Núi Minh Đạm là một trong những di tích lịch sử đáng tự hào của người dân miền nam. Ngày nay, khu căn cứ quân sự này đã được tu sửa và trở thành một địa điểm du lịch xanh không thể bỏ qua khi đặt chân đến Vũng Tàu bên cạnh những bãi cát dài uốn quanh bờ biển, những công trình kiến trúc đặc sắc.
1 Tổng Quan về núi Minh Đạm Vũng Tàu
Nằm cách thị trấn Long Hải 6km về hướng Đông Bắc và cách thành phố Vũng Tàu 30km, vị thế ba mặt hướng biển đắc địa, Minh Đạm là dãy núi thấp cao 355m, dài 8km với nhiều hang động lớn nhỏ ẩn sau những rừng cây thơ mộng và vách đá hoang sơ.
Núi Minh Đạm được tạo thành bởi nhiều ngọn núi riêng biệt chạy dài theo hướng bắc-nam, ôm sát bờ biển Long Hải và Phước Hải bao gồm: núi đá Dựng, Hòn Thung, núi Đá Ngang, núi Điện Bà, núi châu Viên, núi Truơng Phi (còn gọi là núi kỳ Vân và thùy Vân). Những ngọn núi này hợp thành dãy Châu Viên và Châu Long – vốn là tên gọi từ cuối thế kỷ 20.
Hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại cây lấy gỗ quý hiếm như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, cây dược liệu và các loài động vật hoang dã chính là những yếu tố thôi thúc nhiều phượt thủ về đây để chinh phục đỉnh núi. Bên cạnh đó, núi Minh Đạm từng là căn cứ của các chiến sĩ Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi bao dấu lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam. Năm 1993, Khu căn cứ núi Minh Đạm được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Toàn cảnh vẻ đẹp hoang sơ của núi Minh Đạm nhìn từ hướng đèo Nước Ngọt
Địa chỉ: núi Minh Đạm trải dài qua địa phận các xã thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm: Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), Phước Hải, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ)
Giá vé: Núi Minh Đạm miễn phí tất cả dịch vụ tham quan
Thời điểm lý tưởng để khámphá: thuộc khu vực Đông Nam Bộ, núi Minh Đạm mang khí hậu nhiệt đới gió mùa nên 1 năm sẽ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài khoảng từ tháng 6 tới tháng 10 khiến cho đường núi trở nên trơn trượt và nguy hiểm hơn trong khi mùa khô từ tháng 11 tới tháng 5 năm sau là lúc trời nắng đẹp, biển trong xanh, hoàn toàn phù hợp cho việc trekking và thăm thú khu di tích lịch sử.
Lưu ý khi đến tham quan núi Minh Đạm: khu vực rừng núi không tránh khỏi nhiều loài côn trùng, động vật hoang dã sinh sống. Du khách nên có cho mình thuốc tránh côn trùng và chú ý quan sát cẩn thận khi di chuyển.
2 Hướng dẫn cách di chuyển đến núi Minh Đạm
2.1 Đường đến núi Minh Đạm từ Vũng Tàu
Sau khi đã xác định được vị trí, việc của bạn chỉ việc xách xe ra và đi thôi vì đường đến núi Minh Đạm khá là dễ dàng. Sau khi di chuyển đến Vũng Tàu, bạn chỉ việc di chuyển theo cung đường ĐT44A, Phước Hải, Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu (hướng về Long Hải) là đã có thể trông thấy núi Minh Đạm từ xa. Đến ngã ba của chùa Pháp Hoa rẽ hướng trái, bạn sẽ tham quan được bên trong núi.
Di tích núi Minh Đạm có sân rộng rãi, bạn hoàn toàn có thể tìm cho mình một chỗ đậu xe an toàn và sẵn sàng cho cuộc thám hiểm sắp tới.
2.2 Phương tiện di chuyển đến núi Minh Đạm
Xe máy: Đây chắc hẳn là phương tiện di chuyển được nhiều du khách lựa chọn nhất bởi tính linh hoạt, tiện lợi. Bạn có thể lựa chọn cung đường hướng cổng chào Bà Rịa – Vũng Tàu – Quốc lộ 51 – Quốc lộ 55 theo hướng đi Long Hải. Khi đến Quốc lộ 44A – Quốc lộ 36, bạn cứ chạy tiếp đến đèo Nước Ngọt là đã thấy núi Minh Đạm.
Xe khách, taxi: Đây là một lựa chọn phù hợp cho những gia đình nhỏ hoặc nhóm khách du lịch. Với lựa chọn này, bạn hoàn toàn có thể ngồi thư giãn ngắm cảnh qua cửa sổ vì đường đi đã có bác tài lo.
Cung đường biển ven đèo Nước Ngọt đẹp lay động lòng người
3 Khám phá núi Minh Đạm
3.1 Vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hóa ban tặng cho núi Minh Đạm
Với địa hình đồi núi nhiệt đới tương đối thấp, xung quanh lại luôn rì rầm tiếng sóng biển vỗ vào bờ, núi Minh Đạm khoác lên mình một diện mạo thiên nhiên kỳ vĩ nhưng lại rất mộc mạc và hoang sơ. Du khách đến đây sẽ leo theo con đường nhỏ lúc thoai thoải, khi lại dốc đứng, gồ ghề, nép mình giữ rừng cây xanh tốt. Có thể nói, đây chính xác là cung đường trekking rất phù hợp cho các phượt thủ trẻ tuổi rèn luyện những kỹ năng phượt đầu tiên hay những du khách muốn thư giãn, ngắm cảnh vừa giảm stress vừa tăng cường sức khỏe.
Đường lên núi Minh Đạm hữu tình với một rừng hoa anh đào xinh đẹp ôm lấy bờ biển
Khi đã đạt đến khoảng hai phần ba quãng đường, khung cảnh tuyệt vời nhìn từ núi Minh Đạm cũng bắt đầu mở ra: toàn cảnh biển Long Hải bao la với biển một bên và núi một bên, thật hữu tình và lãng mạn. Thế giới tự nhiên cũng dần ẩn hiện bằng tiếng chim rừng hót vang, tiếng suối chảy róc rách,… mọi mệt nhọc trong suốt quãng đường rừng cũng tan biến dần và cho bạn thêm động lực chinh phục đỉnh núi.
Ở những vách đá cheo leo có gốc cây bám rễ tạo nên khung cảnh cổ kính
Và sau cùng, bạn cũng đã đặt chân đến đỉnh núi. Cảm giác chiến thắng một thử thách, khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong trẻo, đưa tay ra là chạm được đám mây lửng lờ sẽ giúp bạn nhận ra mọi công sức bỏ ra đều hoàn toàn xứng đáng.
Mọi cảm giác mệt nhọc đều tan biến trước cảnh thiên nhiên vô tận
Từ đỉnh núi, tất cả khung cảnh núi rừng và biển xanh đều thu trọn vào tầm mắt. Ảnh: anvietnam.net
3.2 Về nguồn tại khu di tích lịch sử núi Minh Đạm
Với đặc điểm địa hình sở hữu trên 300 hang đá lớn nhỏ, trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp – Mỹ, núi Minh Đạm được chọn là địa điểm cơ quan thường vụ huyện Ủy Long Đất đặt căn cứ để lãnh đạo phong trào kháng chiến trường kỳ suốt thời kỳ cách mạng.
Cổng vào khu di tích lịch sử Minh Đạm mang đậm phong cách cổ kính
3.2.1 Nguồn gốc tên gọi căn cứ núi Minh Đạm
Minh Đạm vốn có nguồn gốc từ tên của hai đồng chí Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm. Hai ông nguyên là bí thư và phó bí thư huyện Uỷ Long Điền, hy sinh ngày 17/01/1948 do bị thực dân Pháp phục kích tại khu vực chùa Đá Vàng thuộc huyện Long Điền ngày nay khi đi công tác mật.
Để tuởng nhớ công ơn và sự hy sinh to lớn hai người con đất Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh ủy quyết định lấy tên của hai đồng chí ghép lại để đặt tên cho khu căn cứ này và đồng thời cũng khích lệ tinh thần yêu kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta thời bấy giờ.
Cuối năm 1948, khu vực Phước Bửu (thuộc huyện Xuyên Mộc ngày nay) và Long Mỹ (gồm vùng núi Châu Viên-Châu Long thuộc huyện Đất Đỏ ngày nay) chính thức đổi tên thành khu căn cứ Minh Đạm.
3.2.2 Đền thờ khu tưởng niệm căn cứ núi Minh Đạm
Các du khách bước vào hành trình khám phá khu di tích lịch sử này có thể lựa chọn tham quan đầu tiên là khu đền tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ đã cống hiến tuổi xuân mình cho đất nước. Bên cạnh vị nữ anh hùng Đất Đỏ – chị Võ Thị Sáu nổi tiếng, khu đền thờ còn lưu tên tổng cộng 2642 vị liệt sĩ có công với cách mạng.
Toàn cảnh khu tưởng niệm liệt sĩ núi Minh Đạm ẩn hiện dưới những tán cây
3.2.3 Khu di tích chiến khu núi Minh Đạm
Căn cứ núi Minh Đạm được chia thành 4 khu vực chính: Chùa Viên, Chùa Giếng Gạch, khu Châu Viên và khu Đá Chẻ được nối với nhau bằng con đường lát đá xuyên rừng. Tại đây, các kỷ vật thời chiến như bàn ghế, bếp núc, cầu gỗ,… được bảo tồn gần như nguyên vẹn để giúp cho khách tham quan có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống sinh hoạt của bộ đội ta như cách tạo ra lửa từ đá, nấu cơm lam từ ống nứa,…
Ngày nay, du khách có thể tham quan di tích lịch sử này ở các hang: hang Huyện Ủy, hang Huyện Đội, hang Quân Y, hang Thị Xã Cấp , hang Quân Giới (Giếng Gạch), hang Binh Vận, hang B2 và hang Xã Phước Hải. Bạn chỉ cần đi lần theo con đường mòn ngay cổng núi Minh Đạm là có thể dễ dàng tiếp cận được các hang đá này.
Đường lên khu căn cứ Huyện Đội phải băng qua khu vách đá cheo leo
4 Núi Minh Đạm dưới lăng kính các phượt thủ trẻ
Phong cảnh ngoạn mục nhìn từ đỉnh núi Minh Đạm. Ảnh: @tolaman
Chiếc cầu giả gỗ hài hòa với khung cảnh thiên nhiên này là một trong những điểm check in được yêu thích. Ảnh: @nobb.ii
Những áng mây trắng trôi bồng bềnh tưởng chừng như dang tay là có thể chạm đến. Ảnh: @mitruonghoang
Ở núi Minh Đạm, du khách không chỉ được đắm chìm vào phong cảnh tươi đẹp, hít thở bầu không khí trong lành mà còn có thể tìm hiểu về một trong những dấu son hào hùng của lịch sử dân tộc những ngày kháng chiến gian khổ. Bạn cũng hãy đến trải nghiệm Vũng Tàu các hoạt động leo núi, cắm trại, tham quan di tích núi Minh Đạm vào một tiết trời đẹp không xa nhé.