Di tích Cây Da đôi là một công trình vừa mới được tôn tạo cách đây không lâu và trở thành điểm tham quan, về nguồn nổi tiếng mà bạn nên ghé thăm khi du lịch Bến Tre. Vốn là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, di tích này hiện vẫn giữ gìn nhiều tư liệu, hiện vật quý giá lúc bấy giờ.
Bạn đang đọc: Về thăm di tích Cây Da đôi với bề dày lịch sử cách mạng
Nhắc đến vùng đất Bến Tre, chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ về những hàng dừa xanh ngát, các miệt vườn cây ăn trái trù phú hay những làng nghề dân gian truyền thống. Tuy nhiên, đối với những đôi chân nghiện xê dịch, sức hấp dẫn của Bến Tre còn đến từ các di tích lịch sử lâu đời như cây cổ thụ Bạch Mai tại đình Phú Tự, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định… Trong đó, di tích Cây Da đôi cũng được xem là điểm đến cực kỳ thú vị bởi đây là nơi ghi dấu sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Bến Tre. Hãy cùng Blogdulich.edu.vn khám phá địa điểm độc đáo này qua bài viết sau đây bạn nhé.
1 Giới thiệu vài nét về di tích Cây Da đôi
Vào ngày 16/05/2020, hàng trăm người dân phấn khởi tham dự lễ khánh thành công trình nâng cấp, trùng tu di tích Cây Da đôi. Khu di tích này tọa lạc tại Ngã ba Cây Da đôi, thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre – Nơi tổ chức buổi mít tinh ra mắt chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Ngã ba này ngày trước gọi là Ngã ba Tân Xuân, từ khi xuất hiện cây Da đôi, bà con địa phương mới gọi luôn là Ngã ba Cây Da đôi. Ngoài việc ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, di tích Cây Da đôi còn là một trong những địa điểm tham quan cực kỳ nổi tiếng bên cạnh Khu lưu niệm Giáo sư Ca Văn Thỉnh, thu hút đông đảo người dân tứ xứ và các bạn trẻ gần xa đến viếng thăm hằng năm.
Di tích Cây Da đôi được trùng tu và khánh thành năm 2020 tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri
2 Hướng dẫn đường đi đến khu di tích Cây Da đôi
Để đến được di tích Cây Da đôi từ Thành phố Hồ Chí Minh thì trước tiên bạn cần di chuyển tới thành phố Bến Tre. Bạn có thể tự do sử dụng các phương tiện phù hợp với nhu cầu của mình như xe máy, ô tô tự lái hoặc xe khách. Đối với những bạn vững tay lái và muốn trải nghiệm hình thức du lịch phượt miền Tây thì xe máy sẽ là gợi ý vô cùng hoàn hảo, vừa có thể chủ động về mặt thời gian vừa thuận tiện dừng chân thăm thú dọc đường. Tuy nhiên, nếu bạn không nắm rõ lộ trình di chuyển và muốn đảm bảo an toàn thì nên chọn xe khách đi Bến Tre rồi tiếp tục bắt taxi để đến khu di tích Cây Da đôi. Xuất phát từ trung tâm thành phố Bến Tre, bạn đi dọc theo tỉnh lộ 885 tầm 10km đến khi tới địa phận huyện Giồng Trôm thì rẽ vào đường ĐH10. Từ đây, bạn chỉ cần đi thẳng thêm khoảng 10km nữa là sẽ đến nơi.
3 Di tích Cây Da đôi có gì đặc sắc?
3.1 Di tích Cây Da đôi – Nơi in đậm dấu ấn lịch sử cách mạng tỉnh Bến Tre
Ở xã Tân Xuân nằm ven dòng sông Ba Lai cách thị trấn Ba Tri chừng 12km, người dân địa phương có truyền thống yêu nước vô cùng sâu sắc. Từ giai đoạn năm 1927, phong trào mang tên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở xã Tân Xuân, là tiền đề cho sự thành lập của tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu tháng 04/1930, một nhóm Thanh niên Cách mạng đồng chí hội xã Tân Xuân được vinh dự kết nạp vào Đảng. Đến cuối tháng 04/1930, đội ngũ Đảng viên của xã đã có 10 người. Lúc bấy giờ, nhận thấy điều kiện thành lập chi bộ đã đủ, đồng chí Nguyễn Văn Ân thay mặt Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bến Tre – Mỹ Tho đứng ra thành lập nên Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại xã Tân Xuân – Chi bộ Đảng đầu tiên được ra đời ở Bến Tre.
Ngay khi vừa mới thành lập, nhân kỷ niệm Quốc tế Lao động 01/05, vào buổi chiều tối cùng ngày, Chi bộ Đảng xã Tân Xuân đã quyết định tổ chức buổi mít tinh ở ngã ba Cây Da đôi tại ấp Tân Hòa với hơn 200 quần chúng nhân dân trong vùng và các xã lân cận đến tham dự. Buổi mít tinh sau đó đã trở thành một cuộc biểu tình tuần hành nhằm biểu dương lực lượng cách mạng. Cuộc biểu tình đầu tiên đó thành công rực rỡ, góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến trong lòng mọi người. Từ chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Tân Xuân, những chi bộ khác cũng lần lượt được thành lập và phát triển thành Đảng bộ ở tỉnh Bến Tre.
Giám đốc Trương Quốc Phong của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, di tích Cây Da đôi đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1997. Cho đến năm 2006, nơi đây được xây dựng thêm nhà trưng bày để giới thiệu lịch sử hình thành và hoàn cảnh ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên tại tỉnh Bến Tre. Năm 2017, Ủy ban Nhân Dân tỉnh đã có kế hoạch xây sửa, tôn tạo và trùng tu những di tích lịch sử và di sản văn hóa để chào mừng các dịp lễ lớn trong năm 2017 – 2020. Bên cạnh Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, di tích Cây Da đôi cũng được đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hạng mục, công trình mới phục vụ hoạt động tham quan, về nguồn của người dân trong và ngoài tỉnh.
Ngã ba Cây Da đôi – Nơi diễn ra buổi mít tinh thành lập chi bộ Đảng Cộng sản xã Tân Xuân
Năm 1997, di tích Cây Da đôi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia
3.2 Công trình từ sự đồng lòng và góp sức của nhân dân
Di tích Cây Da đôi được xây dựng thêm các hạng mục mới như nhà trưng bày, sân lễ, cải tạo và mở rộng mặt bằng, nhà truyền thống, trùng tu bia tưởng niệm và một vài công trình khác. Khu di tích được xây cất trên khoảng đất hiện hữu với tổng diện tích khoảng 8.100m2 với kinh phí lên tới 14,757 tỷ đồng, trong đó các cán bộ, Đảng viên đóng góp khoảng 7 tỷ đồng và phần còn lại là ngân sách của tỉnh hỗ trợ. Một vị cán bộ lão thành cách mạng ở huyện Ba Tri là ông Huỳnh Văn Thành cho biết, việc tôn tạo lại di tích Cây Da đôi là một nghĩa cử vô cùng quý báu nhưng điều đáng trân trọng nhất chính là sự góp công, góp sức rất lớn của nhiều Đảng viên, cán bộ trong Đảng bộ tỉnh Bến Tre.
Đảng viên Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Xuân cho rằng, công trình nâng cấp, trùng tu Di tích Cây Da đôi sau khi hoàn thành đã làm nức lòng mong mỏi của nhiều Đảng viên, cán bộ và người dân ở địa phương. Di tích này không chỉ in đậm dấu ấn lịch sử về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Bến Tre mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của tỉnh nhà. Hơn nữa, ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ, công trình còn có sự chung tay, góp sức của hàng nghìn người, thể hiện tình đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái của nhân dân Bến Tre. Di tích Cây Da đôi sẽ được bảo tồn, khai thác về mặt du lịch để địa phương có thêm một địa chỉ đỏ trong hoạt động tham quan, về nguồn.
Theo lời Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân là ông Võ Văn Tòng, di tích Cây Da đôi sẽ là nơi để các thế hệ hôm nay và mai sau cùng gìn giữ, học tập, noi theo tấm gương sáng của cha anh đi trước. Đảng bộ xã Tân Xuân cũng xem đây là địa điểm để Đảng viên, cán bộ thể hiện niềm tự hào và tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu sao cho xứng đáng với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc. Còn đối với người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, di tích Cây Da đôi là một điểm đến đầy sức hút và vô cùng ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân về một thời đấu tranh anh dũng của đồng bào ta.
Tìm hiểu thêm: Trải nghiệm Mercure Hoi An – khách sạn 4 sao với vẻ đẹp cổ điển và hiện đại đầy ấn tượng
Với sự đóng góp của cán bộ, Đảng viên ở tỉnh Bến Tre, di tích Cây Da đôi được xây dựng thêm nhiều hạng mục mới
Bia tưởng niệm cuộc biểu dương lực lượng của 200 quần chúng nhân dân
Nhà truyền thống được trùng tu hết sức khang trang
>>>>>Xem thêm: Review Một ngày ở Hội An yên bình qua từng góc phố
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu các hiện vật và hình ảnh tại nhà trưng bày. Ảnh: bentretourism
Trên đây cẩm nang du lịch Blogdulich.edu.vn vừa giới thiệu đến bạn di tích Cây Da đôi – Một trong những điểm về nguồn vô cùng ý nghĩa của người dân tỉnh Bến Tre. Nếu có dịp về xứ dừa, bạn đừng quên ghé thăm khu di tích này để có thể tận mắt chứng kiến nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre nhé.