Nhà tù Hỏa Lò là một là một minh chứng rõ nét cho cả một thời kì lịch sử khổ cực mà gian lao, biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người con Việt Nam yêu nước. Khu di tích vẫn còn trường tồn với thời gian cho đến tận ngày nay tại Hà Nội thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
1 Tổng quan về nhà tù Hỏa Lò
1.1 Lịch sử ra đời của nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vào năm 1896, ban đầu có tên là Prison Centrale (Nhà tù trung ương), song để tránh sự tò mò và kích động của dân chúng nên đổi thành Maison Centrale (Ngôi nhà Trung ương) và hiện tên vẫn còn trên cánh cổng chính dẫn vào di tích.
Nhà tù này được Pháp xây dựng năm 1896 ở khu vực ngoại ô thành phố với mục đích làm ngục thất trung ương cho cả hai xứ Trung cũng như là Bắc Kỳ. Nơi đây giam giữ chủ yếu là các tù nhân chính trị và các nhà ái quốc chống chính quyền thực dân. Giữa lòng thủ đô ồn ào, tấp nập vẫn có một nhà tù Hỏa Lò luôn ở đó và lưu giữ những thăng trầm lịch sử theo thời gian.
Được mệnh danh là địa ngục trần gian, trong suốt thời gian hoạt động của mình, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành nơi giam giữ của biết bao thế hệ chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng Việt Nam với kiến trúc trại giam được thiết kế với các hình thức tra tấn, ép cung vô cùng dã man, tàn nhẫn. Điển hình nhất là cỗ máy chém đã đưa nhà tù ghi danh vào top 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới.
Địa chỉ: Phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8:00 – 17:00
Giá tham khảo: 30.000 VNĐ/người
Nhà tù Hỏa Lò là một trong TOP10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới nằm ở ngoại ô thành phố
1.2 Kiến trúc của nhà tù Hỏa Lò
Tổng diện tích của cả khu nhà tù trước kia rộng lên đến hơn 12.000m2. Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn 2.434m2 là được giữ lại nhằm bảo tồn để trở thành khu di tích, phục vụ cho mục đích tham quan du lịch của những ai muốn đến và tận mắt chứng kiến khung cảnh của nhà tù thực dân trông như thế nào khi đến khám phá Hà Nội.
Cũng do được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ) là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung vì thế làng còn có tên là Hỏa Lò. Dưới thời Pháp thuộc, ngục Hỏa Lò được thiết kế xây dựng với cấu trúc bao gồm những bức tường đá cao 4m, dày 0,5m được gia cố thêm dây thép điện. Cả khu vực ngục tù được chia thành 4 khu A, B, C, D. Trong đó:
– Khu A, B: Dành cho các phạm nhân đang được điều tra, phạm nhân không quan trọng hoặc phạm nhân vi phạm vào kỉ cương của nhà tù.
– Khu C: Dành cho tù nhân Pháp hoặc ngoại quốc.
– Khu D: Dành cho các phạm nhân đang chờ thụ án tử hình
Nhà tù được thiết kế với diện tích 12.000 m2 chia thành 4 khu chính dành cho các loại phạm nhân
2 Nhà tù khét tiếng nhất nhất thế giới
2.1 Địa ngục trần gian với nhiều hình thức tra tấn tàn nhẫn
Nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là Địa ngục trần gian với thiết kế xây dựng của trại giam cho phép Hỏa Lò chứa khoảng 500 tù nhân. Các nhà giam đều được thiết kế với chế độ giam giữ, ép cung hà khắc và cực kỳ dã man tàn bạo.
Từ một làng nghề thủ công làm đồ gốm có tiếng, thực dân Pháp đã biến mảnh đất Hỏa Lò thành nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sĩ yêu nước. Sống trong ngục tù đế quốc với chế độ giam cầm hà khắc, đọa đày nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học, nơi phổ biến lý luận cách mạng.
Có rất nhiều nhà lãnh đạo yêu nước và cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… và năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.
Nơi đây được mệnh danh là Địa ngục trần gian với thiết kế xây dựng cho phép Hỏa Lò chứa khoảng 500 tù nhân
2.2 Nhiều vũ khí tra tấn man rợ
Khi đến nhà tù Hỏa Lò, bạn cũng sẽ được tận mắt chứng kiến rất nhiều thứ vũ khí man rợ của thực dân Pháp. Một vài dụng cụ tra tấn điển hình như những chiếc máy chém, máy quay điện, ba toong… Thực dân Pháp rất chú trọng trong việc xây dựng nên tất cả các thiết kế cửa, khóa, gông cùm ở đây đều là các thiết kế chuyên biệt mang từ bên Pháp sang, được quản lý vô cùng chặt chẽ.
Điển hình là chiếc máy chém khổng lồ – Thứ vũ khí được sử dụng nhiều nhất trong thời gian đó. Cỗ máy đó đã đưa nhà tù trở thành một trong những nhà tù khét tiếng nhất thời bấy giờ. Khi đến đây bạn cũng sẽ có một cảm giác gì đó rất kinh hoàng. Hình ảnh về những trận đòn, những hành động tra tấn man rợ sẽ được tái hiện một cách rõ nét.
Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến rất nhiều thứ vũ khí man rợ của thực dân Pháp sử dụng thời bấy giờ
2.3 Hình ảnh chốn lao tù được tái hiện chân thật, sống động
Đút chân vào cùm lim, một tiếng là 60 phút, 1 ngày là 1440 phút. Nghe thì tưởng chỉ có những bức tượng mới chịu được nhưng những chiến sĩ cách mạng, những người tù chính trị đã chịu đựng suốt từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm. Quả thật đáng khâm phục khi họ vẫn tiếp tục sống và chiến đấu.
Hình ảnh chốn lao tù ngày ấy với những trận đòi roi, xét xử, tra tấn dã man, tàn bạo dù trải qua bao năm vẫn còn đọng lại trong kí ức người dân Việt Nam qua từng trang sách lịch sử. Tất cả được khắc họa rõ nét, chân thật ở mọi ngóc ngách tại nhà tù Hỏa Lò giúp du khách dễ dàng cảm nhận được sự gian lao, cực khổ, đau đớn của cha ông ta những ngày chiến đấu vì độc lập của đất nước.
Hình ảnh tra tấn, những trận đòn roi chốn lao tù được khắc họa rõ nét mang đến cảm giác chân thật
2.4 Nỗi kinh hoàng mang tên Hỏa Lò
Ngay từ khi chưa hoàn thành, tháng 1/1899, nhà tù Hỏa Lò đã đảm nhận việc giam người. Theo thiết kế ban đầu, nơi đây chỉ đủ giam giữ 500 tù nhân nhưng nhà tù đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ giam. Vào những năm 1950- 1953, Hỏa Lò giam cầm tới 2.000 người tù. Trở thành địa ngục trần gian không ai muốn bước vào.
Ngục tối được xem như nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bất kì tù nhân nào với những cái tát nảy lửa, những trận đòn, bị gông, bị cùm, ăn ở, ngủ hay vệ sinh đều chỉ trong một không gian chật hẹp tăm tối. Hầu hết những ai khi bị nhốt vào đây một thời gian sau sẽ bị phù nề, ghẻ lở do thiếu vệ sinh và ánh nắng mặt trời.
Bao quanh nhà tù là bức tường bằng đá, cốt thép cao 4m, dày 0,5m được gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua. Bốn góc là những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam. Riêng hệ thống cửa sắt và khóa được mang từ Pháp sang. Các phòng giam, phòng tối, xà lim chật chội, thiếu không khí cùng những tên cai ngục khét tiếng, có thâm niên cai quản nhà tù sẵn sàng đàn áp, thậm chí cướp đi sinh mạng của tù nhân.
Ngục tối được xem như nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bất kì tù nhân nào đặt chân đến đây
3 Tinh thần yêu nước vẫn không ngừng rực cháy bên trong nhà tù Hỏa Lò
Đàn áp dã man là vậy nhưng tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng vẫn không ngừng nhen nhóm trong không gian tăm tối của nhà tù. Những buổi tuyên truyền cách mạng, phong trào học tập, các lớp lý luận chính trị vẫn ngầm diễn ra bất chấp đòn roi của thực dân nhằm mục đích tuyên truyền lý tưởng của Đảng, giác ngộ binh lính và liên hệ với các tổ chức bên ngoài, đấu tranh giành quyền sống.
Không những vậy, những tờ báo cách mạng như “Đời tù”, “Lao tù tạp chí” cũng được ra đời ngay trong chính cuộc sống bị áp bức, bóc lột để giáo dục, nâng cao ý thức cho Đảng viên. Đốt lên ngọn lửa cách mạng ngay trong lòng kẻ thù. Cũng nhờ có những hoạt động đó mà cuộc sống lao ngục nơi đây cũng phần nào bớt đi được sự tăm tối.
Ngọn lửa yêu nước và tinh thần đấu tranh vì độc lập dân tộc của các chiến sĩ vẫn luôn nhen nhóm, chưa bao giờ bị dập tắt
Tàn ác, man rợ, dã man chưa đủ để diễn tả được những nỗi vất vả, gian khổ mà biết bao thế hệ chiến sĩ, những nhà hoạt động cách mạng đã phải trải qua tại địa ngục trần gian. Là một trong những nhà tù khét tiếng nhất thế giới, nhà tù Hỏa Lò đưa bạn ngược dòng về lịch sử, cảm nhận hết những khổ cực, gian lao của các bậc anh hùng hi sinh vì độc lập dân tộc. Đừng quên tham quan thêm bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hay Bảo tàng Hà Nội để tìm hiểu thêm về các điểm khám phá, học tập lịch sử độc đáo này nhé!