Lễ rước Long Chu Hội An là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian được bảo tồn, lưu truyền đến hiện nay. Đây được xem là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể có sức hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến Hội An. Cùng Blogdulich.edu.vn khám phá lễ hội này có gì mà đặc biệt đến vậy nhé!
1 Sự ra đời của lễ hội Long Chu Hội An
1.1 Nguồn gốc về sự ra đời của lễ hội
Long Chu là từ chỉ chiếc thuyền làm theo hình con rồng dành cho vua chúa ngày xưa để ngự lãm hoặc tuần du. Theo dân gian thì ôn hoàng, dịch lệ là lực lượng siêu nhiên gây hại cho người, đáng sợ nhưng cũng cần kính nể. Vì vậy, làm thuyền Long Chu là dựa vào loại thuyền của vua để chở thần, tướng, âm binh áp tải, tống quái, tống ôn và xú uế đi, mong hưởng được những điều tốt lành và sức khỏe cho con người.
Hình ảnh người người đang náo nức tham gia Lễ hội
1.2 Ý nghĩa của lễ hội Long Chu Hội An
Lễ hội Long Chu thực chất là một cuộc tấn công trừ khử tà ma dịch bệnh và cũng là để chuyển tải, bày tỏ sâu sắc nền văn hóa của cộng đồng cư dân nông nghiệp tại Hội An. Lễ hội này có sự tích hợp và hòa quyện giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian.
Mặc dù có những hạn chế, có màu sắc tín ngưỡng, Long Chu vẫn lấp lánh ước mơ của cư dân nông nghiệp, thể hiện sự đoàn kết, hòa đồng để cùng chiến thắng tà ma, mưu sinh. Và đây cũng là lễ hội kết hợp sản phẩm sáng tạo văn hóa của cư dân nông nghiệp sông nước Hội An. Cũng như những lễ hội khác, lễ hội Long Chu cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, phát huy những mặt tốt, giá trị của nó.
Long Chu được mô phỏng theo thuyền rồng, làm bằng cót tre, voi, giấy, vải
2 Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội
Lễ hội Long Chu được tổ chức tại làng biển quanh phố cổ Hội An, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm, ở các đình làng hoặc ở các nhà trụ sở chính quyền của các thôn, ấp.
3 Lễ hội Long Chu Hội An có gì đặc sắc
3.1 Phần lễ
Mọi việc phải chuẩn bị xong trước lễ chính 1 ngày. 7 thầy phù thủy cao tay do thầy Cả dẫn đầu cùng các học trò lễ, được gọi là người phụ tá, đi làm phép “trấn đạo lộ” (trấn yểm).
– Đầu tiên là lễ cáo thần, hay còn gọi là lễ túc yết vào khoảng giờ tý từ 12 – 2 giờ đêm với các lễ vật đơn sơ, hương đăng trà quả. Tới giờ mão (6 – 8 giờ sáng) thì làm lễ tế thần, bày tỏ lòng thành của dân làng với thần, lính cai quản nên hết sức trang nghiêm, trọng lễ. Ngoài ra còn có đọc văn tế và nhạc lễ.
– Đến giờ thìn (8 – 10 giờ sáng) thì lễ cúng Long Chu chính thức bắt đầu. Thầy cho quay đầu Long Chu ra cổng, đọc những bài chú riêng, mỗi đoạn chuyển lại gõ lệnh bài vào hương án. Các thầy con thì điểm nhạc, đọc kinh và dâng những thứ cần thiết cho thầy Cả. Thầy Cả vừa đọc những bài chú một cách bí ẩn, vừa đọc văn triệu 32 tướng chỉ huy, văn triệu âm binh, văn phát lương, văn phát nại binh.
– Đến đây lễ kết thúc tại đình và chuyển sang phần rước Long Chu. Long Chu được đưa tới những nơi đã trấn yểm hôm trước và các thầy phụ đọc kinh, đọc chú, giật khăn trấn yểm, hết nơi này đến nơi khác. Tới tối, người trong làng dùng roi quất khắp nơi rồi tràn ra đường, đốt khói lửa sáng rực chờ Long Chu đến. Họ đốt pháo, quảng roi vào Long Chu và giật bùa về dán ở ngõ.
– Đến giờ hợi, đám rước đến một nơi vắng rồi nổi lửa đốt Long Chu. Nơi gần sông thì họ thả xuống sông, trên Long Chu có những chén dầu lạc làm đèn cháy sáng, trôi dần ra biển.
Lễ cúng Long Chu chính thức bắt đầu
Long Chu được đưa đến những nơi trấn yểm trong làng để trừ tà ma
Lễ hội Long Chu Hội An vào cuối ngày
3.2 Phần hội
Sau phần lễ tế truyền thống sẽ là phần hội. Các trò chơi giải trí như hát hò khoan, hát bội, xô cộ cùng với các trò chơi dân gian được tổ chức. Người dân trong làng từ người già đến trẻ con đều tham gia và lễ hội Long Chu thường kéo dài đến tận đêm khuya.
Lễ hội Long Chu Hội An là một lễ hội truyền thống và trở thành tín ngưỡng thờ cúng tâm linh, cầu mong sức khỏe và bình an đến người dân phố cổ. Nếu bạn có kế hoạch du lịch Hội An ngay lúc này thì đừng quên khám phá lễ hội này nhé!