt nốt mà còn biết thêm về đời sống của người dân Khmer
Đường thốt nốt không chỉ được người Việt Nam chuộng và tin dùng mà còn nhận được sự quan tâm từ các nước khác. Đến làng nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang, tận mắt nhìn thấy từng công đoạn sản xuất, bạn sẽ trầm trồ nhận ra vì sao hương vị của món đặc sản này lại có khả năng chinh phục trái tim của mọi người đến như vậy. Vì thế hãy mau mở cẩm nang du lịch của bạn ra, ghi lại địa điểm tham quan thú vị và bổ ích này ngay để không bỏ lỡ cơ hội ghé đến trong chuyến du lịch An Giang sắp tới nhé.