Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội truyền thống của người dân Khánh Hòa. Vùng đất gắn liền với biển cả nên mỗi năm đều tổ chức lễ hội để thể hiện lòng thành kính và biết ơn Thần Biển đã cho mùa cá bội thu, cho người no ấm, đủ đầy. Hôm nay hãy cùng Mia.vn tìm hiểu chi tiết về lễ hội này nhé.
1 Nguồn gốc của lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu Như bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải, là một trong những vị thần biển được người dân vùng Nam Trung Bộ thờ phụng. Ông Nam Hải là cách gọi loài cá voi một cách trang nghiêm, người dân coi cá voi là vua biển cả bởi thân hình to lớn nhưng bản tính hiền lành, thường cứu giúp dân chài khi gặp nạn trên biển. Thế nên nếu có cá voi nào chết trôi dạt vào bờ biển thì các làng chài có trách nhiệm phải làm tang lễ long trọng để thể hiện sự biết ơn đồng thời là cầu nguyện Ông Nam Hải sẽ phù hộ cho làng được bình an và no ấm. Dần dần hàng năm hình thành tục lệ tế lễ cho loài cá này, cho đến ngày nay thì lễ hội mang tên Cầu Ngư.
Lễ hội Cầu Như trở thành phong tục của người dân Nha Trang Khánh Hòa từ bao đời nay
Về thời điểm bắt đầu tục lệ thờ cá voi, không có một tài liệu nào ghi chép lại chính xác. Rất nhiều truyền thuyết đã được người dân truyền miệng về sự kì diệu của Ông Nam Hải. Tuy nhiên tất cả đều nhằm thể hiện tín ngưỡng của con người Khánh Hòa nói riêng và người Việt Nam nói chung, tin vào những giá trị tốt đẹp, biết uống nước nhớ nguồn và tôn trọng những giá trị mang tính văn hóa truyền thống.
Lễ hội Cầu Ngư diễn ra khi nào?
Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa sẽ diễn ra tại chùa Ông – Thành phố Nha Trang, vào mùa đánh bắt hằng năm trong 3 ngày 3 đêm, thường là tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Nếu có cơ hội ghé thăm thành phố biển xinh đẹp này, bạn đừng quên tham gia vào lễ hội để được trải nghiệm những nét đặc sắc tại nơi đây nhé.
2 Ý nghĩa của lễ hội Cầu Ngư Nha Trang
Lễ hội Cầu Ngư hàng năm được tổ chức thể hiện niềm tin của người dân miền biển, niềm tin vào những vị Thần biển khơi vẫn luôn đồng hành cùng họ, đưa họ đến sự ấm no, hạnh phúc. Toàn bộ tiến trình lễ hội là sự biết ơn, sự trân trọng mà người dân dành cho thiên nhiên, cho đất nước.
Thứ hai, Cầu Ngư còn là lễ hội thể hiện bản sắc nghệ thuật truyền thống của người dân Nam Trung Bộ. Những giá trị này qua các lễ hội mà được bảo lưu và gìn giữ, hòa nhập cùng với hơi thở hiện đại của thành phố biển đang phát triển chóng mặt.
3 Tiến trình lễ hội Cầu Ngư Nha Trang Khánh Hòa
Khác với các lễ hội mang tính tín ngưỡng, trang trọng, lễ Cầu Ngư của người dân Nha Trang lại hướng đến sự tưng bừng, nhộn nhịp. Lễ hội không chỉ được tổ chức trong Lăng Ông mà còn mở rộng ra không gian rộng lớn trên bờ biển. Các nghi thức được tổ chức trong lễ hội cầu Ngư gồm: lễ Rước Sắc, lễ Nghinh Ông ( lễ Nghinh thủy triều ), trò diễn Hò Bá Trạo – đặc trưng cho Lễ hội Cầu Ngư của vùng Nam Trung Bộ và Khánh Hòa, lễ Tỉnh Sanh, lễ Tế Chánh, Thứ lễ và Tôn vương,… Có nhiều phiên bản lễ hội Cầu Ngư ở các vùng với sự khác biệt đôi chút. Vì trải qua suốt chiều dài lịch sử, lễ hội đã dần dần trở thành một phần trong đời sống văn hóa của các làng chài lưới nên ít nhiều sẽ mang bản tính ảnh hưởng của mỗi vùng.
3.1. Lễ Rước Sắc – mở đầu lễ hội Cầu Ngư
Lễ Rước Sắc được bắt đầu vào buổi sáng đầu tiên của lễ hội, được thực hiện bởi các bô lão lớn tuổi trong làng. Lễ sẽ bao gồm Thỉnh sắc, Rước sắc và Khai sắc.
Thỉnh Sắc được thực hiện tại Nhà Tiền hiền, dâng hương lên để bái tế và thỉnh Ông Nam Hải về với Lăng. Rước Sắc là một đám rước long trọng, với sự tham gia của đông đảo dân làng, đưa ông Nam Hải từ Nhà Tiền hiền về với Lăng Ông. Cuối cùng là lễ Khai sắc được thực hiện tại Lăng, chính thức bắt đầu cho lễ hội Cầu Ngư.
3.2. Lễ Nghinh Ông
Lễ Nghinh Ông của người dân Nha Trang thường được tổ chức vào lúc thủy triều lên, thường là vào lúc sáng sớm. Nghi thức này nhằm mục đích rước hồn Ông Nam Hải từ biển khơi về Lăng thờ trước khi làm lễ Tế Chánh.
Lễ Nghinh Ông thường kéo dài trong hai giờ, với đoàn thuyền ghe ra khơi gồm 3 chiếc để rước Ông Nam Hải. Không khí lễ rước rất nhộn nhịp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Khi đoàn thuyền về đến bến sẽ đưa hồn Ông nhập điện, đội Siêu sẽ mua trước điện thờ để mừng Ông đã về với dân làng.
Những đoàn thuyền đang ra khơi rước hồn Ông Nam Hải
3.3. Hò Bá Trạo – nét độc đáo nhất của lễ hội Cầu Ngư
Hò Bá Trạo là một dạng biểu diễn dân gian, mang tính tổng hợp múa, hát, nói,… Đây cũng là đặc trưng chỉ có ở lễ hội Cầu Ngư của các tỉnh Nam Trung Bộ và Khánh Hòa. Mỗi làng trước nghi lễ sẽ lập đội hò gồm 15 đến 19 nam thanh niên, họ phải ăn chay nằm đất, không quen hệ với phụ nữ để thân tâm thanh tịnh, trong sáng nhất. Phần biểu diễn Hò Bá Trạo được chia làm các phần nhỏ , tùy thuộc vào mỗi vùng đất mà phần biểu diễn này sẽ khác nhau.
Các hình ảnh phổ biến nhất được tái hiện trong các bài Hò Bá trạo là những nhân vật trên trên con thuyền đang lèo lái ngoài biển. Hò Bá Trạo ở Nha Trang Khánh Hòa thì thường gồm 4 lớp, lần lượt là các cảnh tế lễ, mùa màng bội thụ, cảnh con thuyền vượt sóng ra khơi, cảnh về bến… Các bài hò có thể dài đến cả trăm câu, là cả một câu chuyện đậm chất tín ngưỡng cũng như tôn vinh sức lao động, sự đoàn kết của con người.
Hò Bá Trạo – tiết mục biểu diễn độc đáo trong lễ hội Cầu Ngư Nha Trang – Khánh Hòa.
3.4. Lễ Tỉnh Sanh
Lễ Tỉnh Sanh là nghi thức tế các nhiên thần hoặc thiên thần, sử dụng heo sống nguyên con làm vật bái tế. Đây là lễ diễn ra song song với lễ Nghinh ông, trong thời gian bô lão đi rước hồn Ông Nam Hải thì ở Lăng sẽ tiến hành lễ này.
Lễ Tỉnh Sanh diễn ra với tiết mục múa Lục cúng hoa đăng tại lễ hội.
3.5. Tế Chánh
Lễ Tế Chánh diễn ra sau khi xong Hò Bá Trạo, là giờ phút thiêng liêng và quan trọng nhất. Lễ thường được diễn ra khoảng lúc 10h sáng, kéo dài một tiếng đến 11h. Lễ càng tôn nghiêm long trọng bao nhiêu càng thể hiện được sự tôn trọng dành cho Ông Nam Hải và sẽ càng được ông bảo trợ, che chở.
Lễ Tế Chánh phải được diễn ra dưới sự long trọng và tôn nghiêm.
3.6. Thứ lễ và Tôn vương
Thứ lễ là phần hát cúng thần không bắt buộc, có thể 2 3 năm mới thực hiện một lần. Phần hát này làng sẽ mời các đoàn hát bội về để phục vụ bà con, cũng là thể hiện niềm biết ơn, hân hoan dành cho Ông Nam Hải khi kết thúc một năm mới với thật nhiều thu hoạch.
Tôn vương là nghi thức kết thúc, cũng do đoàn hát bội thực hiện. Tôn vương là những khúc ca tươi đẹp về cuộc sống, gửi gắm mong muốn của người dân với hy vọng về những điều tốt đẹp phía trước. Phần hát này có thể kéo dài cả ngày cả đêm, như một bản vĩ cầm ngân nga trên bờ biển, gửi gắm vào trong gió đến đại dương mênh mông.
Nghi thức Tôn Vương là phần kết thúc với tiết mục hát bội có thể diễn ra cả ngày cả đêm.
3.7. Lễ Tống Na
Lễ Tống Na là lễ cúng cô hồn biển. Lễ được tổ chức ở một góc sân Lăng. Lễ Tống Na chỉ kê một chiếc bàn nhỏ quay về hướng đông để làm bàn thờ. Phía trước bàn thờ đặt một chiếc ghe nhỏ làm bằng nan được mô phỏng giống như một chiếc thuyền đánh cá lớn. Khi lễ cúng hoàn tất, chiếc ghe nhỏ sẽ được đưa ra khơi để hạ thủy nhằm tiễn đưa các vong hồn không đến được lễ hội Cầu Ngư. Cuối cùng, tất cả quay lại Lăng Ông để làm lễ hoàn mãn.
Lễ Tống Na diễn ra với mục đích tiễn đưa các vong hồn về với biển cả.
4 Lễ hội Cầu Ngư – Nét đặc sắc không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Nha Trang – Khánh Hòa
Hiện nay ở Khánh Hòa còn khoảng 50 nơi thờ Ông Nam Hải. Lễ hội vẫn được định kỳ tổ chức, cũng là một trong những di sản văn hóa đáng trân trọng, thu hút khách du lịch cùng tham gia. Lễ hội vẫn được giữ nguyên thứ tự tế lễ, bảo toàn nguyên vẹn những giá trị vốn có của nó.
Lễ hội Cầu Ngư Nha Trang là nét đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến nơi đây.
Lễ hội là một phần tạo nên văn hóa dân gian và bản sắc riêng biệt của mảnh đất Khánh Hòa. Nếu có cơ hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, bạn không nên bỏ lỡ lễ hội Cầu Ngư ở các làng biển. Bạn hãy cùng hòa mình vào bầu không khí lễ hội vui tươi để nhìn thấy sự đoàn kết và tình yêu dành cho quê hương đất nước của những người dân nơi đây.
Trên đây là những điều sơ lược về lễ hội Cầu Ngư mà Mia.vn muốn gửi đến bạn đọc. Nếu có cơ hội tham gia lễ hội này hãy chia sẻ với chúng tôi cảm nhận của bạn nhé!