Thông Nguyên là một trong 23 xã thuộc Hoàng Su Phì được thiên nhiên ban tặng phong cảnh thiên nhiên hữu tình với núi non trùng điệp. Từ hàng trăm năm nay, người dân đã gầy dựng lên những cánh đồng ruộng bậc thang rộng bạt ngàn để canh tác và trồng trọt. Đến nay, nó đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút du khách đến tham quan Thông Nguyên.
1 Đứng giữa Thông Nguyên lộng gió tại Hoàng Su Phì
1.1 Hoàng Su Phì – Điểm đến đặc sắc tại Hà Giang
Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây Hà Giang, vốn nổi tiếng với những cánh đồng ruộng bậc thang bạt ngàn chạy dọc tới cuối chân trời. Phần lớn người dân địa phương tại đây đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người La Chí sẽ chiếm phần đa số. Mọi người đã gầy dựng nên những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà, con đường quanh co dẫn vào bản. Người La Chí thân thiện với du khách, lại cũng rất nhiệt tình nên khi du lịch đến đây bạn cũng không cần quá lo lắng nhé!
Thăm thẳm những thửa ruộng bậc thang kéo dài bạt ngàn đan xen là những cây xanh cao và nhà cửa. Ảnh: VNExpress
Đến với Hoàng Su Phì, rảo bước nhẹ nhàng trên những con đường đất, phóng tầm mắt ra xa, thỏa mãn ánh nhìn của mình bằng những thửa ruộng bậc thang xanh ngát, bạt ngàn trải dài khắp các sườn núi, lắng nghe tiếng gió lao xao bên cành lá. Tất cả khi kết hợp lại sẽ cho mình một cảm giác mà mỗi khi nghĩ về, bạn cũng đều sẽ cảm thấy êm đềm, bình yên. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy sẽ giúp ta an yên trong lòng, hòa mình vào vào vòng tay của mẹ thiên nhiên. Hoàng Su Phì bao gồm 23 xã trong đó có nhiều xã khá “nhẵn mặt” trong giới du lịch như Bản Phùng, bản Luốc… Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm đến một nơi mà ở đó có vẻ đẹp hoang sơ thì chắc chắn Thông Nguyên Hà Giang là địa điểm bạn đang kiếm tìm.
1.2 Thông Nguyên – Vùng đất với những thửa ruộng bậc thang chuyển màu
Nằm ở phía tả ngạn, Thông Nguyên là nơi hội tụ 3 con suối lớn là Phìn Hồ, Nậm Ông và Nậm Khòa hội tụ tạo thành một bình nguyên ngay trên lưng chừng núi. Cũng vì thế mà nhiều người nhận định rằng xã Thông Nguyên ở huyện Hoàng Su Phì là nơi “Quần sơn- Tụ thủy”. Sự hội tụ của các dòng suối, cùng sự bồi đắp phù sa hàng năm đã để lại cho Thông Nguyên một vùng đất trù phú tập hợp được cả “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Người xưa thường ví Thông Nguyên là “vùng đất mở” của tương lai tươi sáng.
Vẻ đẹp bình yên của Thông Nguyên – Hoàng Su Phì mỗi mùa lúa chín về. Ảnh: Dulich Today
1.3 Đường dẫn đến Thông Nguyên Hoàng Su Phì
“Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” – Ấy là người ta thường kháo nhau như vậy để nói về độ quanh co, gập ghềnh, khó đi của đường đến với Hoàng Su Phì hay Thông Nguyên. Có lẽ cũng vì lý do đó nên nơi đây có ít du khách biết đến và tham quan. Mọi người đều phải vượt qua nhiều con dốc ngoằn ngoèo, những khúc cua hiểm trở mới có thể đến được đây. Nhưng cũng đừng vội nản chí bạn nhé vì bây giờ đường cũng đã được sửa sang lại bằng phẳng hơn kha khá rồi đấy! Bên cạnh đó thì khung cảnh xung quanh, thiên nhiên yên ả, trong lành, thanh cao, chắc chắn sẽ khiến bạn quên đi bao mỏi mệt.
Nếu chọn đi từ hướng Tuyên Quang lên thì bạn cứ chạy thẳng theo đường quốc lộ 2 khoảng 50km thì sẽ thấy ngã 3 Tân Quang thuộc huyện Bắc Quang. Tại đây, chỉ cần rẽ trái thì bạn sẽ đi Hoàng Su Phì, còn nếu chạy thẳng thì sẽ đến với thành phố Hà Giang. Tất nhiên là chúng mình rẽ trái rồi. Sau đó thì chỉ cần chạy thẳng, và thẳng là bạn sẽ bắt đầu thấy những thửa ruộng bậc thang hiện ra, lấp ló sau những cung đường quanh co. Đây chính là báo hiệu bạn đã đi đến được khu vực Thông Nguyên rồi đấy! Đoạn đường dù có khá xa nhưng đảm bảo cảnh vật xung quanh sẽ làm cho bạn quên đi cái khó khăn, cực nhọc của chuyến đi luôn đấy! Khu vực xã Nậm Ty – Thông Nguyên nằm gần hơn các xã khác nên sẽ tiết kiệm thêm nhiều thời gian cho bạn.
Cận cảnh những bông lúa chín cúi đầu mỗi khi tháng Chín về tại Thông Nguyên
1.4 Nên đến Thông Nguyên vào thời gian nào?
Cũng như phần lớn các xã khác tại Hoàng Su Phì thì thời điểm “vàng” để tham quan Thông Nguyên chính là khi vào mùa lúa chín. Lúc này, cả không gian như sáng bừng lên cái màu vàng đẹp và rạng rỡ nhất, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Màu của sự no ấm mùa gặt của người dân Dao đỏ cũng hiện lên thật rõ nét mỗi khi tháng Chín về. Nếu muốn xem lúa xanh mướt thì bạn có thể đi vào tầm tháng 7, 8 còn nếu muốn xem lúa chín rũ vàng ươm thì tháng 9 chính là lúc thích hợp nhất. Tuy nhiên, thời điểm tháng 6 đến tháng 8 cũng là mùa mưa ở Hà Giang. Lúc này không những đường trơn trượt, khó đi mà nguy cơ đá lở cũng rất lớn, cực kỳ nguy hiểm để đi phượt đường đèo. Chính vì thế, bạn có thể đợi qua Giêng để xem lúa xanh mướt cũng rất đẹp đấy.
Một phần cánh đồng lúa vàng ươm đối lập với thửa ruộng đã bị thu hoạch bên kia
2 Cánh đồng lúa chín tại Thông Nguyên
Đa số các xã tại Hoàng Su Phì đều “thu phục” các du khách gần xa, từ địa phương đến quốc tế là nhờ vào những cánh đồng lúa phủ chín vàng những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn của mình. Thông Nguyên cũng chẳng phải là một ngoại lệ. Không chỉ đẹp nhờ vào những cây hoa đào, hoa mận mà thiên nhiên nơi đây còn nên thơ, lãng mạn nhờ vào sắc vàng ươm rạng rỡ của những bông lúa cúi đầu. Bạn có thể đi theo những con đường mòn của người dân để đi vào sâu bên trong, khám phá thêm cận cảnh vẻ đẹp của bông lúa. Trong không khí mát mẻ, trong lành, lại đượm hương lúa tháng Chín của Thông Nguyên, ta sẽ thấy lòng mình an yên, dễ chịu hơn rất nhiều. Đứng từ trên cao bạn sẽ thấy một bức tranh thiên nhiên sinh động với những thửa ruộng bậc thang lắp ló sau màn mây nhàn nhạt, thấp thoáng là những mái nhà gỗ. Bên cạnh đó, trên đường đi bạn cũng có thể tìm kiếm những ngôi nhà chòi có tầm nhìn ra ruộng bậc thang đẹp được người dân dựng lên. Chụp hình ở đây chắc chắn view số dách luôn đấy nhé. Đặc biệt hơn là những căn nhà chòi này hoàn toàn miễn phí. “Dễ thương quá, Thông Nguyên ơi” phải không nào?
Nét yên bình mỗi lúc sáng mai
Cả cánh đồng vàng ươm đan xen là những ngôi nhà đơn sơ, giản dị
3 Chè Shan Tuyết Thông Nguyên – Đặc sản quý giá tốt cho sức khỏe
Nếu nhắc đến Thông Nguyên, chắc chắn bên cạnh những thửa ruộng bậc thang bát ngát thì mọi người còn thường nhắc nhau nhớ mua về một loại đặc sản quý hiếm, lại tốt cho sức khỏe – Chè Shan Tuyết. Mỗi năm thì sản lượng chè búp tươi của Thông Nguyên lên đến 2.200 tấn nhờ vào diện tích trồng trọt lên đến 652 ha chè. Shan Tuyết Thông Nguyên chỉ mọc trên những dãy núi cao, có độ cao trung bình từ 800 – 1.300 m so với mặt nước biển. Nếu muốn thu hoạch, người dân phải thật nhanh tay nhặt những ngọn tươi, non ở phía đầu. Một chuyến thu hoạch không được kéo dài quá 6 tiếng vì khi ấy chè sẽ kém tươi, mất chất lượng. Ngoài ra, lại phải còn không được bôi dầu gió, nước hoa vì sẽ làm ảnh hưởng đến mùi vị của chè. Trà Shan Tuyết có hương vị đặc biệt, được ví như một sản vật của Thượng đế ban cho dân lành và người Thông Nguyên. Nếu một lần đến với Thông Nguyên thì cũng đừng quên mua về những gói trà Shan Tuyết để làm quà cho bạn bè và người thân bạn nhé!
Blogdulich.edu.vn đã giới thiệu chi tiết nhất đến bạn về Thông Nguyên – Một xã với đặc sản chè Shan Tuyết nổi tiếng trứ danh Đông Bắc, Việt Nam và cả thế giới.
Nếu có dịp một lần đến với Thông Nguyên, bạn hãy dành thời gian khám phá từng ngóc ngách của nơi này nhé! Không chỉ có những thửa ruộng bậc thang rộng lớn, bạn cũng có thể tham quan cả khu trồng chè Shan Tuyết, tìm mua một ít về làm quà cho người nhà và bạn bè. Chắc chắn sẽ tìm ra những đặc điểm thú vị lắm đấy!