Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Khuê Văn Các là công trình kiến trúc thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng dưới thời Vua Gia Long nhằm đề cao đạo học và sức mạnh của tri thức. Ngày nay, hình ảnh gác Khuê Văn với ý nghĩa sâu sắc và lối kiến trúc ấn tượng đã trở thành biểu tượng cho vùng đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giới thiệu về Khuê Văn Các

Địa chỉ: Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phố Tôn Đức Thắng, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội

Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần

– 7h30 – 17h30 vào mùa nóng

– 8h00 – 17h00 vào mùa lạnh

Giá vé cập nhật vào tháng 10/2023: 30.000 VNĐ/lượt/khách

Được xây dựng vào năm 1805 bởi vị Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, Khuê Văn Các (hay gác Khuê Văn) là một trong 5 cổng chia khu vực nội tự của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành 5 lớp. Trong đó, công trình kiến trúc ấn tượng nằm ở lớp không gian thứ 2 tức khu Thành Đạt, giữa hai cổng khác là Đại Trung và Đại Thành. Dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn, mỗi mùa xuân và thu hằng năm, đây nơi khảo thí các sĩ tử.

Theo kiến thức du lịch, tên gọi của công trình được lấy cảm hứng từ chòm sao Khuê gồm 16 ngôi có vị trí sắp xếp tựa như chữ “Văn”, ý chỉ đây là sao chủ về tri thức. Bởi vì chòm sao này rất sáng nên cái tên cũng đại diện cho đỉnh cao của sự thông tuệ. Khi tọa lạc trong khu di tích, Khuê Văn Các đồng thời nhấn mạnh chân lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được khắc trên bia Văn Miếu. Vào năm 1997, công trình này đã được UBND TP. Hà Nội chọn làm biểu tượng chính thức của vùng đất Thủ đô.

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Khuê Văn Các là hệ thống cổng thuộc không gian thứ 2, khu Thành Đạt của Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Nơi đây được xây dựng từ năm 1805, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn

Phương tiện và cách di chuyển đến gác Khuê Văn

Để đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám tham quan Khuê Văn Các, bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân hoặc đón taxi, xe bus.

Với những bạn chọn đi bus, hãy đón các tuyến xe 32, 41, 23, 38, 02 có điểm xuống gần khu di tích để dễ dàng đi bộ đến đây. Tại Thủ đô cũng có dịch vụ xe bus 2 tầng giúp bạn nhanh chóng di chuyển đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám tham quan gác Khuê Văn, đồng thời có thể vi vu khám phá thêm nhiều địa điểm, di tích khác trong chuyến du lịch Hà Nội.

Văn Miếu – Quốc tử Giám nằm ngay trong trung tâm thành phố. Do đó nếu đến đây bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, bạn có thể tra cứu Google Maps hoặc hỏi thăm người dân địa phương. Như vậy sẽ có tuyến đường di chuyển phù hợp hơn, nhất là với những con đường một chiều xung quanh khu di tích như Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Cát Linh…

Có gì đặc sắc tại Khuê Văn Các Hà Nội?

3.1 Lối kiến trúc mang đậm bản sắc Việt Nam

Hệ thống cổng tại khu Thành Đạt của Văn Miếu – Quốc Tử Giám có lối kiến trúc tam quan truyền thống. Trong đó Khuê Văn Các là cổng chính, còn hai cổng phụ là Súc Văn (văn chương trau chuốt, sáng sủa) và Bi Văn (văn chương hàm ý, súc tích). 

Về hình dáng, gác Khuê Văn được xây dựng như một cổ lâu nhỏ với tầng trên cùng làm bằng gỗ, sơn màu đỏ nổi bật. Ở dưới chống bằng trụ gạch hình vuông có kích thước mỗi cạnh là 1m. Phần mái dựng theo kiểu chồng diêm gồm 2 tầng, 8 mái (4 mái thượng, 4 mái hạ) và được nâng đỡ bằng các giá gỗ trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng.

Bốn mặt trên tầng lầu được chạm trổ các cặp câu đối viết bằng chữ Hán đề cao đạo học và vẻ đẹp tuyệt mỹ của công trình kiến trúc. Trong khi ngay phía trên khung cửa tròn treo tấm biển sơn son thếp vàng đề 3 chữ Hán “Khuê Văn Các”. Bao bọc xung quanh gác gỗ là dải lan can hình con tiện được sơn màu đỏ đồng bộ.

Bên cạnh những hoa văn được chạm khắc tinh xảo trên các mặt của trụ gạch, điều tạo nên tính biểu tượng cho công trình này chính là bốn ô cửa tròn với 8 tiếp điểm là những đường thẳng nối ra xung quanh. Thiết kế này như tái hiện sống động hình ảnh sao Khuê lấp lánh trên bầu trời, giống với thần thái thông tuệ của những vị hiền tài và cách mà họ “tỏa sáng”, cống hiến cho đất nước. 

Nghiên cứu sâu hơn vào kiến trúc của gác Khuê Văn, cụ thể là hoa văn và hình dạng, bạn có thể liên tưởng đến truyền thuyết “Trời tròn, đất vuông”. Những hình tròn dường như nhắc nhở về điều cốt lõi tạo nên vùng đất này đó là văn hóa truyền thống, còn hình vuông đại diện cho cánh đưa con dân đất Việt đến gần hơn với tri thức và tương lai.

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Hệ thống công trình thuộc khu Thành Đạt có Khuê Văn Các là cổng chính, còn hai cổng phụ là Súc Văn và Bi Văn

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Hình ảnh gác Khuê Văn ngày nay dù đã trải qua bao năm vẫn giữ vẹn nguyên lối kiến trúc đặc sắc

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Khuê Văn Các có kết cấu giống như một cổ lâu nhỏ với tầng trên cùng làm bằng gỗ

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Phần mái của gác Khuê Văn được xây dựng theo kiểu chồng diêm với 2 tầng

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Bao quanh căn gác là biểu tượng hình tròn có 8 tiếp điểm với những đường thẳng nối ra xung quanh được ví như hình ảnh của sao Khuê

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Vẻ đẹp huyền ảo của Khuê Văn Các lúc về đêm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

3.2 Những hoạt động đầu xuân thú vị tại gác Khuê Văn

Nếu Khuê Văn Các được biết đến như điểm tham quan yêu thích của tín đồ du lịch vào những ngày thường thì mỗi dịp đầu xuân, đây lại là chốn dừng chân vui chơi quen thuộc của người dân Hà Nội.

Trong những ngày này, khi ghé thăm gác Khuê Văn, bạn sẽ có dịp tham gia nhiều hoạt động truyền thống hấp dẫn như khai bút đầu năm, xin chữ ông đồ, xin xăm, v.v. Ngoài ra, đây cũng là dịp để bạn mua những món quà lưu niệm nho nhỏ dành tặng cho người thân như móc khóa, áo thun, tranh thêu có in hình Khuê Văn Các…

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Khuê Văn Các là điểm tham quan không thể bỏ lỡ của tín đồ du lịch vào những ngày thường

Khuê Văn Các, địa danh biểu tượng cho vùng đất Hà Nội

Mỗi dịp đầu xuân, nơi đây lại trở thành điểm vui chơi, du hí quen thuộc của người dân Hà Thành

Một vài lưu ý khi đến tham quan gác Khuê Văn

Để hành trình tham quan, khám phá thêm phần trọn vẹn thì khi đến Khuê Văn Các, bạn nên lưu ý:

– Mặc trang phục dài tay lịch sự, nghiêm túc và gọn gàng

– Chung tay giữ gìn mỹ quan bằng cách không viết hay vẽ bậy lên tường, không xả rác bừa bãi, không giẫm chân lên cỏ

– Hạn chế chạy nhảy, nói đùa quá to hoặc gây ồn ào trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói chung

– Tuyệt đối không chụp hình phản cảm trong quá trình tham quan các công trình kiến trúc

Khuê Văn Các không chỉ sở hữu lối kiến trúc mang đậm nét đẹp văn hóa Việt Nam mà còn là biểu tượng của đạo học, tri thức và hơn cả thế là của vùng đất Hà Nội ngàn năm văn hiến. Có dịp ghé thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đừng bỏ lỡ cơ hội đến gác Khuê Văn tìm hiểu thêm về nét kiến trúc đặc sắc nơi đây bạn nhé. Cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn đã sẵn sàng đồng hành cùng tín đồ xê dịch trên mọi nẻo đường khám phá và trải nghiệm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *