Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên là một điểm đến tâm linh của du lịch An Giang. Nơi đây được người dân lui tới để nguyện cầu những điều bình an, tốt lành trong cuộc sống.
Bạn đang đọc: Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên, không gian bình yên ở An Giang
An Giang vốn là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể của du lịch miền Tây Nam Bộ. Bạn có biết, nơi đây sở hữu những danh thắng đẹp đẽ và các điểm đến tâm linh mang màu sắc huyền bí. Nếu bạn có dịp đặt chân đến Tịnh Biên, vùng đất giáp ranh với biên giới Campuchia, bạn sẽ thấy điểm sáng này lung linh và xinh đẹp đến nhường nào. Ngoài những điểm đến đã được giới du lịch biết đến nhiều như Rừng tràm Trà Sư hay Chùa Vạn Linh Núi Cấm, vùng đất này còn được chú ý bởi một địa danh mang màu sắc tâm linh. Đó chính là Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên.
1 Tổng quan về Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên
1.1 Giới thiệu sơ nét về Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên
Bên cạnh Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc vốn nổi tiếng gần xa, du lịch An Giang còn có một địa danh có tín ngưỡng thờ Bà được người dân nô nức đến đây thăm viếng. Đó chính là Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên.
Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở An Giang
Đúng như tên gọi, Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp trước đây tọa lại tại ấp Sơn Đông, xã Thới Sơn nay là khóm Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là địa điểm du lịch tâm linh tại tỉnh An Giang được dân thập phương nô nức đổ về để nguyện cầu những điều bình an, sức khỏe cũng như công danh sự nghiệp.
Miếu Bà tọa lạc tại một vùng quê khá yên tĩnh và thanh bình. Từ khu vực miếu trông ra xa xa, bạn có thể thấy thấp thoáng là ngọn núi Anh Vũ với nét đẹp huyền bí. Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp cũng là địa danh gắn liền với sự hình thành và khai hoang của vùng đất Thới Sơn.
Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp tọa lạc tại một vùng đất vô cùng an tĩnh và thanh bình
Tương truyền, Miếu Bà được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc Phật Thầy Tây An Minh Huyên đã dắt tín đồ của mình đi khai hoang, lập ấp tại vùng Thới Sơn này. Trước đây, vùng đất trước Miếu Bà là một bàu nước ngọt tự nhiên khá lớn, không bao giờ cạn. Trên mặt bàu nước là những sợi dây mướp rừng đua nhau vươn dài chằng chịt. Từ đó, người dân nơi đây gọi địa danh này là Bàu Mướp, đây cũng là căn nguyên cho sự ra đời tên gọi của Miếu bà Chúa Xứ sau này.
Vào mỗi độ 19 tháng 4 Âm lịch hàng năm, người dân địa phương và những tín đồ hành hương tề tựu tại Miếu Bà để tham gia lễ vía. Lễ Vía Bà Chúa Xứ Bàu Mướp được tổ chức với nghi lễ khá long trọng và chu đáo, với mong muốn cầu cho gia đạo của những người dân đến viếng trong ngoài được yên vui, công việc được suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió. Từ đó, sự linh thiêng và màu nhiệm của Bà Chúa Xứ Bàu Mướp đã đi vào tâm thức của những người dân Tịnh Biên nói riêng và tín đồ gần xa nói chung.
Giới thiệu sơ nét về Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên. Video: Tâm Nguyệt
1.2 Cách di chuyển đến Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên
Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên nằm khá gần đường lớn nên cũng dễ di chuyển. Từ trung tâm của thành phố Long Xuyên, bạn di chuyển men theo hướng Quốc lộ 91 khoảng 70 km. Khi đến ngã ba có một con đường đối diện Hội chữ thập đỏ huyện Tịnh Biên, bạn có thể rẽ trái vào khoảng 1km nữa sẽ gặp được Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp. Trên cung đường này, bạn có thể ngắm được Khu du lịch Núi Sam Châu Đốc từ phía xa vô cùng xinh đẹp và hữu tình.
Ngoài ra, nếu di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đón các tuyến xe khách về thành phố Châu Đốc. Sau đó, bạn hãy đặt ô tô riêng hoặc thuê xe máy rồi di chuyển về Quốc lộ 91 theo hướng Tịnh Biên để đến được với Miếu Bà cũng như tiện thể tham quan các điểm đến lân cận.
2 Không gian kiến trúc độc đáo của Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên
Không chỉ nổi tiếng về sự linh thiêng, Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên còn được biết đến bởi không gian kiến trúc độc đáo và có nhiều nét riêng biệt.
Theo lời kể lại của những người dân địa phương, trước đây, Miếu Bà chỉ là một ngôi miếu khá nhỏ được lợp nên bởi những mái lá đơn sơ. Trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, Miếu Bà ngày nay đã mang được một dáng vẻ có phần uy nghi và rộng lớn hơn xưa. Diện tích của Miếu Bà tính đến thời điểm hiện tại đã rộng khoảng 1,7 hecta. Phía trước miếu là không gian xanh rì của những cánh đồng lúa đặc trưng miền Tây. Tất cả tạo nên một cảm giác thanh bình và nhẹ nhàng cho những người dân thập phương khi đặt chân đến với địa danh này.
Khi đến viếng Bà, bạn có thể sẽ bị choáng ngợp bởi phần sân miếu khá rộng rãi và thoáng đãng. Sân miếu được lót đá núi và trang trí với nhiều cây xanh, hoa kiểng được tạo dáng trau chuốt cầu kỳ, đẹp mắt. Trong khuôn viên sân có một hồ sen vốn là nơi bàu mướp năm xưa. Hồ khá rộng lớn. Trong lòng hồ, từng đàn cá tung tăng bơi lội giữa những đóa sen tỏa hương thơm ngát. Tất cả tạo nên một không gian trầm lắng mang màu sắc an nhiên thiền tịnh.
Tìm hiểu thêm: Chùa Sóc Lớn Bình Phước, độc đáo nét văn hoá của người Khmer
Giữa sân của Miếu Bà có một hồ nước tràn ngập hoa sen và những đàn cá đang bơi lội tung tăng
Sau khi bước qua phần sân, bạn sẽ được chiêm ngưỡng không gian chính là ngôi miếu được xây dựng gồm 3 gian, 2 chái. Miếu có nóc cổ lầu và mái tam cấp được đổ bê tông, phía trên là những lớp ngói men mang màu vàng đậm chất âm dương. Dưới các phần mái, bạn có thể bắt gặp các phần diềm ngói hình hoa cúc mãn khai được gắn vào. Bờ nóc được trang trí với bộ tượng thể khối lưỡng long tranh châu, một hình ảnh khá quen thuộc trong kiến trúc đình, chùa, miếu, mạo ở Việt Nam. Các đầu kỳ cùng góc mái sẽ được ấn tượng phụng và các mảng dây lá được cách điệu, tất cả như hòa hợp với nhau tạo thành một khối kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao. Giữa các cấp mái có các mặt dựng viền diềm được tô vẽ các bức tranh sơn thủy đa màu sắc. Những bức tranh này gắn liều với những điển tích, hình ảnh sông núi, làng quê và sự trù phú của vùng đất Thới Sơn.
Miếu Bà là một kiến trúc được xây dựng gồm 3 gian, 2 chái với những bức tượng được chạm trổ tinh xảo
Bên trong Miếu Bà có kết cấu bao gồm 4 phần là vỏ ca, phủ quy, chánh điện và nhà hậu. Trong đó, chánh điện là không gian thờ tự chính. Nơi đây được đặt bàn thờ của Bà Thánh Mẫu Tiên Nương vô cùng uy nghiêm. Quanh tượng Bà có trang trí những ngọn đèn pha lê được mạ đồng lấp lánh như điểm tô thêm sự uy nghi.
Ngoài ra, Miếu Bà còn có những hạng mục khác như Nhà bia liệt sĩ để tưởng niệm các anh hùng ở thị trấn Nhà Bàng đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ tổ quốc. Năm 2018, Hạng mục Tượng Phật Di Lặc và Nhà trưng bày nông cụ truyền thống cũng được hoàn thành và trở thành một phần của quần thể danh lam.
3 Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp – Địa danh gắn liền với những phong trào cách mạng địa phương
Ngoài việc sở hữu một kiến trúc đẹp mắt, Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp còn là địa danh gắn liền với những chiến công lịch sử của cách mạng Thới Sơn (nay là thị trấn Nhà Bàng) trong 2 cuộc kháng chiến giành lại độc lập và tự do của dân tộc.
Với địa thế là vùng đất khá rộng lớn, lại được bao quanh bởi núi Đất, Anh Vũ sơn và liên hoàn các căn cứ cách mạng, khu vực Miếu Bà là một nơi có địa hình hiểm yếu và khả năng hạn chế đường đi của quân địch vào quận lỵ Tịnh Biên hay quân trường Chi Lăng. Miếu Bà là khu vực hậu cứ phục kích bắn tỉa rất lợi hại của quân ta. Từ địa điểm này, các phong trào đấu tranh đã được bung ra và phát triển lớn lao khắp các xã, huyện lân cận.
Với vẻ đẹp về mặt kiến trúc, tín ngưỡng cùng với những đóng góp gắn liền qua tháng năm lịch sử kháng chiến, Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh An Giang vào năm 2012.
>>>>>Xem thêm: Canh thụt độc đáo khiến nhiều người mê mẩn ở Bình Phước
Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên được công nhận là một Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh An Giang
Là điểm đến không chỉ mang dáng dấp của một địa danh du lịch tâm linh, Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp Tịnh Biên còn mang tầm vóc của một di tích lịch sử trong những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hy vọng với những thông tin được Cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn chia sẻ, bạn sẽ có được những góc nhìn khác hơn về điểm du lịch tâm linh này.