Nhắc đến Huế, hẳn bạn đã nghe giới thiệu rất nhiều về những danh lam thắng cảnh như núi Ngự, quần thể di tích Cố Đô Huế, hay những món ngon nổi tiếng. Nhưng bạn đã lần nào nghe đến đầm Chuồn chưa? Nếu chưa thì sao không cùng Blogdulich.edu.vn tìm hiểu thêm về địa điểm mộng mơ này nhỉ? Đảm bảo bạn sẽ mê quên lối về luôn đó!
1 Vài nét về đầm Chuồn mộng mơ xứ Huế
1.1 Thông tin về đầm Chuồn Huế mộng mơ
Du khách đến với Huế, đều mê mệt vẻ hùng vĩ, hoành tráng của núi Ngự, vẻ nên thơ, nhẹ nhàng của dòng sông Hương, hay ngắm nhìn cồn Hến và cồn Dã Viên ở hai phía tả hữu. Tất cả hòa hợp cùng với Kinh Thành Huế, tạo nên một vẻ quyến rũ, thu hút du khách từ khắp các tỉnh thành, các quốc gia đến với đầm Chuồn. Tuy nhiên, bạn có biết không? Huế còn có một “hòn ngọc ẩn giấu” với khung cảnh thiên nhiên mộng mơ, yên bình, đẹp đẽ không kém những danh lam thắng cảnh kia đó! Không nơi nào khác chính là đầm Chuồn. Có vẻ vì đầm Chuồn nằm xa trung tâm thành phố nên mọi người thường “bỏ quên” đi hòn ngọc này.
Khung cảnh như một bức tranh tại Đầm Chuồn xứ Huế. Khi nắng bắt đầu tắt, cũng là lúc mà khung cảnh nơi đây trở nên lộng lẫy nhất
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”
Đầm Chuồn trước đây còn được gọi là đầm Cậu Hai và cũng là đầm có diện tích lớn nhất trong hệ thống đầm phá Tam Giang lên đến hơn 100 héc ta. Cũng vì như thế, kết hợp với khí hậu thiên nhiên thuận lợi nên đầm Chuồn có hệ thống động thực vật, sinh vật vô cùng đa dạng và phong phú, giàu tài nguyên. Vì vẫn còn giữ được nét hoang sơ, trồng nhiều cây xanh nên không khí nơi đây cũng rất trong lành và mát mẻ.
Nếu thành phố lớn người ta có “phân lô đất” thì ở đầm Chuồn cũng có “phân lô” lắm à nghen. Nhìn từ trên, những dải phân cách tạo thành những hình thù khác nhau nhìn cực kỳ hay ho. Ảnh: VNExpress
1.2 Đầm Chuồn – Đầm Cậu Hai nằm ở đâu? Hướng dẫn đường đi đến đầm Chuồn Huế
Đầm Chuồn thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12 cây số về hướng Đông. Nghe quãng đường xa xa như thế nhưng bạn cũng đừng “quay xe” vội nhé! Vì đường cực kỳ dễ đi luôn và có thể đến đây bằng nhiều loại phương tiện khác nhau nữa. Đừng vì đường xa sương sương mà bỏ qua khung cảnh thiên nhiên đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” này nhé!
Để đến được với Đầm Chuồn, bạn chạy dọc theo con đường quốc lộ 49 hướng về phía An Truyền. Sau đó thì chạy thêm một đoạn qua cầu Tư Hiền, băng qua các cánh đồng là đã đến ngay với đầm Chuồn rồi. Bạn có thể thuê xe máy hoặc xe ô tô để chạy đến đây cũng được. Xe máy sẽ thuận tiện hơn vì có thể dừng lại dọc đường để chụp hình check-in Huế, và giá thuê cũng sẽ rẻ hơn nhiều. Chỉ từ 100k – 120k là tha hồ vi vu cả ngày dài rồi.
1.3 Thời điểm đẹp nhất để đến với Đầm Chuồn là khi nào?
Cũng như bao nơi khác, để tránh bão cũng như mưa gió lớn thì bạn nên đến với đầm Chuồn vào mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Lúc này trời ráo hoảnh, vắng mây nên chắc chắn bạn sẽ chụp được nhiều tấm ảnh siêu chất lượng. Ngoài ra, lúc này cũng sẽ là thời điểm nước trong, xanh, không bị đục để bạn tha hồ chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc thu hoạch tôm cá trên đầm nên bạn sẽ được đắm chìm vào không gian nhộn nhịp, rộn ràng giữa sông nước mênh mang. Đặc biệt, lễ hội rước Tổ làng Chuồn diễn ra ngày 15, 16 và 17/7 âm lịch nên nếu ưa những nơi ồn ào, náo nhiệt thì bạn nên đi vào khoảng thời gian này nhé! Hoặc nếu muốn ăn được hải sản tươi ngon, đặc biệt là cá kình – Một loại đặc sản nổi tiếng của đầm Chuồn thì bạn có thể đến vào tháng 4 đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Lúc này đảm bảo bạn sẽ được thưởng thức món bánh xèo cá Kình làng Chuồn đặc sản vô cùng tươi ngon luôn đấy!
Khung cảnh mơ màng khi hoàng hôn buông xuống đầm Cậu Hai xứ Huế. Nếu bắt được khoảnh khắc này thì nhất định bạn sẽ có được một tấm ảnh để đời đấy
2 Những điều đặc sắc tại đầm Chuồn xứ Huế – Thu hút nhiều khách du lịch
2.1 Cảnh sắc sông nước thiên nhiên mơ mộng trữ tình
Đến với Đầm Chuồn, thời điểm đẹp nhất sẽ là lúc bình minh và hoàng hôn. Lúc bình mình thì cả bầu trời sáng rực những tia nắng đầu ngày, nhẹ nhàng, thanh toát. Lúc này, mặt biển phản chiếu ánh nắng, lấp lánh như dát vàng dát bạc. Lúc này, những người ngư dân cũng từ biển trở về, bắt đầu buôn bán hải sản cho các thương buôn, khách lẻ. Khung cảnh vừa bình yên lại vừa nhộn nhịp ấy vậy mà lại hòa hợp đến lạ. Còn khi hoàng hôn buông xuống, bạn sẽ thấy cả bầu trời bát ngát như được tô lên một màu hồng đỏ chói lọi, mặt trời như hòn lửa, từ từ chìm xuống đại dương. Nắng tắt dần, cả khung cảnh dần dần chìm vào màn đêm tối mịt. Lúc này, ngư dân cũng sẽ bắt đầu ra khơi đánh bắt cá cho ngày mai. Những ngày mưu sinh như thế cứ tiếp nối nhau, ngày này qua ngày khác.
Những căn nhà chồ được ngư dân dựng tạm để che nắng che mưa. Nếu ngủ tại đây, bạn sẽ nắm bắt được khung cảnh bình minh rực rỡ như thế này đây. Ảnh: An Bụi
Ngoài ra, khi đến với đầm Chuồn Huế, bạn sẽ còn được trải nghiệm ngủ qua đêm tại nhà chồ được ngư dân tại đây xây tạm trên đầm làm nơi che nắng che mưa khi mỏi mệt. Ở đây cũng có cả dịch vụ cho bạn ngủ qua đêm. Vì thế, nếu muốn ngắm bình minh ở đầm Chuồn nhưng lại ngại dậy sớm thì bạn có thể đến đây vào buổi chiều, ngắm hoàng hôn rồi đi khám phá khu chợ Chuồn, ăn những món hải sản tươi sống rồi nghỉ qua đêm tại những “khu nhà trọ” này nhé! Đảm bảo là trải nghiệm có 1-0-2 cho bạn luôn đấy!
Nước dập dìu và sóng sánh dưới ánh nắng rực. Ảnh: Afamily.vn
2.2 Những đặc sản món ngon tại đầm Chuồn
Đến với Đầm Chuồn, ngoài khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì du khách còn nườm nượp kéo đến nơi đây nhờ vào hải sản tươi sống, đặc biệt là những món đặc sản mang hương vị làng Chuồn không nơi nào có được.
2.2.1 Bánh xèo Cá Kình làng Chuồn
Đầu tiên, nhắc đến làng Chuồn, chắc chắn không thể bỏ quên bánh xèo (bánh khoái) cá Kình. Cá Kình có mặt rất nhiều ở làng Chuồn, đặc biệt vào mùa sinh sản, thu hoạch. Vì thế, đến đây bạn sẽ được trải nghiệm loại bánh xèo có chút kì quái khi chỉ có mỗi bánh, 1 con cá to oạch ở chính giữa và một ít giá hẹ. Ấy vậy mà khi ăn kèm với mắm pha, món ăn này lại có sức hấp dẫn lạ kỳ đó nhé!
Món bánh xèo cá Kình của làng Chuồn cũng đỉnh của chóp lắm đó nghen!
2.2.2 Bánh tét làng Chuồn
Bánh tét làng Chuồng còn được mệnh danh là làng nấu bánh tét ngon nhất xứ Huế. Làng đã có truyền thống nấu bánh tét hơn 400 năm – Một con số cực kỳ khủng phải không nào? Họ lưu truyền những công thức, những cách làm cho những thế hệ sau, mà lại tiếp tục truyền nối như thế để giữ được làng bánh tét cũng như hương vị đặc trưng như ngày nay. Nếp gói thì phải là gạo nếp Tây được trồng trên chính ruộng của làng. Đậu làm nhân cũng phải là loại đậu xanh lớn hạt, mỡ heo cũng là loại dày cắt thỏi. Để bánh có được màu xanh lục tự nhiên thì khi luộc bánh phải luộc cùng với lá mật lục. Từ đó, cho ra được hương vị bánh tét đậm đà từ gạo nếp xóc muối, hòa lẫn với mùi bùi bùi thơm thơm của đậu xanh. Đôi lúc ăn trúng miếng thịt mỡ, sẽ tan ngay ra trong miệng, để vị béo béo ngập tràn.
Bánh tét làng Chuồn đã có tuổi đời lên đến 400 năm – Một con số cực khủng
Vậy là Blogdulich.edu.vn đã giới thiệu đến bạn một địa điểm du lịch tại Huế với khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều món ngon và hoạt động vui chơi thú vị. Lịch trình khám phá Huế sắp đến của bạn sẽ có đầm Chuồn mộng mơ chứ? Bạn cũng có thể tham khảo thêm Cầu Trường Tiền hay đầm Lập An đều là những điểm đến lãng mạn tại thành phố Huế.