Lễ Vu Lan Côn Đảo được tổ chức định kỳ hàng năm, là dịp người dân nơi đây dành sự biết ơn vì công sinh thành, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ. Đồng thời cũng là dịp người dân Côn Đảo dành sự tưởng nhớ đến những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do, trở thành lễ hội rất nổi tiếng của du lịch Côn Đảo.
1 Đôi nét về Lễ Vu Lan Côn Đảo
1.1 Nguồn gốc Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan có xuất phát từ Phật giáo, bắt nguồn từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên là một người con rất hiếu thảo, đã cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ (hay còn gọi là kiếp quỷ đói). Từ đó lễ Vu Lan ra đời, trở thành ngày lễ được tổ chức định kỳ hằng năm để tưởng nhớ công sinh thành của cha mẹ, ông bà và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người về đạo lý làm người phải đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam và trở thành tín ngưỡng của đông đảo người dân thì ngày lễ Vu Lan cũng đã trở thành lễ lớn mỗi dịp rằm tháng bảy âm lịch hằng năm. Đến hiện tại, đây đã trở thành lễ hội quen thuộc với người Việt, có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục đạo đức con người, hướng chúng ta về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ Vu Lan là một trong những lễ hội quen thuộc nhất với những tín đồ Phật giáo tại Việt Nam
1.2 Điều đặc biệt của Lễ Vu Lan Côn Đảo
Côn Đảo là mảnh đất “thiêng”, là nơi ngã xuống của hàng vạn chiến sĩ cách mạng. Nơi đây từng là “địa ngục trần gian”, với hệ thống chuồng cọp, chuồng bò tàn ác và dã man, với những màn tra tấn kinh người. Nơi đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho tội ác của thực dân và đế quốc, là minh chứng cho những năm tháng đấu tranh gian khổ của dân tộc ta, cha ông ta.
Lễ Vu Lan Côn Đảo không chỉ dành sự tri ân đến ông bà, cha mẹ mà còn là dịp để chúng ta dành sự tiếc thương cho những chiến sĩ đã ngã xuống
Theo thống kế, trong 113 năm của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, có khoảng 20.000 chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống tại Côn Đảo, nhưng hiện nay chỉ có khoảng gần 2.000 nấm mồ, trong đó nhiều nấm mồ còn không có thông tin đầy đủ. Vì thế, tại đây có rất nhiều người đã hi sinh thầm lặng, có rất nhiều chiến sĩ không thể “trở về” dù hòa bình đã lập lại, có rất nhiều gia đình không biết con em của mình đã ngã xuống ở đâu, không có ngày giỗ hay bất cứ kỉ vật nào. Vì thế Lễ Vu Lan Côn Đảo, giống như Lễ giỗ chung Côn Đảo, đã trở thành dịp để người dân dành sự thành kính và tri ân đến những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh vì dân vì nước.
2 Những hoạt động trong Lễ Vu Lan Côn Đảo
Ngày Lễ Vu Lan Côn Đảo, các đoàn Tăng ni và Phật tử sẽ cùng người dân địa phương đặt hoa hồng và thắp nến tại tất cả những ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương và nhà tù Côn Đảo. Bên cạnh đó, các Phật tử còn cùng nhau tổ chức Lễ Hỏa Tịnh, dùng cát Mạn-đà-la để cầu nguyện cho những anh linh của các chiến sĩ và đồng bảo đã ngã xuống sẽ được thanh thản và về miền cực lạc.
Người dân Côn Đảo cùng các tăng ni Phật tử cầu nguyện cho linh hồn của những đồng bào đã hi sinh
Mỗi ngọn nến được thắp lên trong Lễ Vu Lan Côn Đảo chính là đại diện cho sự biết ơn và thương tiếc vô hạn, giữa không khí tĩnh mịch và có phần hiu quạnh của nghĩa trang Hàng Dương, những ngọn nến này đã tạo nên sự ấm áp và nghĩa tình. Đây chính là đại diện cho tinh thần cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự nhân văn của ngày Lễ Vu Lan truyền thống. Đồng thời, lễ hội Vu Lan cũng góp phần tạo nên sự đa dạng của loại hình du lịch tâm linh Côn Đảo, thu hút rất nhiều khách du lịch đổ về đây.
Trên đây là những thông tin về Lễ Vu Lan Côn Đảo từ cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn. Nếu có dịp đến với hòn đảo này vào tháng 7 âm lịch thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội cùng tham gia lễ hội này với các tăng ni Phật tử và người dân Côn Đảo nhé.