Những nghề truyền thống ở Cà Mau nào đang chờ bạn khám phá? Theo chân Blogdulich.edu.vn tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc sắc này trong chuyến du lịch Cà Mau nhé.
Bạn đang đọc: Top những nghề truyền thống ở Cà Mau có thể bạn chưa biết
1 Khám phá 5 nghề truyền thống ở Cà Mau mà có thể tín đồ du lịch chưa biết
Cà Mau là một tỉnh ven biển nằm ở cực Nam của Việt Nam thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên đầy thơ mộng, nơi đây còn nổi tiếng với vô số di tích có từ thời khai hoang mở cõi cùng nhiều làng nghề truyền thống mang đậm nét đẹp văn hóa.
Dừng chân nơi đây trong chuyến du lịch miền Tây sông nước, bên cạnh viếng thăm các công trình kiến trúc gắn liền với lịch sử, trải nghiệm tìm hiểu những ngành nghề truyền thống ở Cà Mau cũng như tham quan ngôi làng đã gìn giữ và phát huy công việc được cha ông truyền thừa qua bao đời này hứa hẹn sẽ mang đến bạn những giây phút khám phá vô cùng đặc sắc. Cùng Blogdulich.edu.vn “nghía” qua một số nghề truyền thống hiện đang có mặt tại tỉnh thành này nhé.
1.1 Dệt chiếu – Nghề truyền thống ở Cà Mau phổ biến nhất
Địa chỉ làng nghề dệt chiếu: Phường Tân Thành (Thành phố Cà Mau), xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), xã Tân Lộc (huyện Thới Bình)
Nhắc đến nghề truyền thống ở Cà Mau, không ai là không nghĩ đến những ngôi làng chuyên dệt chiếu. Tuy bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều làng nghề dệt chiếu trên địa bàn tỉnh thành nhưng 3 địa điểm được nhiều người biết đến nhất đó là ngôi làng tại phường Tân Thành (Thành phố Cà Mau), xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi) cùng xã Tân Lộc (huyện Thới Bình). Trong đó, chiếu hoa thuộc làng Tân Thành là có tên tuổi nổi tiếng nhất.
Ghé những ngôi làng này tham quan, khám phá, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt quy trình mà nhóm thợ thủ công tạo nên chiếc chiếu đủ màu sắc, hoa văn tuyệt đẹp. Từ những loại nguyên liệu như sợi lác, dây đay, dây bố… người làm chiếu đã pha nhuộm chúng thành nhiều màu sắc bắt mắt khác nhau rồi sử dụng chúng tỉ mỉ dệt nên tấm chiếu đã được định hình sẵn họa tiết. Có nhìn thấy người người nhà nhà nơi đây ngồi quây quần dệt chiếu, lấy từng sợi lác đan vào nhau sao cho đúng màu và hình vẽ, bạn mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của cái nghề truyền thống lâu đời này.
Dệt chiếu là nghề truyền thống ở Cà Mau khá phổ biến
1.2 Nghề làm mắm
Địa chỉ làng nghề làm mắm: Xã Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), khu vực huyện U Minh, huyện Thới Bình
Mắm từ lâu đã là món ngon gắn liền với các tỉnh thành miền Tây sông nước, trong đó có Cà Mau. Phát triển với nền ẩm thực địa phương phong phú là Nghề làm mắm ở Cà Mau cùng các ngôi làng có con cháu 2, 3 đời chế biến đặc sản. Nhìn chung, xã Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) với món ba khía muối được ví von như tinh hoa ẩm thực và khu vực huyện U Minh – nơi có rừng cây tràm bạt ngàn sắc xanh cùng môi trường nước cực kì lý tưởng để nuôi trồng thủy sản là 2 địa điểm có nhiều làng nghề làm mắm nhất.
Mắm có thể chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như ba khía, tôm, cá sặc, cá lóc… Thế nhưng bí quyết để tạo nên vị ngon khó cưỡng của món ăn này nằm ở công đoạn ướp muối và mang đi ủ. Có dịp nhìn ngắm những người thợ làm mắm với đôi tay thoăn thoắt sơ chế cá, sau đó tẩm ướp muối đều lên tất cả các bề mặt và nhấn chặt vào hũ để đem đi ủ, bạn sẽ không khỏi mê mẩn trước quy trình chế biến món ngon kỳ công cùng độ chuyên nghiệp của cư dân kiếm sống bằng nghề truyền thống này.
1.3 Nghề đan lát
Địa chỉ làng nghề đan lát: Xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình), xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), xã Phước Quới (huyện Châu Thành)
Đan lát là nghề truyền thống ở Cà Mau tiếp theo có mặt trong danh sách này. Không chỉ là cái nghề gắn bó sâu sắc với lịch sử hình thành và phát triển của vùng sông nước, đây còn là kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số, đặc biệt là cộng đồng người Khmer sinh sống tại xã Phước Quới, huyện Châu Thành. Đối với cư dân nơi đây, đan lát đã cứu người Khmer thoát khỏi cảnh đói nghèo đồng thời giúp con cái họ có thể học hành thành đạt.
Với nguyên liệu chính là các loại tre, trúc khai thác từ khu vực địa phương, người Cà Mau kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông đã tạo nên vô số sản phẩm độc đáo, đẹp mắt như thúng, rổ, cót… Bởi vì sản phẩm làm hoàn toàn bằng tay nên thành quả bày bán ra và được các bạn gần xa mua về làm quà du lịch cho gia đình, bạn bè chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tay nghề khéo léo cũng như óc thẩm mỹ của những người thợ. Ngày nay, không chỉ dừng chân ở thị trường nội địa, thành phẩm đan lát còn được xuất khẩu đi các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan.
Tìm hiểu thêm: Nước cốt trái cây Đà Lạt – Giải nhiệt mùa hè với các loại nước bổ dưỡng ở thành phố sương mù
Đan lát là kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình người Khmer tại xã Phước Quới
1.4 Nghề gác kèo ong
Địa chỉ làng nghề gác kèo ong: Khu vực rừng tràm U Minh Hạ
Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ được đánh giá là công việc vất vả, kỳ công nhưng cũng mang đậm tính địa phương nhất vùng đất này. Sở hữu cánh rừng tràm rộng lớn cùng điều kiện thiên nhiên cực kì thuận lợi, thế hệ đi trước tận dụng sự hiểu biết về tập tính sống của loài ong đã sáng tạo và phát triển công việc đầy thú vị nhưng cũng không kém phần gian nan và đòi hỏi tay nghề cao này.
Để gác kèo “ăn ong”, người dân nơi đây sẽ trải qua quy trình gồm 3 giai đoạn chính. Đầu tiên là chuẩn bị hệ thống kèo bằng cây tràm và đặt theo đúng hướng nắng, hướng gió để dụ ong về làm tổ. Tiếp theo là chờ đợi từ 20 đến 30 ngày để cho vỡ tổ rồi thu về mật ngọt cùng các tảng ong non. Sở dĩ nói công việc này rất vất vả và khó khăn là vì để phá tổ ong, người thợ cần phải có kinh nghiệm nhất định trong việc phán đoán tập tính của loài vật này đồng thời thực hiện các quy trình phun khói, rạch tổ một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Thành quả mang lại thì ai cũng biết, đó chính là món Mật ong rừng U Minh ngon thượng hạng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là nhãn hiệu độc quyền.
1.5 Nghề làm dưa bồn bồn
Địa chỉ làng nghề làm dưa bồn bồn: Xã Thanh Tùng, Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước), khu vực huyện U Minh và Trần Văn Thời
Chế biến dưa bồn bồn là nghề truyền thống ở Cà Mau cuối cùng góp mặt trong danh sách. Đây là nghề rất phổ biến tại xứ Mũi, do đó bạn có thể tìm thấy những ngôi làng làm dưa bồn bồn ở bất cứ đâu từ huyện U Minh, Trần Văn Thời đến Đầm Dơi, Cái Nước… Hình ảnh cánh đồng cây bồn bồn trải dài cùng món ăn hấp dẫn này từ lâu đã gắn bó sâu sắc với đời sống của người dân địa phương, thậm chí được mang vào câu ca mùi mẩn của bài “Nhớ Đầm Dơi” đó là: Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng/Thương em một đời dãi nắng, dầm mưa.
Công thức làm dưa bồn bồn tuy nhiều bước nhưng qua đôi bàn tay dày dặn kinh nghiệm của người theo nghề truyền thống thì chỉ như cái chớp mắt. Nếu có dịp ghé thăm các ngôi làng làm dưa khám phá quy trình chế biến món ăn, bạn chắc chắn sẽ choáng ngợp trước cách các cô chú sơ chế sản vật thiên nhiên rồi dùng sợi chỉ chẻ đôi chúng cho vào hủ và thêm vào nước cơm vo để lên men một cách đầy chuyên nghiệp. Bồn bồn sau khi ủ vài 3 ngày đã có thể ăn hoặc chế biến cùng nhiều món ngon khác. Món ăn hình thành trong thời kì chiến tranh khốn khó và được các làng nghề lưu truyền cho đến ngày hôm nay chính là tinh hoa ẩm thực mang trong mình nét đẹp văn hóa vùng đất này.
>>>>>Xem thêm: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và điều kỳ thú chưa ai biết
Nghề làm dưa bồn bồn đã gắn bó lâu đời với người dân Cà Mau
Những nghề truyền thống ở Cà Mau vừa được Blogdulich.edu.vn giới thiệu bên trên chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi mê đắm nét đẹp văn hóa tại tỉnh thành miền Tây sông nước này. Nhanh tay lưu ngay địa chỉ các làng nghề vào cẩm nang du lịch để có dịp ghé tham quan, trải nghiệm nhé bạn ơi!