Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Mật ong rừng U Minh là đặc sản nổi bật mà bất kỳ tín đồ ẩm thực nào cũng nên thưởng thức một lần khi có dịp du lịch Cà Mau. Cùng theo chân Blogdulich.edu.vn đi khám phá vị ngọt của vùng Đất Mũi của Việt Nam bạn nhé!

Nhắc đến ẩm thực tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, nhiều tín đồ du lịch sẽ nghĩ ngay đến cá khô khoai chấm nước mắm me, tôm khô Rạch Gốc hay Rùa rang muối Cà Mau… Mật ong rừng U Minh cũng là một đặc sản hấp dẫn độc lạ mà bạn không thể bỏ lỡ trong hàng trình khám phá Cà Mau. Mật ong được ví như cao của hàng trăm loại hoa, chứa nhiều dinh dưỡng dùng làm thuốc và bồi bổ sức khỏe. Công dụng của loại thực phẩm này nhiều không thể kể hết và mật ong thiên nhiên rừng U Minh Hạ lại càng tốt hơn.

Tổng quan về đặc sản Mật ong rừng U Minh

1.1 Giới thiệu Mật ong rừng U Minh

Rừng U Minh là một trong những địa điểm tham quan tại Cà Mau vô cùng nổi tiếng. Nhắc đến địa danh này, các tín đồ du lịch sẽ nghĩ ngay đến cá đồng, vườn tràm và đặc biệt nhất là mật ong rừng U Minh, một đặc sản quý giá nhất của vùng Đất Mũi Cà Mau. Rất khó để tìm được thứ mật ong như ở rừng tràm U Minh Hạ bởi nó sánh một màu vàng nhẹ, óng ả tựa tơ nắng. Toàn bộ rừng U Minh Hạ sở hữu nhiều cây hoa tràm, nơi đây giống như một kho nguyên liệu khổng lồ để ong làm mật. Mật ong rừng U Minh trong và vàng như nước cam, đặc đến mức có thể rót vào chai không cần phễu. Mật hoàn toàn từ thiên nhiên, không hề bị pha trộn cho nên dù để lâu năm không đổi màu, biến chất và bị đọng đường.

Rừng U Minh Hạ có diện tích khoảng 30.000 ha và có sản lượng mật ong khoảng 1.000 tấn cho một năm thu hoạch. Vào thời gian đầu tháng 3 và tháng 4 âm lịch, rừng tràm bắt đầu lác đác trổ những bông tràm nhỏ nhắn, bao phủ khu rừng như mái tóc vừa ngã bạc. Từng chùm nhụy hoa mềm mại, thơm dịu lan tỏa mùi hương ra khắp không gian, hấp dẫn nhiều đàn ong bay đến hút mật. Mật ong thu hoạch từ mùa nắng là tốt nhất và giá trị nhất. 

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Rừng tràm U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Những con ong hút mật hoa tràm nên cho ra vị ngọt thanh, màu mật đẹp mắt

1.2 Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ

Nghề gác kèo ong của người dân ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau là nghề truyền thống có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghề gác kèo không chỉ mang đến cho đời nhiều mật ngọt mà còn sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân lão luyện, có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề cũng như tình yêu rừng U Minh và đàn ong. Người gác kèo giỏi cần phải có kỹ thuật, kiến thức và bí quyết gia truyền để lấy được mật ong rừng U Minh một cách hoàn hảo. 

Vào tháng 11 và 12 hằng năm, khi hoa tràm rừng U Minh nở rộ cũng là thời điểm các loài ong bay về để đóng tổ trên những nhánh cây. Sau thời gian quan sát, các cư dân sinh sống giữa rừng tràm bạt ngàn phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà. Nắm được quy luật đó, họ bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và nảy ra ý tưởng làm nhà cho ong, từ đó nghề gác kèo ong cũng được ra đời.

Quy trình để thu hoạch mật ong rừng U Minh không hề đơn giản, nếu không có đủ kinh nghiệm và sự khéo léo thì rất nguy hiểm. Người gác kèo phải chọn những cây tràm có nhánh thấp và trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật. Tiếp đó là phải biết cách chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ cũng như sắp xếp khoảng trống để đàn ong có thể bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm dày dặn bởi vì không phải ai gác thì ong cũng đến làm tổ. Thông thường, kèo sẽ được gác theo hình mái nhà. Người ăn ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho luôn có ánh mặt trời chiếu vào cả hai bên, nghĩa là dù ở bất cứ thời gian nào cũng phải có tia nắng rọi vào. Thời gian từ lúc mặt trời mọc đến 9 giờ sáng rất thích hợp để gác kèo vì lúc này sẽ dễ dàng để xác định đúng hướng nắng chiếu vào. Nguồn gốc cái tên ăn ong là do người thợ khi lấy mật ở tổ thường có thói quen thưởng thức ngay một phần mật và tàng ong non để khen thưởng cho công sức vất vả của mình, đồng thời đây cũng là một cách để người thợ đánh giá chất lượng của mật ong. 

Để lấy thành công mật ong rừng U Minh, người thợ phải mang theo nhiều vật dụng hỗ trợ như một chiếc gùi, hộp quẹt, nhúm bùi nhùi bằng xơ dừa, hay vỏ tràm khô, con dao và chiếc mạng che mặt. Sau đó, người ta sẽ chọn lựa thợ vị trí thuận tiện, dùng sào dài đưa đến gần tổ và bắt đầu đốt đuốc. Khi gặp phải khói cay, đàn ong sẽ bay ra khỏi tổ để bỏ trốn. Đây chính là thời điểm vàng để thu hoạch mật ong. Lúc này, người thợ sẽ dùng dao cắt mật tách ra khỏi phần tàng, sau đó bỏ đi những khu vực có màu đen và chỉ chừa lại một phần tàng khoảng 1/3 để ong có thể làm tổ mới, có thêm mật cho lần thu hoạch tiếp theo. 

Sau khi cắt lấy tàng ong ra khỏi tổ thì sẽ đến công đoạn vắt hoặc ép lấy mật. Mật ong thường được trữ trong các bình thủy tinh màu tối, đặt ở nơi thoáng mát và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để bảo quản được lâu hơn. Người dân địa phương cũng không lược hoặc vớt hết phần sáp ong nổi trên mặt vì làm như vậy mật sẽ dễ bị chua. Mật ong rừng U Minh thu hoạch vào mùa khô có thể sử dụng trong thời gian 3 năm. Còn mật ong vào mùa mưa thì thời gian dùng ngắn hơn, nếu để quá lâu sẽ sinh ra hiện tượng bọt nổi nhiều vì lượng nước trong mật ong tăng lên. 

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Người đi ăn ong dùng dụng cụ hun khói để dụ con ong bay đi 

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Tổ ong mật to khổng lồ ở rừng U Minh Hạ

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Người thợ mang chiếc mạng che mặt để tiến hành lấy mật 

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Mật ong rừng U Minh thu hoạch không hề dễ dàng

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Các tín đồ du lịch có thể tham gia trải nghiệm đi ăn ong cùng những thợ chuyên nghiệp

Vị ngọt có một không hai của mật ong rừng U Minh

Mật ong rừng U Minh là đặc sản ấn tượng của vùng đất Cà Mau và nổi tiếng với chất lượng thượng hạng không nơi nào sánh bằng. Mật ong ở rừng U Minh có màu vàng hổ phách, óng ánh, đặc sệt cực kỳ bắt mắt. Loại mật này sở hữu hương thơm đặc biệt của hoa tràm, mùi rất nồng nàn hòa cùng với một ít hương vị của cái nắng, cái gió được thiên nhiên ban tặng. Khi thưởng thức mật ong rừng U Minh Cà Mau, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt hơi gắt, đọng lại trong cổ họng một ít vị chát và hậu chua nhè nhẹ. Đây cũng chính là nét hấp dẫn làm nên sức hút của đặc sản này, vì mật ong được khai thác từ thiên nhiên và không trải qua quá trình xử lý hạ độ ẩm, công đoạn vắt cũng được thực hiện thủ công nên sẽ có một ít phấn hoa, sáp ong, ong non… bị lẫn vào chung với mật ong. Cũng vì thế mà bạn sẽ thường thấy mật ong rừng U Minh có nhiều bọt và khí gas hơn thông thường. Bên cạnh Khô cá ngát Cà Mau, mật ong rừng U Minh là đặc sản bạn nhất định phải tìm mua khi có dịp du lịch vùng Đất Mũi. 

Mật ong rừng tràm tự nhiên có nhiều dược tính, thường được chọn làm nguyên liệu cho các sản phẩm dược đông y và sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Tổ ong không chỉ mang đến mật ong ngon ngọt mà còn được tận dụng tạo thành các sản phẩm khác có thể kể đến là sáp ong dùng để làm đèn cầy, ong non có thể chế biến thành các món ăn đặc sắc như tàng ong non chấm mật, gỏi ong non, tàng ong non chiên bột… Nhờ vào chất lượng hảo hạng, màu sắc vàng óng ả cùng hương thơm hoa tràm đặc trưng, để lâu vẫn giữ nguyên hương vị, sản phẩm mật ong U Minh đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2011. 

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Cận cảnh một phần tàng ong sau khi thu hoạch

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Mật ong rừng U Minh đặc sánh, có màu vàng như cam

Thưởng thức Mật ong rừng U Minh, vị ngọt của miền cực Nam Tổ quốc

Mật ong rừng có nhiều bọt và khí gas hơn bình thường

Mật ong rừng U Minh chắc chắn là đặc sản quý hiếm, hảo hạng mà bạn sẽ không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác ngoại trừ vùng đất tận cùng Cực Nam của Tổ quốc. Còn chần chờ gì nữa mà không lưu ngay bài viết này vào cẩm nang du lịch của mình để đến thưởng thức khi có dịp ghé Cà Mau nào bạn ơi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *