Chợ phiên mang trong mình nét đẹp văn hóa lâu đời và là nơi hội tụ của các dân tộc thiểu số vùng cao. Cùng Blogdulich.edu.vn điểm qua những nét đặc sắc nhất cùng các phiên chợ nổi bật thông qua bài viết chi tiết sau.
1 Chợ phiên, nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa vùng cao
1.1 Giải mã chợ phiên
Khi con người bắt đầu sản xuất dư thừa của cải cũng là lúc xuất hiện nhu cầu trao đổi của cải kiếm được để lấy những thứ cần thiết trong cuộc sống và dự trữ. Ban đầu người ta chỉ tụ tập hẹn theo nhóm nhỏ vài người trao đổi, sau đó dần tăng tới vài chục, hàng trăm… rồi có một thời gian, địa điểm nhất định và hình thành chợ.
Điểm khác biệt giữa chợ phiên và chợ thông thường là ở chỗ phiên chợ này chỉ mở bán trong những ngày cố định. Có những phiên chợ sẽ họp vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, nhưng cũng có những phiên chợ mở vào thứ Năm, thứ Sáu… Thời gian bắt đầu thường từ sáng sớm cho đến chiều muộn.
Chợ phiên chỉ mở bán trong những ngày cố định và là nơi mọi người để trao đổi, mua bán, giao lưu với nhau
1.2 Nơi lưu giữ nét văn hóa bản địa
Dù cho các cửa hàng tiện lợi và siêu thị ngày nay đã dần thay thế chợ truyền thống, nhưng các chợ phiên vùng núi phía Bắc vẫn còn tồn tại tới bây giờ với đông đảo người ghé thăm. Bạn có thể thử trải nghiệm nét văn hóa nguyên sơ và dung dị này một lần nếu có cơ hội đi khám phá vùng cao. Chợ phiên mang đậm không gian văn hóa cộng đồng với nhiều nét độc đáo của người dân bản địa.
Đây không chỉ đơn giản là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của người dân bản địa với kho tàng ẩm thực, trang phục đậm nét đặc trưng. Người đến với chợ phiên cũng đa dạng độ tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già nhưng đông đảo nhất là các nam thanh nữ tú. Phụ nữ thường đến chợ phiên để mua sắm trong khi các ông chồng thường thích ghé giao lưu uống rượu, nhảy múa… Thanh niên nam nữ đến giao lưu ghép đôi, trẻ nhỏ đi với cha mẹ, tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc màu lý thú.
Ngoài ra phiên chợ này còn là một kho tàng văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc
1.3 Đồ dùng được người dân chuẩn bị cho chợ phiên
Người dân vùng cao thường thức dậy từ khi trời còn tờ mờ tối để chuẩn bị cho chợ phiên. Họ sẽ mang theo hành lý đơn sơ gồm chiếc gùi đựng vài cân gạo, mấy mớ rau, nải chuối… hoặc cũng có thể là bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, liềm… Có nhà thì dắt theo trâu, bò, ngựa, hoặc vài con gà, vịt… là kết tinh từ lao động cần cù của người dân bản địa.
Hàng hóa sau đó cũng được bày bán vô cùng đơn giản, chỉ cần trải bạt ra giữa đất chào hàng hoặc tốt hơn chút là có lán nhỏ làm bằng tre, nứa. Dù đơn sơ nhưng theo kinh nghiệm du lịch, đây cũng là nơi bạn có thể mua được nhiều của ngon vật lạ còn tươi mới từ núi rừng.
Người dân thường chuẩn bị những sản vật do gia đình sản xuất mang đến phiên chợ
1.4 Không gian sôi động ngày họp chợ
Chợ phiên mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao. Tại đây bạn sẽ được ngắm nhìn những gương mặt chất phác của người dân địa phương trong bộ trang phục truyền thống. Nhiều mặt hàng thổ cẩm được trưng bày tại chợ phiên như váy áo được thêu tay tinh xảo. Không gian tấp nập từ sáng đến đêm còn có thêm một gam màu đặc biệt, màu nhuộm chàm in hằn trên đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc.
Trang phục thổ cẩm thường bắt gặp ở chợ phiên vùng cao
2 Một số chợ phiên vùng cao nổi tiếng
2.1 Chợ phiên Bắc Hà
Chợ phiên Bắc Hà được đánh giá cao trong nước và cả khu vực Đông Nam Á. Phiên chợ họp mỗi tuần một lần vào sáng Chủ nhật, nằm cách TP Lào Cai 70km và nằm ngay ở trung tâm thị trấn Bắc Hà. Dù đã trải qua một thời gian hình thành và phát triển rất dài nhưng nơi đây vẫn còn giữ được nét đặc sắc vô cùng hiếm có, hội tụ từ các dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Dao, Phù Lá…
Chợ được chia thành nhiều khu vực như: khu đồ thổ cẩm, khu bán rau củ quả, khu bán đồ ăn, khu cây cảnh… Trong đó khu vực chiếm tỷ lệ nhiều nhất là khu bán đồ nông sản của người dân địa phương. Đặc biệt, khách tham quan ghé thăm chợ phiên Bắc Hà còn được thưởng thức nhiều món ngon đặc sản cao nguyên như: thắng cố, phở chua Bắc Hà, bánh đúc ngô…
Chợ phiên Bắc Hà có khu đồ thổ cẩm riêng biệt
2.2 Chợ phiên Hoàng Su Phì
Chợ phiên Hoàng Su Phì có lịch sử lên đến hơn 200 năm, nằm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Phiên chợ này khá đặc biệt vì chỉ họp duy nhất một ngày Chủ nhật hàng tuần. Người tham gia phiên chợ chủ yếu là người đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao… Điều đầu tiên Blogdulich.edu.vn khuyên bạn nên trải nghiệm tại phiên chợ là thưởng thức các món ngon đặc sản Hà Giang, chẳng hạn như: thắng cố, thắng dền, phở chua… với giá tương đối rẻ.
Đặc biệt, trên khắp các tuyến đường chính của chợ phiên bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái Nùng mang theo đủ loại trang sức bạc xuống núi bán. Họ thường đeo trang sức trên cổ, đầu hoặc bất cứ đâu mà người mua thấy được. Thậm chí còn có những người phụ nữ người Mông, người Dao lặn lội hàng chục cây số với dăm ba mớ rau, con gà đem đi bán.
Khung cảnh người mua, kẻ bán tại chợ phiên Hoàng Su Phì
2.3 Chợ phiên San Thàng Lai Châu
Chợ phiên San Thàng họp cách thành phố Lai Châu khoảng 5km vào sáng thứ Năm và sáng Chủ nhật hàng tuần. Người đến chợ phần lớn là đồng bào dân tộc quanh vùng, họ đến từ sớm với những sản vật của núi rừng như: mật ong rừng, gà rừng, khăn áo thủ công… Khách tham quan đến với chợ phiên có thể nhìn thấy nhiều màu sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc nơi đây. Thật không khó để gặp được những cô gái dân tộc Lự má hồng hây hây, thiếu nữ dân tộc Giáy trong trang phục nhẹ nhàng cùng tiếng nhạc dặt dìu gọi đồng bạn.
Hình ảnh đồng bào dân tộc đang tỉ mẩn thêu khăn thủ công ở chợ phiên San Thàng
2.4 Chợ phiên Đồng Văn Hà Giang
Chợ phiên Đồng Văn họp vào mỗi Chủ nhật hàng tuần. Khi mặt trời còn chưa mọc hẳn các bà các mẹ đã tranh thủ mang hàng hóa do gia đình sản xuất đến chợ để mua bán hoặc trao đổi. Mỗi tháng phiên chợ sẽ có thêm một ngày đặc biệt để tổ chức những chương trình văn hóa dân tộc để khách tham quan thưởng thức, chẳng hạn như: thi chọi chim, trưng bày dệt thổ cẩm… Lúc này chúng ta sẽ được tìm hiểu thêm về văn hóa của người Đồng Văn nói riêng và Đông Bắc nói chung. Trong lễ còn có bàn tiệc để mọi người kính nhau ly rượu ngô bên bát thắng cố.
Khung cảnh chợ phiên Đồng Văn vào những ngày đầu đông
2.5 Chợ phiên Mèo Vạc
Chợ phiên Mèo Vạc họp vào Chủ nhật hàng tuần từ lúc trời còn tờ mờ sáng. Vào hôm đó, người dân từ 18 xã, thị trấn tại huyện Mèo Vạc và các xã lân cận tại Yên Minh, Đồng Văn sẽ ghé thăm nơi đây để cùng nhau trao đổi, buôn bán. Ngoài đóng vai trò là địa điểm để người đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy, Lô Lô… trao đổi, mua bán nhu yếu phẩm, chợ phiên còn là dịp để mọi người giao lưu gặp gỡ, làm quen và tâm tình. Người dân địa phương sẽ không nói thách giá hay ép khách mua, hàng bán không hết họ sẽ mang về và đợi đến phiên chợ sau tiếp tục bán.
Không gian tấp nập vào ngày họp chợ phiên Mèo Vạc
Hy vọng những trải nghiệm độc đáo với muôn vàn các món ngon tại chợ phiên sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về văn hóa của người dân vùng cao nơi đây. Đừng quên mang theo trang phục gọn hàng, quần áo ấm trong vali nhé, Blogdulich.edu.vn lưu ý rằng các phiên chợ thường họp từ sáng sớm nên không khí có phần hơi se se lạnh đấy.